Hợp tác với Đại học Kanto Gakuin (Nhật Bản) trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật xây dựng

Ngày 26/09, Đoàn  các giáo sư của Đại học Kanto Gakuin (Nhật Bản) đã tới thăm  ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật xây dựng. Đoàn do GS. TS Hiroyoshi Kiku – Hiệu trưởng dẫn đầu.

GS. TS Hiroyoshi Kiku – Hiệu trưởng Trường Đại học Kanto Gakuin đã giao lưu, nói chuyện với sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng với chủ đề về sự phát triển và tầm quan trọng của lĩnh vực kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Nhà G3.

Tham dự buổi giao lưu và tiếp đoàn về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Phạm Minh Triển – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Chủ nhiệm khoa CHKT&TĐH, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông trực thuộc trường, ThS. Vũ Bích Hà – Phó trưởng phòng Đào tạo.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà khẳng định buổi giao lưu giữa Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin với sinh viên trường ĐHCN nhằm định hướng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên. Đồng thời giúp các em thấy được khả năng phát triển ngành nghề của bản thân, cũng như cơ hội việc làm đối với lĩnh vực kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Trong phần giao lưu với sinh viên, GS. TS Hiroyoshi Kiku nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành kỹ thuật xây dựng: “Tôi muốn các bạn tân sinh viên cần nhận thức rằng ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng là một ngành học cao quý, là một nghề quan trọng đối với các quốc gia, với xã hội cũng như với tất cả mọi người; và tự sự nhận thức một cách đầy đủ đó sẽ tạo động lực cho các bạn trong suốt quá trình học tập sắp tới đây ở trường đại học”.

Chia sẻ về ý nghĩa của từ kỹ thuật xây dựng dân dụng, Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin cho biết: “Lĩnh vực về kỹ thuật xây dựng mà các bạn sẽ học trong thời gian tới có thể coi là một ngành kỹ thuật tổng hợp rất rộng lớn. Bên cạnh các ngành thuộc về lực học, nguyên vật liệu học như ngành cấu trúc xây dựng, địa chất, thủy văn hay cấu tạo bê tông còn bao gồm cả các ngành kỹ thuật ứng dụng như kỹ thuật dự phòng thiên tai, kỹ thuật quan trắc động đất, và các ngành mang tính kinh tế – xã hội sâu sắc như kỹ thuật giao thông, phát triển đô thị; tất cả các ngành, lĩnh vực đó đều thuộc phạm trù kỹ thuật xây dựng. Trong quá trình học tập, điều các bạn được học không phải là các kỹ năng để trờ thành các người thợ lành nghề, mà trên hết các bạn sẽ được đào tạo để trở thành các kỹ sư, các nhà kỹ thuật nắm rõ các kỹ năng, trở thành các nhà quản lý cho các dự án xây dựng trong tương lai. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, yếu tố tối quan trọng với các bạn đó là phải nhận thức rõ về triết lý và tinh thần làm việc của một kỹ sư xây dựng, và nhiệt huyết đóng góp cho phát triển xã hội, con người”. (Giới thiệu về toàn văn bài phát biểu của Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin).

Một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực xây dựng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định dựa trên vốn ODA dành cho lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam những năm qua rất lớn, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và doanh thu từ xây dựng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu GDP của Việt Nam, đã cho thấy lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Từ khi thành lập cho đến nay, ĐHQGHN luôn có thế mạnh về khoa học cơ bản và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các ngành khoa học cơ bản sang các ngành kỹ thuật công nghệ, liên ngành. Dựa vào các thế mạnh của Trường ĐHCN nói riêng  và ĐHQGHN nói chung về toán học, vật lý, cơ học, CNTT và các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cao, vì vậy các kỹ sư xây dựng của ĐH Công nghệ có sự khác biệt và khi tốt nghiệp đều có khả năng làm việc và hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở trong và ngoài nước. Thay mặt cán bộ và sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Giáo sư Nguyễn Đình Đức bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các giáo sư Nhật Bản và hi vọng trong thời gian tới cả hai bên sẽ có thêm nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa trong lĩnh vực này.

