GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà N

Đề án 89: Đầu tư đào tạo “máy cái” cho nền giáo dục phải thỏa đáng!

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Đề án 89, có mục tiêu rất đúng và trúng là đào tạo giảng viên đại học, có thể hiểu đây là đào tạo những “máy cái” nguồn nhân lực của giáo dục”.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, hình thức đào tạo của Đề án 89 rất linh hoạt. Những hình thức này sẽ không chỉ đào tạo nghiên cứu sinh (NCS), mà còn góp phần nâng cao trình độ và năng lực hợp tác và hội nhập của đội ngũ giảng viên trong nước, thông qua NCS là cầu nối hợp tác với các GS nước ngoài; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng và đổi mới quy trình tổ chức và quản lý đào tạo NCS của các trường đại học trong nước.

Các đối tác nước ngoài được lựa chọn là những ngành có uy tín, trong top 500 trong các bảng xếp hạng của thế giới; hình thức tuyển chọn với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thu hút và khích lệ được các giảng viên trẻ làm luận án tiến sĩ (TS).

“Đề án 89 đã quay trở về như hồi chúng tôi làm nghiên cứu sinh 40 năm về trước: học toàn thời gian chính quy và còn được hưởng sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo. Tôi cho rằng đào tạo TS là phải như vậy và có như vậy, chúng ta mới kỳ vọng có nhiều luận án TS chất lượng tốt” – GS Đức nhấn mạnh.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà N

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội

 

Phóng viên: Có nghĩa là Đề án 89 quay lại thời làm quy trình 40 năm về trước, cụ thể thế nào thưa GS? Bài học kinh nghiệm ở đây là gì?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Không hoàn toàn hẳn như vậy. Ý tôi muốn nhắc đến điểm quay trở về như 40 năm về trước là ở chỗ khi đó, làm NCS không phải đóng học phí, mà còn được hưởng sinh hoạt phí và học chính quy toàn thời gian tại cơ sở đào tạo.

Ngày đó để làm NCS lấy bằng TS khó lắm, chỉ tiêu đã ít, lại còn phải thi cử đầu vào rất khó khăn. Cạnh tranh lắm. Thi đỗ được vào NCS là tự hào, vinh dự và hầu như ai lấy được bằng TS cũng có chất lượng rất tốt, được kiểm chứng bằng năng lực công tác, làm việc, tầm nhìn vượt trội lên hẳn sau khi hoàn thành luận án TS.

Bài học kinh nghiệm từ quá khứ của mấy chục năm về trước, mặc dù đất nước ta điều kiện kinh tế khi đó còn rất khó khăn. Để đào tạo TS có chất lượng thì đầu vào cũng phải tuyển chọn cẩn thận không dễ dãi, quá trình đào tạo phải gắn với nghiên cứu, đầu tư cho NCS phải thỏa đáng như “nuôi” một nhân lực KHCN và NCS toàn tâm toàn ý toàn thời gian cho luận án, và đầu ra cũng phải giám sát chặt chẽ.

Trước đây yêu cầu với luận án tiến sĩ là phải giải quyết được vấn đề mới của khoa học, có đóng góp cho khoa học và thực tiễn thì ngày nay, nhiều người hiểu là chỉ yêu cầu luận án TS phải có công bố quốc tế.

Điều này làm cho luận án của NCS hội nhập với quốc tế, nhưng tôi cho rằng hiểu như vậy còn đơn giản và chỉ có công bố quốc tế thôi cũng chưa đủ.

Định nghĩa về Luận án TS theo Quy chế đào tạo TS ban hành theo QĐ số 4555/QĐ-ĐHQGHN, ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mà tôi là người chủ trì xây dựng thì: “Luận án TS là công trình nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn –  có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn các vấn đề  thuộc nhiệm vụ nghiên cứu của luận án, các luận điểm và kết quả nghiên cứu cần bảo vệ”.

Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới, đầu ra của các luận án TS nói chung, trong đó có các NCS theo Đề án 89, cũng phải quy định ở tầm như vậy mới xứng đáng.

Thu hồi kinh phí bồi hoàn: Khó khả thi!

Phóng viên: Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục được tuyển chọn và cử giảng viên đi đào tạo có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định. Việc giao cho các trường quyền hạn và trách nhiệm như vậy, liệu có khả thi không thưa GS?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Trước khi trả lời vào câu hỏi này tôi muốn đề cập đến mức kinh phí hỗ trợ cho NCS.

Người làm luận án tiến sĩ chính là nhân lực KHCN của nhà trường, phải xem những NCS là những nhà nghiên cứu, chứ không chỉ là người học.

Vì vậy ở nhiều nước phát triển, học bổng hoặc sinh hoạt phí cấp cho NCS không chỉ đủ sống mà còn khá rộng rãi, để đảm bảo cho NCS sống tốt, yên tâm làm luận án (ngoài ra còn có những hỗ trợ khác về CSVC, thiết bị thực hành, thí nghiệm; kinh phí đi hội thảo trong, ngoài nước) và thậm chí học bổng của NCS đủ trang trải nuôi được gia đình.

Vì vậy, tôi mong muốn đi đôi với Đề án 89, thì các định mức hỗ trợ NCS và hoạt động đào tạo TS phải tới tầm và thỏa đáng.

Về điều khoản khoán, giao cho các trường chịu trách nhiệm thu hồi kinh phí bồi hoàn theo tôi là khó khả thi. Chỉ tương đối khả thi với các đối tượng đang là giảng viên cơ hữu của nhà trường.

