Xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng cơ sở cho mỗi quốc gia là lĩnh vực quan trọng, nhiệm vụ này phải đi trước, hoàn thiện trước để hỗ trợ, kích thích các lĩnh vực hoạt động công nghiệp, kinh tế xã hội hoạt động và phát triển thuận lợi hơn. Tất cả các nước phát triển đều có hệ thống hạ tầng cơ sở về giao thông, xây dựng, công nghiệp, thủy lợi … với quy mô, hoàn thiện khả năng khai thác cao. Ở các nước tư bản phát triển như Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản thời kỳ những năm thập kỷ 70 và 80, cùng với tốc độ phát triển kinh tế vũ bão thì đã bắt đầu có nhu cầu rất lớn về xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cơ sở. Trong khối lượng xây dựng khổng lồ đó đã nảy sinh rất nhiều các vấn đề liên quan đến thực tiễn xây dựng như vật liệu mới có tính năng, cường độ cao hơn, các công nghệ mới có năng lực vận hành tốt hơn, các quy trình thiết kế mới vừa đảm bảo tính an toàn nhưng đồng thời đem lại các hiệu quả kinh tế kỹ thuật. Để đáp ứng được các đòi hỏi như vậy thì đội ngũ về nhân lực cũng cần phải được chuẩn bị, đào tạo về mọi mặt và ở các cấp độ khác nhau. Trong thời gian này ở phần lớn các nước Đông Âu, Đức (bao gồm cả vùng lãnh thổ phía Đông và Tây) không có ngành thạc sỹ về công trình xây dựng. Các chuyên ngành đào tạo cấp độ đại học có liên quan đến xây dựng đều có thời gian tối thiểu là 5 năm, bằng cấp này được gọi là Diploma. Sau khi có bằng Diploma, người kỹ sư có điều kiện để tiếp tục chương trình đào tạo Tiến Sỹ kỹ thuật. Tuy nhiên quan điểm đào tạo đại học các chuyên ngành xây dựng ở các nước Anh, Mỹ, Nhật và một số nước phương tây có sự khác biệt. Thời gian đại học được rút xuống 3-3.5 năm, bằng cấp này được gọi là Bachelor, sinh viên có bắt đầu hành nghề kỹ sư sau thời gian học tập ngắn hơn với lượng kiến thức vừa đủ với các yêu cầu căn bản của thực tiễn xây dựng. Để trang bị thêm các kiến thức liên quan đến công tác nghiên cứu và điều kiện cần để tiếp tục khóa đào tạo tiến sỹ kỹ thuật, người kỹ sư cần phải hoàn thành chương trình đào tạo thạc sỹ (Master of Science) trong khoảng thời gian từ 1-2 năm.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, nhiều trường đại học kỹ thuật, bách khoa, tổng hợp của các nước phát triển đều có chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật hạ tầng, xây dựng các công trình. Chương trình đào tạo tại các trường khác nhau thì cũng được xây dựng với mô hình khác nhau, phụ thuộc vào quy mô và thế mạnh khoa công trình của trường và đối tượng sinh viên mà chương trình hướng tới. Nếu khoa công trình của trường chỉ mạnh ở một số ngành, chương trình kỹ sư cũng sẽ được xây dựng với các môn học – kiến thức yêu cầu xoay quanh chuyên ngành thế mạnh đó. Phạm vi tuyển sinh sẽ bị bó hẹp lại, thường là trong phạm vi vùng hoặc quốc gia đó, trường hợp ngành học không được giảng dạy bằng tiếng Anh thì sinh viên quốc tế muốn theo học phải tham gia một khóa đào tạo về ngôn ngữ trong khoảng thời gian 1÷2 năm trước khi bắt đầu khóa học chuyên ngành. Đối với các trường đại học có khoa công trình lớn hoặc các trường đại học kỹ thuật (ví như hệ thống trường TU ở CHLB Đức) có thế mạnh ở nhiều hoặc thậm chí hầu hết các chuyên ngành và các môn cơ sở ngành thì chương trình đào tạo xây dựng rất mở, ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo hoàn toàn là tiếng Anh, hướng đến nhiều đối tượng sinh viên của nhiều ngành học. Chương trình sẽ bao gồm một số môn cơ sở bắt buộc và và số lượng lớn các môn cơ sở ứng dụng để sinh viên có thể lựa chọn. Sau khi tích lỹ đủ số đơn vị học trình cần thiết sinh viên cao học có thể lựa chọn bộ môn có chuyên ngành phù hợp để thực hiện đề tài tốt nghiệp cho chương trình đào tạo.