Kết thúc buổi giao lưu với sinh viên, đoàn trường Đại học Kanto Gakuin tiếp tục trao đổi về việc hợp tác cụ thể với Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông – Trường ĐHCN trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu trong linh vực công nghệ kỹ thuật xây dựng. Mục đích của buổi làm việc là triển khai hợp tác theo văn bản đã ký kết giữa Trường ĐHCN và Trường Đại học Kanto Gakuin. Cụ thể, trong thời gian tới Trường ĐHCN sẽ trao đổi, phối hợp đào tạo các học viên cao học; tổ chức khóa học ngắn hạn tại Trường ĐHCN với sự tham gia của giảng viên Trường ĐH Kanto Gakuin; ĐH Kanto Gakuin sẽ bảo trợ, giúp đỡ ĐH Công nghệ trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cũng như đào tạo sau đại học tại Nhật Bản; hỗ trợ xây dựng các phòng thí nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo cũng như khả năng thực hành, thực tập cho sinh viên trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xây dựng.

Trường Đại học Kanto Gakuin được thành lập năm 1884 nằm ở tỉnh Yokohama của Nhật Bản, có lịch sử xây dựng và phát triển hơn 130 năm, là một trường nổi tiếng tại Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ bề mặt vật liệu và công nghệ xây dựng dân dụng. Đối với bậc đại học, Trường Đại học Kanto Gakuin có 10 khoa với 11.000 sinh viên; bậc sau đại học có 4 khoa.

Tuyết Nga (UET)

GẶP MẶT TÂN SINH VIÊN NGÀNH KỸ SƯ CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT XÂY DỰNG K63 -2018

Ngày 21-8-2018, tại Giảng đường lớn 3G3 – Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN – 144 Xuân Thủy – Cầu Giấy – Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và các cán bộ, giảng viên của Bộ môn CNKT Xây dựng – Giao thông (Bộ môn trực thuộc trường, tương đương cấp Khoa) đã gặp mặt các em tân sinh viên năm thứ nhất K63-2018.

Các thầy cô và nhà trường, Khoa vui mừng chào đón các em sinh viên năm thứ nhất  và đã giới thiệu với các em tân sinh viên về chương trình đào tạo, về Nhà trường, về Bộ môn, về những cơ hội việc làm, những thế mạnh và sự khác biệt giữa đào tạo ngành Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông ở ĐH Công nghệ so với các cơ sở đào tạo khác:

Chương trình Kỹ sư CNKT Xây dựng – Giao thông ở ĐH Công nghệ, ĐHQGHN có  những thế mạnh cơ bản như:

1- Nền tảng toán, cơ, CNTT, điện,…chắc và vững vàng trên cơ sở thế mạnh của ĐH Công nghệ, khối kiến thức ngành xây dựng sâu rộng, hiện đại (với các môn học rất mới như phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, quản lý dự án, công trình xanh, năng lượng mới; thiết kế hệ thống, phong thủy,…). Chương trình thiết kế theo chuẩn Nhật Bản như chương trình Civil Engineering của ĐH Tokyo.

2- Trong quá trình học tập, các em sinh viên được tham gia Nhóm nghiên cứu mạnh (có nhiều sinh viên của Bộ môn khi còn là sinh viên đã có công bố trên các tạp chí quốc tế) và được gửi đi thực tập thực tế tại các doanh nghiệp.

3- Không chỉ nghiên cứu khoa học mạnh, công bố quốc tế mạnh, Ngành Kỹ sự xây dựng còn gắn kết chặt chẽ đào tạo với ghiên cứu, với hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước và với nhiều trường đại học lớn ở nhiều quốc gia khác nhau như UK, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,..Đặc biệt có sự liên thông và sử dụng chung thiết bị  với PTN Kỹ thuật hạ tầng của ĐH Việt Nhật. Các em kỹ sư khi tốt nghiệp có thể học tiếp thạc sĩ Cơ học Kỹ thuật tại ĐH Công nghệ, thạc sĩ Kỹ thuật hạ tầng tại ĐH Việt Nhật và các trường khác như Xây dựng, Giao thông, Kiến trúc, Thủy lợi, …cũng như có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Xin nhiệt liệt chúc mừng các thầy cô và các em tân sinh viên nhân dịp năm học mới.                       Kính chúc các  thầy cô và các em sinh viên luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và   thật nhiều thành công trong công tác, học tập.