Mặt khác cũng phải hình dung là không thể tránh khỏi khi theo Đề án 89 làm giảng viên, nhưng khi có bằng TS, do nhiều nguyên nhân khách quan, lại chuyển sang các bộ ngành khác trong nước không làm giảng viên nữa, trong trường hợp này cũng nên cân nhắc việc có thu hồi học phí không? Nếu có thì thu như thế nào cho phù hợp?

Còn trường hợp khi người học theo Đề án đã có bằng TS mà sau đó lại xin được việc ở làm ở nước ngoài, việc giao cho các trường thu hồi kinh phí, theo tôi là rất khó khăn và khó khả thi.

Phóng viên: Liệu đề án 89 có nguy cơ rơi vào “vết xe” của đề án 322 và 911? Cách khắc phục như thế nào? GS kỳ vọng đề án này đạt hiệu quả như thế nào trong thời gian tới? thúc đẩy gì cho giáo dục đại học Việt Nam?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức:  Đề án 911 trước đây chủ trương gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài. Đề án 322 đào tạo nguồn giảng viên cho các trường đại học được làm luận án ThS và TS ở nước ngoài, đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nguồn 20.000 TS làm giảng viên cho các trường đại học.

Khác với tất cả các đề án trước, đề án này cho phép được hỗ trợ NCS hoặc đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, hoặc liên kết với nước ngoài theo mô hình có thời gian trong nước, thời gian ở nước ngoài; hoặc cũng có thể đào tạo toàn thời gian trong nước và đối tượng là các giảng viên hoặc tạo nguồn giảng viên đại học.

Đây là một đề án rất tích cực và phù hợp với thực tiễn và đáp ứng rất cao nhu cầu của các trường đại học ở Việt Nam, vì hiện nay, mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và thành tựu, nhưng đến nay tỷ lệ trung bình TS trong đội ngũ giảng viên các trường đại học Việt Nam mới đạt khoảng gần 28%.

Ngay từ năm 2013, với tư cách là Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN, tôi đã chủ trì xây dựng Đề án đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế ở ĐHQGHN, mục tiêu lựa chọn một số ngành xuất sắc như toán học, vật lý, hóa học, cơ học, CNSH,… đào tạo các NCS từ các nguồn khác nhau trong cả nước về ĐHQGHN làm luận án TS với 3 hình thức như trên, với chuẩn đầu ra có công bố quốc tế như NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài, nhưng rất tiếc Đề án này không có nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện. Đề án 89 này đã giúp cho nguyện ước bấy lâu nay của chúng tôi, nay có thể trở thành hiện thực.

Rút kinh nghiệm từ những Đề án trước, theo tôi, để thành công thì không chỉ có Bộ giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học vào cuộc, thầy và trò – NCS vào cuộc, mà phải là sự vào cuộc của cả Chính phủ và các bộ ngành liên quan: thấu hiểu tầm quan trọng của Đề án, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và tạo điều kiện, ủng hộ của các bộ ngành khác, để đào tạo NCS – nhất là đào tạo máy cái như trong Đề án 89 – các giảng viên đại học, thì không thể đầu tư cầm chừng, nhỏ giọt.

Đào tạo NCS muốn thành công thì phải đầu tư đến nơi đến chốn, thỏa đáng hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của người thầy, phải đi đôi với việc đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học, bồi dưỡng và đào tạo các cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn.

Theo tôi, giáo dục đại học có ý nghĩa then chốt trong việc Việt Nam có nắm bắt được những cơ hội để phát triển đột phá trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hay không. Vì giáo dục đại học gắn với đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận với đỉnh cao của tri thức.

Với kỳ vọng như vậy, tôi đánh giá Đề án 89 là một bước tiến lớn, sự đổi mới tuyệt vời trong đào tạo TS và nhất định sẽ có đóng góp xứng đáng và hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn GS!

Nhật Hồng

Một Giáo sư Việt Nam là thành viên Ban biên tập Tạp chí quốc tế ISI của Đức

Ngày 18/2/2021, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên Hội đồng biên tập quốc tế của Tạp chí Toán và Cơ học ứng dụng của Đức.

Tạp chí có tên là: Journal of Applied Mathematics and Mechanics (Zeitschrift für Angewandte Mathematik und Mechanik), Nhà Xuất Bản WILEY. Tạp chí viết tắt là ZAMM.

ZAMM đã có quá trình hình thành và phát triển đến nay là 101 năm (được thành lập và xuất bản lần đầu từ năm 1920). Thành viên Ban biên tập là các nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Toán học và Cơ học. Đăng được kết quả nghiên cứu trên tạp chí này vô cùng khó.

Các kết quả nghiên cứu gửi đến tạp chí đều được xem xét và bình duyệt hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. Tạp chí này lọt vào danh mục các tạp chí quốc tế trong danh mục SCI, rất có uy tín của Đức (Germany) và cộng đồng Toán học và Cơ học quốc tế.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Được biết, đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học Việt Nam làm thành viên hội đồng biên tập, hội đồng quốc tế của 9 tạp chí quốc tế trong danh mục ISI của những nhà xuất bản uy tín nhất thế giới, là:

Journal Cogent Engineering (UK, Nhà xuất bản Taylor & Francis); Journal of Science: Advanced Materials and Devices  (Nhà xuất bản Elsevier); Journal of Science and Engineering of Composite Materials (Nhà xuất bản De Gruyter); Journal of Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C,  Nhà xuất bản SAGE); Journal Science Progress (Nhà xuất bản SAGE); Alexandria Engineering Journal (Nhà xuất bản Elsevier); Journal of Mechanical Science and Technology (Nhà xuất bản Springer); Journal of Mechanics of Composite Materials (Nhà xuất bản Springer); Journal of Applied Mathematics and Mechanics (Zeitschrift für Angewandte Mathematik und Mechanik, Nhà xuất bản WILEY)