Ở Việt nam, sau gần 30 năm kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển đòi hỏi phải đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng như xa lộ, đường sắt, cảng biển, sân bay và đầu tư vào hỗn hợp năng lượng hiệu quả như các nhà máy thủy điện, chạy than và khí đốt… Trong thập niên vừa qua, tổng đầu tư hạ tầng ở Việt Nam đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua khỏi các nền kinh tế Đông Á vốn nổi tiếng về mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao. Kết quả từ tỉ lệ đầu tư cao của Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng quy mô và khối lượng cơ sở hạ tầng, góp phần vào sự thành công về tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Trong 2 thập kỷ đã qua, Việt Nam có rất nhiều những công trình xây dựng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân. Ở khu vực phía bắc các công trình xây dựng và giao thông tiêu biểu như hệ thống đường Cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Đại lộ Thăng Long, Đường Vành đai 3 Hà Nội, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… Các hệ thống giao thông mới này thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn khu vực cũng như nâng cao sự tiện lợi trong lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân giữa Thủ Đô Hà Nội và các vùng lân cận. Tại khu vực phía Nam có rất nhiều hệ thống đường cao tốc tương tự như TPHCM-Long Thành – Dầu Giây, TPHCM – Trung Lương… Một số công trình lớn hiện đang thi công như dự án đường sắt đô thị Hà Nội – TPHCM. Bên cạnh đó hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp thoát nước cũng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TPHCM, cũng như nhiều đập, hồ trữ nước phục vụ nông nghiệp, phòng chống hạn hán và phát điện trong cả nước.
Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển đó, kỹ thuật xây dựng và giao thông của Việt Nam còn có nhiều hạn chế như kỹ thuật công nghệ chính của các công trình nêu trên còn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, phụ trách thi công các hạng mục chính là các đối tác nước ngoài. Tuổi thọ của các công trình kỹ thuật hạ tầng ngắn, nhanh chóng xuống cấp. Đặc biệt, sự phát triển của công trình kỹ thuật hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng kịp sự phát triển của kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng của người dân ở cả khu vực đô thị và nông thôn, với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam.
Ngoài ra, các đô thị lớn của Việt Nam đặc biệt là Hà Nội và TPHCM đang phải đối mặt với vấn đề dân số tập trung quá đông. Tỷ lệ dân số tập trung cao dẫn đến đô thị trên thế giới hiện đối mặt với rất nhiều vấn đề như : vấn đề giao thông, vấn đề môi trường, vấn đề rác thải, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, vấn đề xuống cấp của cơ sở hạ tầng, dễ bị tổn thương trước thiên tai và thảm họa (cháy nhà, bão, lũ lụt…)… Do đó việc phát triển và ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng và giao thông để duy trì và phát triển đô thị bền vững là nhu cầu cấp bách.
Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Chính Phủ, nhân lực khối ngành xây dựng sẽ tăng từ 2,9 triệu người năm 2010 lên khoảng 5 triệu vào năm 2015 và khoảng 8-9 triệu người vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng từ mức 41% năm 2010 lên khoảng 60% năm 2015 và khoảng 65% năm 2020. Bậc sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ cao với khoảng 68,5% năm 2015 và khoảng 68% năm 2020, bậc trung cấp chiếm khoảng 25% năm 2015 và khoảng 24% năm 2020. Nhu cầu nhân lực được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học sẽ tăng dần lên với bậc cao đẳng chiếm khoảng 2% năm 2015 và khoảng 3% năm 2020, bậc đại học và trên đại học chiếm khoảng 4,5% năm 2015 và khoảng 5% năm 2020.
Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường Đại học đang thực hiện các chương trình đào tạo cử nhân có liên quan kến kỹ thuật xây dựng như trường Đại học Xây dựng, trường Đại học Thủy lợi… Chương trình đào tạo của các trường Đại học trên đều dựa trên nền tảng phân các chuyên ngành nhỏ từ đầu chương trình đào tạo dễ dẫn đến việc sinh viên học chuyên ngành nào chỉ biết chuyên ngành đấy mà không nhìn thấy được tổng quan của toàn ngành đào tạo và dễ lúng túng trước các nhu cầu về nhân lực liên chuyên ngành. Đây chính là lý do để mở ngành mới Công nghệ Kỹ thuật xây dựng ở Trường Đại học Công nghệ, trường thành viên của ĐHQGHN.