BỘ MÔN CNKT XD-GT

ACCMS TM 2018 – Hội nghị quốc tế lớn do Bộ môn phối hợp tổ chức

HỘI NGHỊ QUỐC TẾ TÍNH TOÁN TRONG KHOA HỌC VẬT LIỆU ACCMS TM 2018 TẠI ĐHQGHN 07-09/9/2018

Trong không khí hân hoan của những ngày đầu năm học mới 2018-2019, ,  ĐHQGHN vui mừng chào đón 300 đại biểu với  200 báo cáo khoa học của các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Việt Nam, với hơn 80 đại biểu là người nước ngoài, trong đó có  3 báo cáo toàn thể (Plenary speaker), 39 báo cáo mời (Invited speaker), 39 báo cáo miệng (Oral) và 115 báo cáo Poster.

Hội nghị ACCMS là hội nghị lớn, được tổ chức luôn phiên ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga,  Ấn Độ,  Malaysia,…và lần này vinh dự được tổ chức tại ĐHQGHN.

Khoa Vật Lý Kỹ thuật và Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN là 2 đơn vị phối hợp tổ chức Hội nghị này.

Hội nghị đăng ký đại biểu từ chiều 07.9.2018,

Khai mạc sáng 8g30 sáng ngày thứ bảy, 8.9.2018 tại tòa nhà Sunwa, ĐHQGHN

144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội,

Và diễn ra trong 2 ngày 08 và 09 tháng 9  năm 2018.

Thông tin chi tiết về Hội nghị: http://accms2018.uet.vnu.edu.vn/

Chủ đề báo cáo không chỉ giới hạn trong mô hình hóa và mô phỏng đa tỷ lệ (Multi-scale modeling and simulations) (chiếm tỉ lệ 20%), mà còn mở rộng sang các vật liệu cấu trúc nano (Nanostructure materials, tỉ lệ 15%), các vật liệu sử dụng cho chuyển đổi và dự trữ năng lượng (Materials for energy storage and conversion, tỉ lệ, 15%), Advanced composite and functional-graded materials and structures 20%) và một số lĩnh vực khác với tỉ lệ nhỏ hơn. Chất lượng các báo cáo được đánh giá sơ bộ thông qua các abstract là khá cao, với các nghiên cứu mang tính thời sự và khả năng ứng dụng cao.

Điểm mới của hội nghị lần này là đã xuất hiện những nghiên cứu mới liên quan đến mô phỏng và ứng dụng các vật liệu thông minh, có cơ lý tính biến đổi, không chỉ tính toán trong vật liệu mả cả trong tính toán cho kết cấu, nghiên cứu độ bền, ổn định, các ứng xử tĩnh và động lực học,…Các báo cáo của hội nghị sẽ được xem xét xuất bản trên các chuyên san đặc biệt của các tạp chí quốc tế ISI uy tín. Đặc biệt là sự có mặt của hơn 40 báo cáo mời của các giáo sư nổi tiếng trên thế giới. Điều này cho thấy sức thu hút và uy tín của hội nghị cũng như uy tín của các nhà khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học quốc tế.

Hội nghị này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam. Các nhà khoa học của Việt Nam có cơ hội hiếm có để tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với các nhà khoa học hàng đầu của thế giới. Qua đó góp phần thúc đẩy các hướng nghiên cứu mới, hiện đại không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thế giới.

Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị và các nhà khoa học Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn GS Kawazoe và cộng đồng quốc tế đã dành vinh dự tổ chức hội nghị này cho Việt Nam, cho ĐHQGHN. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ, Lãnh đạo ĐHQGHN, Quỹ Phát triển KHCN quốc gia NAFOSTED, Bộ KHCN; Quỹ Nghiên cứu Châu Á của ĐHQGHN; Cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Việt Nhật, và đặc biệt cảm ơn sự tích cực tham gia và hưởng ứng của 300 nhà khoa học trên toàn thế giới.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các thầy/cô, các nhà khoa học trong Ban Tổ chức và Ban thư ký đã vất vả trong cả năm qua chuẩn bị tích cực và chu đáo cho Hội nghị này; xin cảm ơn Ban Quản lý tòa nhà Sunwa của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã ủng hộ và hỗ trợ cao nhất, cảm ơn các bạn sinh viên – tình nguyện viên của Trường ĐH Công nghệ đã nhiệt tình tham gia và sẵn sàng hỗ trợ Ban Tổ chức.

Chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Chúc các quý vị đại biểu sẽ có những ngày thật vui và đầy ý nghĩa tại Hà Nội.

Trân trọng thông báo và kính mời quý thầy/cô, các bạn đồng nghiệp, các em NCS biết, tham gia Hội nghị.

Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

 

 

CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH VÀ RA MẮT KHOA CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT XÂY DỰNG – GIAO THÔNG CỦA TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ – ĐHQGHN, 25/5/2018