Việc Giáo sư Nguyễn Đình Đức tham gia hội đồng của nhiều tạp chí quốc tế ISI có uy tín của nhiều quốc gia khác nhau không chỉ khẳng định những cống hiến và uy tín của Giáo sư Đức được thừa nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế, sánh vai với các nhà khoa học của thế giới, mà còn khẳng định uy tín và vị thế khoa học của ngành Cơ học Việt Nam, uy tín và vị thế học thuật của Đại học Quốc Gia Hà Nội và cộng đồng khoa học Việt Nam với thế giới.

Sự kiện này cũng là minh chứng khẳng định sự bứt phá của các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cơ hữu trong nước, vừa trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà  – mặc dù cơ sở vật chất và điều kiện nghiên cứu còn hạn chế, nhưng đã nỗ lực vượt bậc và vươn lên ngoạn mục, sánh vai với các nhà khoa học thế giới, là thành quả của sự đổi mới, hội nhập manh mẽ của khoa học công nghệ và giáo dục đại học Việt Nam trong những năm gần đây.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc PTN về Vật liệu và Kết cấu Tiên tiến, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông của Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông cũng là người đề xuất và sáng lập ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật. Giáo sư Đức là một trong những nhà khoa học xuất sắc góp phần định danh nền khoa học công nghệ Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức liên tục lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2019, 2020 theo bảng xếp hạng của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, năm 2020, ông còn là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cơ hữu trong nước lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời và đứng đầu trong bảng xếp hạng các nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hướng nhất thế giới năm 2020.

Theo dân trí

CHÂN DUNG NHÀ KHOA HỌC ĐƯỢC XẾP HẠNG ẢNH HƯỞNG QUỐC TẾ

Mới đây, 22 nhà khoa học người Việt đã lọt top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2020 theo công bố của tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ. Đứng đầu trong danh sách này là Giáo sư Nguyễn Đình Đức, hiện công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS.TSKH Nguyễn Hữu Đức là chuyên gia về Cơ học, vật liệu và kết cấu tiên tiến, hiện là Trưởng Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông; Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Cơ học của Việt Nam. Giáo sư đã công bố hơn 250 bài báo, báo cáo, công trình khoa học, trong đó có hơn 136 bài trên các tạp chí quốc tế ISI, ngoài ra, ông còn là tác giả của 1 bằng phát minh, 1 bằng sáng chế trong lĩnh vực vật liệu mới.

Phóng sự của Truyền Hình Thông Tấn

https://vnews.gov.vn/video/nha-khoa-hoc-viet-vao-top-xep-hang-co-tam-anh-huong-nhat-the-gioi-2020-196807.htm

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Nhà khoa học Việt vào top xếp hạng ảnh hưởng nhất thế giới 2020

Mới đây, Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố danh sách 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2020. Trong công bố này có 22 nhà khoa học Việt Nam.

Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam là GS. Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN) – xếp hạng 5798 thế giới; GS. Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ Tp. HCM) – xếp hạng 6996 và PGS. Lê Hoàng Sơn (ĐHQGHN) – xếp hạng 9261 thế giới.

Đây cũng là 3 người lọt vào top 100.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế giới 2019. Ngoài 3 nhà khoa học tiêu biểu trên, danh sách còn có 19 nhà khoa học khác. Những kết quả đáng tự hào này khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế

Theo VTC

3 nhà khoa học Việt vào top xếp hạng có tầm ảnh hưởng nhất thế giới 2020

Ngày 08/11/2020, Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ công bố danh sách 100,000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020.

3 nhà khoa học Việt vào top xếp hạng có tầm ảnh hưởng nhất thế giới 2020 - 1

3 nhà khoa học xuất sắc Việt Nam vào top bảng xếp hạng các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới năm 2020

Tác giả của công bố này là nhóm Metrics của Jeroen Baas và các cộng sự. Theo đó, nhóm tác giả đã dùng cơ sở dữ liệu của Scopus từ 1960 đến 2019 trong 7 triệu nhà khoa học và lọc ra top 100.000 người có ảnh hưởng nhất.

Tiếp theo kết quả nghiên cứu của năm trước, Tạp chí PLoS Biology đã cập nhật dữ liệu tới hết năm 2019 và công bố xếp hạng thông qua nghiên cứu “Updated science-wide author databases of standardized citation indicators” của Jeroen Baas và cộng sự.

Nghiên cứu không có sự thay đổi trong công cụ đo lường khi nhóm nghiên cứu vẫn xây dựng cơ sở dữ liệu của 100.000 nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất (từ nguồn dữ liệu của Scopus) và xếp hạng của họ dựa vào sáu chỉ số về trích dẫn: tổng số trích dẫn; chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index; số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất (single author); số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất hoặc tác giả đầu tiên (first author) và số trích dẫn cho các bài báo là tác giả duy nhất, đầu tiên hoặc cuối cùng (last author).

Cùng với đó, các nhà khoa học được phân chia vào 22 lĩnh vực khoa học và 176 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành).

Trong công bố của năm nay, đã có 22 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2020.

Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam là GS. Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN) – xếp hạng 5798 thế giới; GS. Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ Tp. HCM) – xếp hạng 6996 và PGS. Lê Hoàng Sơn (ĐHQGHN) – xếp hạng 9261 thế giới.

Đây cũng là 3 người lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế giới 2019.

Tiếp đến trong danh sách này là Bùi Diệu Tiên (ĐH Tôn Đức Thắng) -13.899, Hoàng Anh Tuấn (ĐH Giao thông TP Hồ Chí Minh) -16.694, Trần Phan Lam Sơn (ĐH Duy Tân) -22.075, Phạm Thái Bình (ĐH Duy Tân) -23.198, Trần Hải Nguyên (ĐH Duy Tân)-25.844, Phạm Viết Thanh (ĐH Tôn Đức Thắng) – 44.947, Nguyễn Thời Trung (ĐH Tôn Đức Thắng) -49.295,

Hoàng Đức Nhật (ĐH Duy Tân)- 50.345, Nguyễn Trung Kiên (ĐH Xây Dựng) -51.072, Nguyễn Thị Kim Oanh (ĐH Tôn Đức Thắng) – 62.494, Thái Hoàng Chiến (ĐH Tôn Đức Thắng) – 64.983, Võ Xuân Vinh (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) – 67.902;  Trần Ngọc Hân (ĐH Duy Tân)-73.924, Đinh Quang Hải (ĐH Tôn Đức Thắng) -79.737, Nguyễn Văn Hiếu (ĐH Phenikaa) – 82.061, Phạm Văn Hùng (ĐH Quốc tế, ĐHQG Hồ Chí Minh) – 85.932, Trần Đình Phong (ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội) 90.842 và Phan Thanh Sơn Nam (ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh) – 92.886…

Đặc biệt, trong năm nay, có 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cơ hữu trong nước  đã lọt vào bảng xếp hạng danh giá nhất – 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời là GS Nguyễn Xuân Hùng (ĐH Công nghệ Tp. HCM)  và GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN).

Những kết quả đáng tự hào này khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế. Và cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam trong những năm gần đây.

Hồng Hạnh – Dân trí

TS trẻ được Forbes Việt Nam vinh danh trưởng thành từ Nhóm nghiên cứu mạnh của GS Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

Ngày 03/02/2020, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2020.

Trong danh sách này, có TS Trần Quốc Quân – trưởng thành từ Nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) – đã được vinh danh và ghi nhận với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực giáo dục – khoa học tại Việt Nam.

Đây là lần thứ tư Forbes Việt Nam thực hiện danh sách tôn vinh những gương mặt trẻ có ảnh hưởng tích cực trong 6 lĩnh vực Kinh doanh và Startup, Hoạt động xã hội và Doanh nghiệp xã hội, Nghệ thuật – sáng tạo, Giải trí, Thể thao và Giáo dục – Khoa học.

Năm 2020, bên cạnh những doanh nhân trẻ, những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp đang có những thành công đáng chú ý, còn có các cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, sáng tạo, thể thao.

TS. Trần Quốc Quân – cựu sinh viên, giảng viên Trường ĐH Công nghệ – học trò của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức được Tạp chí đánh giá là một trong 30 bạn trẻ với những nghiên cứu khoa học đang đóng góp công sức, trí tuệ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

Tiến sĩ khoa học trẻ có nhiều bài báo quốc tế được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh - 1
Tiến sĩ trẻ Trần Quốc Quân và người thầy GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Thủ khoa trường ĐH Công nghệ

TS Trần Quốc Quân sinh năm 1990, là thủ khoa năm 2012 của Trường ĐH Công nghệ. Ngay từ những năm tháng khi còn là sinh viên, TS Quân đã được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dìu dắt tham gia nhóm nghiên cứu và đã được giải nhất sinh viên NCKH trường ĐH Công nghệ cũng như cấp ĐHQGHN.

Với những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, Trần Quốc Quân đã được nhà trường quyết định cho làm chuyển tiếp Nghiên cứu sinh từ tháng 8/2013 và giữ lại làm cán bộ giảng dạy của nhà trường.

Đến năm 2018, NCS Trần Quốc Quân đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ Cơ học Kỹ thuật, tiếp tục giảng dạy và công tác tại PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN do GS Nguyễn Đình Đức khởi xướng và sáng lập, và TS Quân mới chuyển công tác sang ĐH Phenikaa từ tháng 1/2020.

Tiến sĩ khoa học trẻ có nhiều bài báo quốc tế được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh - 2
TS Trần Quốc Quân với các thành viên trong Nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của ĐH quốc gia Hà Nội.

Tác giả, đồng tác giả của 24 bài báo quốc tế ISI

Nhờ được tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến từ sớm và dưới sự hướng dẫn, dìu dắt trực tiếp của người thầy tâm huyết – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, TS Trần Quốc Quân đã tiếp cận được các hướng nghiên cứu mới và hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực cơ học vật liệu như composite thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM, vật liệu nano composite nhiều pha, vật liệu hấp thụ sóng nổ auxetic, penta graphit, các vật liệu tiên tiến sử dụng trong lĩnh vực năng lượng mới, …

Đây chính là điểm sáng được ghi nhận và đánh giá cao rất cao của hội đồng bình chọn. Sự trưởng thành và thành tích nghiên cứu của TS Quân gắn liền với hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh của GS Nguyễn Đình Đức và đến nay, TS Quân là tác giả và đồng tác giả của 24 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong danh mục ISI (SCI/SCIE) của ngành (đều made in Vietnam 100%) và có h-index theo thống kê của google scholar là 15.