SỰ KIỆN LỊCH SỬ:  CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH VÀ RA MẮT KHOA CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT XÂY DỰNG – GIAO THÔNG CỦA TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ – ĐHQGHN, 25/5/2018
     Hôm nay, 25/5/2018, nhân ngày thành lập Trường ĐHCN, nhà trường đã long trọng công bố quyết định thành lập Bộ môn CNKT Xây dựng – Giao thông thuộc trường (về mặt hành chính tương đương cấp Khoa) và quyết định bổ nhiệm GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm Chủ nhiệm Khoa đầu tiên.
       PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng đã công bố và trao quyết định thành lập và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Bộ môn.
       Sự kiện đã đi vào lịch sử của trường ĐH Công nghệ và trang sử vẻ vang của ĐHQGHN.
      Xây dựng – Giao thông và Kỹ thuật hạ tầng là những lĩnh vực được quan tâm đầu tư phát triển của mỗi quốc gia, không chỉ là xây nhà, cầu, đường, các công trình hạ tầng, các công trình đặc biệt, mà cả quy hoạch, kiến trúc, đến điều tiết giao thông, các công trình ngầm, dự báo thời tiết với hiện tượng đảo nhiệt đô thị, robot thám hiểu đáy đại dương, cho đến lái xe tự động, thành phố thông minh, kỹ thuật thiết kế ảo cũng như xây dựng sử dụng máy in 3D của cách mạng công nghiệp 4.0,…đều là các bài toán của lĩnh vực này. Phạm vi đào tạo và nghiên cứu là vô cùng rộng lớn và vô tận.
      Như vậy ấp ủ hoài bão từ năm 2009, từ khi GS Nguyễn Đình Đức đang là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN – ĐHQGHN, sau hơn 10 năm kiên trì âm thầm xây dựng đội ngũ,  đến nay đã chín muồi và trở thành hiện thực, tạo động lực và cơ hội mạnh mẽ cho sự phát triển của nhà trường và của ĐHQGHN. Tiền thân là Đại học Đông Dương (thành lập 1906), với sự có mặt của lĩnh vực này, ĐHQGHN đã có cơ cấu ngành nghề hoàn chỉnh như Đại học Đông dượng 112 năm về trước (khi đó ĐH Đông Dương có 5 khoa là KH tự nhiện, văn học, luật hành chính, y dược và xây dựng).
        Sự ra đời của một tổ chức hoành tráng để đời như vậy là kết quả của một ý chí và nghị lực lớn lao, một khát khao cháy bỏng  được cống hiến với nhà trường, với đời, tâm huyết với nghề, sự kiên trì không nản chí với biết bao nhọc nhằn và công sức của GS Nguyễn Đình Đức, cộng với sự thấu hiểu và ủng hộ, cộng hưởng của lãnh đạo nhà trường, của lãnh đạo ĐHQGHN và của biết bao thầy cô, các nhà khoa học, các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN, và cả sự động viên của các đồng nghiệp trong và ngoài nước, học trò; và vượt qua các khó khăn thửa thách mới có được thành công này.
        Chương trình đào tạo được cung cấp nền tảng kiến thức của cả kỹ thuật và công nghệ xây dựng, được cập nhật so với chương trình đào tạo của các trường đại học danh tiếng trên thế giới trong lĩnh vực Civil Engineering như University of Tokyo (Nhật bản) và University of Melbourne (Úc).
      Độc đáo của chương trình đào tạo là phát huy thế mạnh của trường Đại học Công nghệ như  Công nghệ Thông tin, Điện tử và Vi cơ điện tử, Cơ học Kỹ thuật, cũng như các kiến thức về môi trường và phát triển bền vững của các cơ sở khác trong toàn ĐHQGHN. Đặc biệt thể hiện tính đặc sắc trong các môn học mang tính thời sự như: Công nghệ mới trong xây dựng – giao thông; Thiết kế, thi công các công trình đặc biệt, Thiết kế hệ thống, Phát triển bền vững; Năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng; Quản lý và phát triển dự án; công trình xanh; Thích ứng với biến đổi khí hậu, phong thủy,…
      Bên cạnh đó, chương trình đào tạo được sử dụng các trang thiết bị hiện đại của PTN kỹ thuật hạ tầng của Đại học Việt Nhật, Phòng Thực hành của Khoa Cơ kỹ thuật, các PTN của các đối tác lớn trên địa bàn Hà Nội.
      Không chỉ gắn đào tạo với nghiên cứu và công bố quốc tế, sinh viên còn được thực tập sâu tại các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực này để có kỹ năng làm việc ngay sau khi  tốt nghiệp. Nhà trường cam kết 100% sinh viên khi ra trường có việc làm.
       Buổi lễ ra mắt và công bố quyết định được diễn ra trang trọng, với sự tham dự của lãnh đạo ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo VP và các ban chức năng, đại diện lãnh đạo ĐH KHTN, ĐH Giáo dục, ĐH Việt Nhật, Viện CNTT, Khoa các Khoa học liên ngành, Trung tâm Khảo thí;  Về phí ĐHCN có Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các phòng ban, các khoa và các đơn vị thuộc trường, các giảng viên của bộ môn, các em sinh viên của ĐH Công nghệ và đông đủ các em học viên ngành kỹ thuật hạ tầng của ĐH Việt Nhật.
        Nhân dịp này, cũng đã diễn ra ký kết hợp tác toàn diện giữa ĐH Công nghệ với ĐH Nguyễn Tất Thành.
       Đến dự và chứng kiến còn có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, JICA, Hiệu trưởng ĐH Giao Thông, Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành, lãnh đạo ĐH Xây dựng, ĐH Thủy lợi, ĐH Kiến trúc, Viện KHCN Xây dựng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Công binh, Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp IMI, lãnh đạo Công ty CONINCO, Công ty FECON, Công ty cổ phần xây dựng Nam Định, Hội Cơ học Việt Nam và một số công ty, doanh nghiệp khác, thể hiện sự quan tâm và ủng hộ, hợp tác  với Khoa và Nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và phát triển lĩnh vực này ở ĐHQGHN.
     Ngày hôm nay là khởi đầu cho cả một tương lai rộng dài phía trước !
     Nhận dịp này, Bộ môn xin chân thành cảm ơn lãnh đạo ĐHCN, lãnh đạo ĐHQGHN, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các em NCS, học viên, sinh viên, đặc biệt là GS Nguyễn Đình Đức – người sáng lập, và tất cả những ai đã dành cho ngành này, cho thế hệ trẻ, cho Bộ môn, cho ĐH Công nghệ và ĐHQGHN tình yêu và sự tin tưởng.
     Đây là clip giới thiệu về Bộ môn:
     Tin và ảnh về lễ ra mắt này:

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Đại học Quốc gia Hà Nội – 1/4 thế kỷ bền bỉ với sứ mệnh tiên phong, đổi mới, thắp sáng và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI: 1/4 THẾ KỶ BỀN BỈ VỚI SỨ MỆNH TIÊN PHONG, ĐỔI MỚI, THẮP SÁNG VÀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI

Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế làm nòng cột và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà.Continue reading