Cũng trong thời gian làm NCS, Trần Quốc Quân cũng đã vinh dự được trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo vào năm 2016 – giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực Cơ học của Việt Nam. Và đến nay toàn Việt Nam có 5 giải thưởng Nguyễn văn Đạo thì 2 trong số đó là học trò, là NCS của GS Nguyễn Đình Đức.

Trưởng thành từ môi trường khoa học “Made in Vietnam”

Vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách và trưởng thành trong nước, made in Vietnam 100%, trong môi trường khoa học của ĐHQGHN – một đai học hàng đầu của Việt Nam, từ thành công của TS Trần Quốc Quân cho thấy sự chuyển biến và hội nhập mạnh mẽ trong những năm gần đây của giáo dục đại học Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế, đồng thời cho thấy vai trò hết sức quan trọng của người Thầy và nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học.

Sự thành công của Quân có phần không nhỏ của người thầy – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, người thầy tận tụy và tâm huyết với nghề, với những bài giảng hay, truyền cho học trò cả kiến thức và những cốt lõi và sâu xa trong từng môn học. Hầu hết tất cả các sinh viên trong nhóm nghiên cứu của ông khi tốt nghiệp kỹ sư đều có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Điều đáng trân trọng là thầy và trò đều công bố quốc tế với nội lực 100% made in Việt Nam, trong điều kiện rất khó khăn và thiếu thốn về kinh phí, CSVC, phòng thí nghiệm (PTN). Và đáng quý trọng và khâm phục là tất cả các học trò này của GS Đức đều là các em ở các tỉnh xa, con nhà nghèo, trong số đó có những em có hoàn cảnh gia đình đặc biết khó khăn.

Như vậy có thể thấy để nâng cao chất lượng đào tạo, cần và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố người Thầy là trước tiên và là quan trọng nhất, và chính người Thầy và môi trường đại học đã thắp sáng tài năng ở các em.

GS Đức cho biết, chiến lược phát triển của PTN trong những năm tới đây là đi vào 3 lĩnh vực nghiên cứu phục vụ thực tiễn: Civil Engineering (liên quan đến tính toán vật liệu và kết cấu cho các công trình giao thông, xây dựng và kỹ thuật hạ tầng); năng lượng mới; biến đổi khí hậu (tính toán dự báo mưa, lũ và các giải pháp thiết kế, thi công các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu).

Đến nay, Phòng thí nghiệm của GS Đức đã và đang có quan hệ, hợp tác với các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada,…để triển khai các nghiên cứu này.

GS. Nguyễn Đình Đức hy vọng Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2019 và những chính sách tới đây của Nhà nước sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, cho sự hình thành và phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học ưu tú, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong các trường đại học; nhất là các trường đại học công lập có truyền thống – tạo cơ chế và động lực, nguồn lực để các nhà khoa học của Việt Nam, các bạn trẻ có điều kiện làm việc và cống hiến ngày càng nhiều hơn cho đất nước.

Được biết, Tạp chí Fobers Việt Nam dựa theo cách tính Forbes (Mỹ) lấy theo thời điểm công bố (03.2.2020), những người sinh sau ngày 04.2.1990 được hiểu là dưới 30 tuổi. Do vậy, trong danh sách có những người sinh năm 1990, Forbes Việt Nam ghi là 30 tuổi (theo cách tính thông thường lấy năm 2020 trừ năm sinh).

Về phương pháp đánh giá, từ các đề cử của công chúng và điều tra của đội ngũ phóng viên, Forbes Việt Nam rà soát các gương mặt trẻ nổi bật dưới 30 tuổi và lập hồ sơ từng cá nhân.

Hai hội đồng giám khảo bao gồm các chuyên gia và doanh nhân có uy tín trong các lĩnh vực cùng với các biên tập viên và phóng viên của Forbes Việt Nam đánh giá và lựa chọn 30 gương mặt nổi bật để giới thiệu trong danh sách này.

Nguyễn Vũ

THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NHÂN TÀI TRONG THỜI ĐẠI CMCN 4.0 CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC

   Nhóm nghiên cứu về vật liệu và kết cấu tiên tiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức ở Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhóm nghiên cứu mạnh của Việt Nam, được biết đến trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Bài học thành công của mô hình này đã chứng minh những cách đi sáng tạo và độc đáo để giáo dục đại học và khoa học Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả với các chuẩn mực của quốc tế. 

                                (Bài đã được tóm lược đăng trên Dân trí, ngày 18.4.2019)

 Thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng mô hình bắt đầu từ tâm huyết của một người thầy – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Hiện nay, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường đại học, tạo sản phẩm đầu ra (các em sinh viên) có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học ở Việt Nam. Hơn thế nữa, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế và khu vực đã thôi thúc GS.TSKH Nguyễn Đình Đức bắt tay vào thành lập Nhóm Nghiên cứu (NNC) của riêng mình.

Khởi đầu với nguồn tài chính bằng con số không để xây dựng NNC, năm 2010 GS Đức đã tập hợp, tuyển chọn, dìu dắt những sinh viên đam mê học tập và nghiên cứu khoa học. Ban đầu nhóm chỉ có thầy và vài trò; nơi làm việc cũng hết sức đơn sơ, chỉ là phòng làm việc của thầy sau giờ hành chính, giảng đường đã tan học hay quán nước nhỏ bên hè. Nhưng với tâm huyết của người thầy, sinh viên tìm đến tham gia vào nhóm ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh công việc học tập trên lớp, các sinh viên đã được GS. Nguyễn Đình Đức hướng dẫn tập trung nghiên cứu khoa học. Được sinh hoạt trong nhóm nghiên cứu, các sinh viên không chỉ nâng cao về kết quả học tập ở bậc đại học, quan trọng hơn, các em được làm quen và trưởng thành trong môi trường nghiên cứu khoa học. Mục đích của NNC được GS. Nguyễn Đình Đức xác định không chỉ công bố ở những tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước mà tham gia vào “sân chơi” khoa học chuyên ngành quốc tế. Để đạt được mục đích đó, GS. Đức đã tìm hiểu, nắm bắt được những hướng nghiên cứu mới của thế giới, triển khai trong NNC. GS. Nguyễn Đình Đức đã tận tình chỉ bảo, đã định hướng nghiên cứu cho từng sinh viên, giao bài tập tính toán, đôn đốc, kiểm tra kết quả, thảo luận và tiến tới công bố quốc tế. Cứ kiên trì như vậy, công lao của thầy và trò được đền đáp bằng những bài báo quốc tế trên các tạp chí có uy tín.

Như vậy, có thể nói, thành lập NNC với giai đoạn đầu là giai đoạn “khởi nghiệp” trong khoa học của thầy và trò gắn với những gặt hái đầu tiên là các bài báo công bố quốc tế. Đây là nền tảng rất quan trọng để NNC tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2107, đây là giai đoạn trưởng thành và bứt phá về mọi mặt của NNC. Thời kỳ này NNC có sự chuyển biến về chất. Trên cơ sở đó, năm 2014, GS. Nguyễn Đình Đức đã đề xuất và được lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ – ĐHQG ủng hộ thành lập phòng thí nghiệm (PTN). Với mô hình và cơ cấu mới, PTN đã mở rộng hợp tác với các Bộ môn, PTN của quốc tế (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, UK,…) và các trường đại học trong nước (Học Viện KTQS, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Việt Nhật…). Hoạt động của NNC không ngừng được thúc đẩy, mở rộng. Không chỉ sinh viên, NCS, Th.S các trường đại học mà cả những TS, PGS, GS đang là giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước tham gia vào nhóm nghiên cứu. Lĩnh vực nghiên cứu cũng có bước đột phá từ  nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng. PTN đã mở rộng các hướng nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật hạ tầng, biến đổi khí hậu, các công trình đặc biệt, vật liệu tiên tiến, hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học quốc tế, đầu mối tổ chức thành công những hội nghị quốc tế lớn có uy tín.

Xuất phát từ nhận thức: NNC có thể lúc mạnh, lúc yếu, nhưng để trường tồn và phát triển bền vững, NNC phải gắn với đào tạo. Sự phát triển của NNC phải gắn với việc mở các ngành mới, khoa mới, thành lập các tổ chức mới. Từ triết lý đó, trên nền tảng của NNC mạnh, GS. Nguyễn Đình Đức còn mở thêm Ngành và Khoa mới. Nắm bắt được hướng phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại không thể thiếu lĩnh vực vật liệu và kết cấu tiến tiến, GS. Nguyễn Đình Đưcx đã xin mở đào tạo chuyên ngành Vật liệu và Kết cấu tiên tiến tại Khoa Cơ học Kỹ thuật (Đại học Công nghệ, ĐHQGHN) vào năm 2015. Đến nay, Khoa đã bước sang năm thứ 4 đào tạo sinh viên theo chuyên ngành này. Ngoài ra, NNC cũng là chỗ dựa quan trọng để gây dựng ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật và Ngành Kỹ sư Xây dựng-Giao thông ở ĐH Công nghệ. 3 năm sau, năm 2018, GS. Nguyễn Đình Đức tiếp tục thành lập Khoa mới – Khoa Công nghệ Kỹ thuật  Xây dựng – Giao thông, mở ra sự hợp tác mới với các  Khoa, các Trường Đại học lớn, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, NNC cũng là chỗ dựa quan trọng để gây dựng ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật và Ngành Kỹ sư Xây dựng-Giao thông ở ĐH Công nghệ.

Như vậy, từ mô hình NNC với hoạt động chính là nghiên cứu khoa học để có những công bố quốc tế, đã hình thành nên mô hình mới đó là  PTN – nơi chuyển từ những nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng với kết quả là các bằng sáng chế khoa học. Cũng từ hạt nhân NNC, với sự đòi hỏi phát triển từ nội tại, các Ngành, Khoa mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo bổ sung nhân lực (các kỹ sư) cho xã hội và cho chính NNC. Các thành viên của NNC không chỉ sinh hoạt khoa học trong NNC mà còn là những thầy, cô giáo tham gia giảng dạy ở những Ngành, Khoa mới vừa thành lập. Đây là mô hình đào tạo rất mới, rất sáng tạo ở Việt Nam.

Mô hình NCC – mô hình đào tạo nhân tài theo hướng cá thể hóa.

Đến nay, NNC có 40 thành viên, đứng đầu là GS. Nguyễn Đình Đức trưởng nhóm, các thầy, cô là giảng viên ở các trường đại học, các TS trẻ, NCS, Học viên cao học và sinh viên. Mô hình đào tạo của NNC theo hướng cá thể hóa. Điều đó có nghĩa là, trách nhiệm của người đứng đầu NNC rất quan trọng. NNC được tổ chức hoạt động phân cấp theo cơ chế mềm. Đứng đầu là GS. Trưởng NNC, tiếp theo là các tiến sĩ, NCS rồi đến sinh viên các khóa.

Để nhóm NNC hoạt động hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo đến từng cá nhân, nhóm NNC được chia làm nhiều nhóm nhỏ. Đứng đầu phụ trách mỗi nhóm nhỏ do các tiến sĩ trẻ đảm nhận; chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc các nhiệm vụ khoa học khi được GS. Trưởng nhóm giao phó.

Trên cơ sở các hướng nghiên cứu chung, GS Trưởng NNC là người sẽ giao nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho từng thành viên hoặc cho các nhóm nhỏ dựa trên thế mạnh của họ. Khi nhận được nhiệm vụ từ GS. Trưởng nhóm, các TS trẻ đứng đầu mỗi nhóm chỉ bảo, dìu dắt cho các NCS trong nhóm; tiếp đến các NCS này lại dìu dắt, hỗ trợ cho các em sinh viên. Trong nhóm sinh viên, những sinh viên năm trên có nhiệm vụ giúp đỡ sinh viên năm dưới mới tham gia vào NNC. Hằng tuần, NNC đều tổ chức Seminar khoa học. Đặc biệt, thông qua hoạt động và hợp tác của NNC, các thành viên trong nhóm còn được tham gia các buổi thảo luận, tập huấn, Seminar của các GS nước ngoài. Qua đó, những vấn đề mới trong khoa học được bàn luận, giải đáp.

Trong quá trình tham gia NNC, nhiều sinh viên, NCS đã được cử đi thực tập tại các trường đại học lớn như ĐH Osaka (Nhật Bản), ĐH Birmingham (UK), …và doanh nghiệp có uy tín như CONINCO,…. Các em được tham dự hội thảo khoa học lớn trong nước và quốc tế. Sinh viên năm thứ 4 được thực tập thực tế 1 học kỳ ở một số công ty. Trình độ và kiến thức thực tế của sinh viên, NCS được nâng cao qua những lần được ra hiện trường, tiếp xúc với Tổng công trình sư, các kỹ sư, được đọc bản vẽ, tư vấn, giám sát cùng các kỹ sư…. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên, NCS có học lực và kết quả nghiên cứu tốt sẽ được giới thiệu chuyển tiếp nghiên cứu sinh hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Ngược lại, NNC cũng là môi trường để tiếp nhận các NCS và cán bộ nghiên cứu của nước ngoài đến trao đổi, nghiên cứu tại Việt Nam. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, NNC còn tổ chức các buổi tổng kết cuối năm, tham quan du xuân vào đầu năm, dã ngoại, viếng mộ các anh hùng liệt sĩ…

Như vậy, có thể thấy sau khi chuyển đổi từ đào tạo niên chế (tổ chức theo lớp, khóa, có giáo viên chủ nhiệm) sang hình thức đào tạo theo tín chỉ (không còn lớp biên chế cứng, sinh viên được chọn môn học, không còn giáo viên chủ nhiệm,…), do vậy, mối quan hệ hợp tác giữa những người học theo tín chỉ trở nên lỏng lẻo. Mô hình NNC chính là mô hình rất hiệu quả, không chỉ học gắn với hành mà còn gắn kết các GS, PGS, các thầy cô với sinh viên, NCS thành một khối thống nhất, trong đó, có sự dìu dắt, chỉ bảo và định hướng, giúp đỡ tận tình từ những người thầy và các thành viên trong nhóm. Các thành viên tham gia NNC được làm việc trong môi trường tập thể nhưng được giao nhiệm vụ chuyên môn riêng, được phát triển tài năng gắn với những thành quả khoa học của từng cá nhân. Mô hình NNC còn là mô hình không chỉ đào tạo, phát triển về chuyên môn khoa học mà còn giáo dục nhân cách, tinh thần làm việc nhóm, sự hợp tác và các kỹ năng mềm cho sinh viên một cách hiệu quả. NNC chính là mô hình đào tạo các tài năng theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sự chuyển đổi của giáo dục đại học trong bối cảnh CMCN 4.0.

Tính ưu việt của mô hình NNC

Từ mô hình hoạt động NNC của GS. Nguyễn Đình Đưcx cho thấy, đây là hình thức thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung hóa và chuyên môn hóa hiệu quả. Các nhà nghiên cứu trong nhóm nỗ lực cùng phát triển mục tiêu chung, phối hợp nguồn lực và chia sẻ công việc nhằm hướng đến mục tiêu chung của nhóm. Sự gắn kết trong nhóm nghiên cứu thường được thúc đẩy bởi các hoạt động như sinh hoạt khoa học thường xuyên, khuyến khích các cuộc tranh luận mang tính tích cực và tăng cường sự tín nhiệm giữa các nhà nghiên cứu trong nhóm.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời kết hợp với đào tạo thông qua nghiên cứu. Thực tiễn từ mô hình của NNC của GS. Nguyễn Đình Đức cho thấy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu tạo nên hệ thống nghiên cứu khoa học rất vững mạnh của tổ chức KH&CN, nhất là đối với các trường đại học. Nhóm nghiên cứu là nơi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo, cụ thể là đào tạo qua nghiên cứu. Kết quả của các nhóm nghiên cứu góp phần đẩy mạnh công bố quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực kế cận. Đồng thời, NNC khắc phục được hạn chế của một tổ chức/đơn vị nghiên cứu “cứng”. Nếu như hoạt động của một đơn vị nghiên cứu “cứng” thường bị ràng buộc bởi các giới hạn mang tính thể chế về chức năng, nhiệm vụ, cấu trúc hành chính, nguồn lực,…thì nhóm nghiên cứu hầu như không bị ràng buộc bởi các giới hạn này. Mặc dù vậy, các quyền tự trị về quản lý, tự chủ về nguồn lực và tự do về học thuật của nhóm nghiên cứu luôn đi cùng với trách nhiệm đạt được mục tiêu của họ, đây chính là điều kiện để nhóm nghiên cứu tiếp tục tồn tại và phát triển. Từ NNC có thể thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước trong đào tạo và nghiên cứu theo mô hình “Uber hóa’’ trong giáo dục.

NNC cũng chính là môi trường để thu hút nhân tài, triển khai hội nhập quốc tế trong hoạt động đào tạo và NCKH. Mấu chốt thành công của mô hình này trước hết, người thầy (trưởng nhóm) phải tâm huyết, dẫn dắt được NNC tới các hướng nghiên cứu hiện đại, khích lệ được sự đam mê, tham gia tích cực với hoài bão khoa học của các em NCS và sinh viên.

Mô hình này được đánh giá là rất thành công bởi đã đào tạo được những NCS, sinh viên không chỉ có chất lượng tốt, có nền tảng kiến thức vững chắc về toán học, vật lý, cơ học, CNTT,…, có kinh nghiệm thực tế mà còn được tôi luyện về ý chí, tinh thần và sức sáng tạo mỗi khi bắt tay vào nghiên cứu những vấn đề khoa học mới.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến đã chỉ ra, NNC mạnh chính là hạt nhân phát triển của những Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) trong trường đại học. Việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong trường đại học từ các nhóm nghiên cứu mạnh đã tạo ra những đơn vị hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, và đổi mới ở trình độ cao. Trong vài thập kỷ gần đây, các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc đã rất phát triển trong nhiều trường đại học, trong đó, ở cả các nước có nền khoa học tiên tiến (Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,…) và các nước đang phát triển (Brazil, Saudi Arabia,…). Mỹ là nước đi đầu và có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Ví dụ, Viện Richard E.Smalley – Đại học Rice (thành lập năm 1993), được xem là một Trung tâm xuất sắc với sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano. Đã có hai nhà khoa học (đồng thời cũng là các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh) của Viện được nhận giải Nobel về hóa học năm 1996 là R.Smalley và R.Curi. Năm 2005, viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu thế giới về công nghệ nano.

Một số kết quả của mô hình NNC

Chỉ sau 9 năm xây dựng và phát triển, NNC của GS. Nguyễn Đình Đức đã  đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời góp phần phục vụ thực tiễn. NNC đã  công bố 250 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có 125 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI (SCI, SCIE) có uy tín, được cấp 1 bằng sáng chế trong sản xuất chế tạo vật liệu nanocomposite, xuất bản giáo trình và sách chuyên khảo (bằng tiếng Anh) phục vụ đào tạo đại học, sau đại học, đã có 5 NCS bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ và đang đào tạo 10 NCS. Đến nay ngành Cơ học Việt Nam đã trao 5 giải thưởng Nguyễn Văn Đạo cho các nhà khoa học trẻ tài năng thì 2 học trò trong NNC là TS Hoàng Văn Tùng và TS Trần Quốc Quân đã vinh dự được nhận giải thưởng này. Tất cả các thành viên tham gia NNC đều gặt hái được nhiều bài báo quốc tế, đặc biệt là các em NCS, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã có bề dày thành tích về công bố quốc tế như Phạm Hồng Công 23 bài ISI, Trần Quốc Quân 20 bài ISI, Vũ Thị Thùy Anh 9 bài ISI, Vũ Đình Quang 7 bài ISI, Phạm Đình Nguyện 6 bài ISI,…Uy tín của nhóm nghiên cứu đã vang xa và có sức thu hút trong cộng đồng khoa học quốc tế.

                   GS.TSKH  Nguyễn Đình Đức và các học trò trong NNC bảo vệ luận án TS

NNC cũng giữ vai trò nòng cột tổ chức nhiều hội nghị quốc tế có uy tín thành công như ICEMA 2010, ICEMA2012, ICEMA2014, ICEMA2016, Hội nghị quốc tế về tối ưu hóa theo thuật toán của bầy ong (3/2018) và Hội nghị quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS TM 2018 (9/2018) với hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của quốc tế tham gia,…

Chính nhờ mô hình hoạt động hiệu quả, có uy tín và chất lượng như vậy, NNC đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang tầm với các nhà PTN và các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada,….như Đại học  Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne(Úc), Đại học Birmingham (UK), ĐH Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Tổng hợp Matxcova MGU (Liên bang Nga),…GS trưởng NNC cũng là thành viên của Hội đồng quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS, thành viên Ủy ban quốc tế về vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM và thành viên ban biên tập của nhiều tạo chí quốc tế ISI.

Như vậy, nếu so sánh về nguồn tài chính đầu tư vô cùng ít ỏi và thành tựu đạt được của một NNC như trên cho thấy mô hình NNC vừa có ưu điểm gọn nhẹ và hiệu quả hơn hẳn một số Viện, Trung tâm nghiên cứu trong nước.

Còn so sánh kinh phí đầu tư NNC trong nước của GS. Nguyễn Đình Đức với mô hình của các NNC mạnh trên thế giới, thì chỉ bằng 1%.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất so với nước ngoài, là khi có kinh phí, có dự án đề tài mới thành lập NNC; nhưng ở Việt Nam, qua mô hình của NNC của GS. Nguyễn Đình Đức cho thấy, dẫu còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng NNC vẫn được hình thành và phát triển hiệu quả và phát triển bằng nội lực made in Vietnam 100%.

                                         ——————————–