TS trẻ được Forbes Việt Nam vinh danh trưởng thành từ Nhóm nghiên cứu mạnh của GS Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

Ngày 03/02/2020, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2020.

Trong danh sách này, có TS Trần Quốc Quân – trưởng thành từ Nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) – đã được vinh danh và ghi nhận với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực giáo dục – khoa học tại Việt Nam.

Đây là lần thứ tư Forbes Việt Nam thực hiện danh sách tôn vinh những gương mặt trẻ có ảnh hưởng tích cực trong 6 lĩnh vực Kinh doanh và Startup, Hoạt động xã hội và Doanh nghiệp xã hội, Nghệ thuật – sáng tạo, Giải trí, Thể thao và Giáo dục – Khoa học.

Năm 2020, bên cạnh những doanh nhân trẻ, những nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp đang có những thành công đáng chú ý, còn có các cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, sáng tạo, thể thao.

TS. Trần Quốc Quân – cựu sinh viên, giảng viên Trường ĐH Công nghệ – học trò của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức được Tạp chí đánh giá là một trong 30 bạn trẻ với những nghiên cứu khoa học đang đóng góp công sức, trí tuệ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.

Tiến sĩ khoa học trẻ có nhiều bài báo quốc tế được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh - 1
Tiến sĩ trẻ Trần Quốc Quân và người thầy GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Thủ khoa trường ĐH Công nghệ

TS Trần Quốc Quân sinh năm 1990, là thủ khoa năm 2012 của Trường ĐH Công nghệ. Ngay từ những năm tháng khi còn là sinh viên, TS Quân đã được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dìu dắt tham gia nhóm nghiên cứu và đã được giải nhất sinh viên NCKH trường ĐH Công nghệ cũng như cấp ĐHQGHN.

Với những thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, Trần Quốc Quân đã được nhà trường quyết định cho làm chuyển tiếp Nghiên cứu sinh từ tháng 8/2013 và giữ lại làm cán bộ giảng dạy của nhà trường.

Đến năm 2018, NCS Trần Quốc Quân đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ Cơ học Kỹ thuật, tiếp tục giảng dạy và công tác tại PTN Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN do GS Nguyễn Đình Đức khởi xướng và sáng lập, và TS Quân mới chuyển công tác sang ĐH Phenikaa từ tháng 1/2020.

Tiến sĩ khoa học trẻ có nhiều bài báo quốc tế được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh - 2
TS Trần Quốc Quân với các thành viên trong Nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của ĐH quốc gia Hà Nội.

Tác giả, đồng tác giả của 24 bài báo quốc tế ISI

Nhờ được tham gia vào nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến từ sớm và dưới sự hướng dẫn, dìu dắt trực tiếp của người thầy tâm huyết – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, TS Trần Quốc Quân đã tiếp cận được các hướng nghiên cứu mới và hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực cơ học vật liệu như composite thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM, vật liệu nano composite nhiều pha, vật liệu hấp thụ sóng nổ auxetic, penta graphit, các vật liệu tiên tiến sử dụng trong lĩnh vực năng lượng mới, …

Đây chính là điểm sáng được ghi nhận và đánh giá cao rất cao của hội đồng bình chọn. Sự trưởng thành và thành tích nghiên cứu của TS Quân gắn liền với hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh của GS Nguyễn Đình Đức và đến nay, TS Quân là tác giả và đồng tác giả của 24 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong danh mục ISI (SCI/SCIE) của ngành (đều made in Vietnam 100%) và có h-index theo thống kê của google scholar là 15.

Cũng trong thời gian làm NCS, Trần Quốc Quân cũng đã vinh dự được trao giải thưởng Nguyễn Văn Đạo vào năm 2016 – giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực Cơ học của Việt Nam. Và đến nay toàn Việt Nam có 5 giải thưởng Nguyễn văn Đạo thì 2 trong số đó là học trò, là NCS của GS Nguyễn Đình Đức.

Trưởng thành từ môi trường khoa học “Made in Vietnam”

Vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách và trưởng thành trong nước, made in Vietnam 100%, trong môi trường khoa học của ĐHQGHN – một đai học hàng đầu của Việt Nam, từ thành công của TS Trần Quốc Quân cho thấy sự chuyển biến và hội nhập mạnh mẽ trong những năm gần đây của giáo dục đại học Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế, đồng thời cho thấy vai trò hết sức quan trọng của người Thầy và nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học.

Sự thành công của Quân có phần không nhỏ của người thầy – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, người thầy tận tụy và tâm huyết với nghề, với những bài giảng hay, truyền cho học trò cả kiến thức và những cốt lõi và sâu xa trong từng môn học. Hầu hết tất cả các sinh viên trong nhóm nghiên cứu của ông khi tốt nghiệp kỹ sư đều có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Điều đáng trân trọng là thầy và trò đều công bố quốc tế với nội lực 100% made in Việt Nam, trong điều kiện rất khó khăn và thiếu thốn về kinh phí, CSVC, phòng thí nghiệm (PTN). Và đáng quý trọng và khâm phục là tất cả các học trò này của GS Đức đều là các em ở các tỉnh xa, con nhà nghèo, trong số đó có những em có hoàn cảnh gia đình đặc biết khó khăn.

Như vậy có thể thấy để nâng cao chất lượng đào tạo, cần và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố người Thầy là trước tiên và là quan trọng nhất, và chính người Thầy và môi trường đại học đã thắp sáng tài năng ở các em.

GS Đức cho biết, chiến lược phát triển của PTN trong những năm tới đây là đi vào 3 lĩnh vực nghiên cứu phục vụ thực tiễn: Civil Engineering (liên quan đến tính toán vật liệu và kết cấu cho các công trình giao thông, xây dựng và kỹ thuật hạ tầng); năng lượng mới; biến đổi khí hậu (tính toán dự báo mưa, lũ và các giải pháp thiết kế, thi công các công trình hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu).

Đến nay, Phòng thí nghiệm của GS Đức đã và đang có quan hệ, hợp tác với các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada,…để triển khai các nghiên cứu này.

GS. Nguyễn Đình Đức hy vọng Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2019 và những chính sách tới đây của Nhà nước sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, cho sự hình thành và phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học ưu tú, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong các trường đại học; nhất là các trường đại học công lập có truyền thống – tạo cơ chế và động lực, nguồn lực để các nhà khoa học của Việt Nam, các bạn trẻ có điều kiện làm việc và cống hiến ngày càng nhiều hơn cho đất nước.

Được biết, Tạp chí Fobers Việt Nam dựa theo cách tính Forbes (Mỹ) lấy theo thời điểm công bố (03.2.2020), những người sinh sau ngày 04.2.1990 được hiểu là dưới 30 tuổi. Do vậy, trong danh sách có những người sinh năm 1990, Forbes Việt Nam ghi là 30 tuổi (theo cách tính thông thường lấy năm 2020 trừ năm sinh).

Về phương pháp đánh giá, từ các đề cử của công chúng và điều tra của đội ngũ phóng viên, Forbes Việt Nam rà soát các gương mặt trẻ nổi bật dưới 30 tuổi và lập hồ sơ từng cá nhân.

Hai hội đồng giám khảo bao gồm các chuyên gia và doanh nhân có uy tín trong các lĩnh vực cùng với các biên tập viên và phóng viên của Forbes Việt Nam đánh giá và lựa chọn 30 gương mặt nổi bật để giới thiệu trong danh sách này.

Nguyễn Vũ

Lễ bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp đợt 2 năm 2019

Ngày 10/12, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã diễn ra buổi khai mạc Lễ bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Khoa Công nghệ thông tin đợt 2 năm 2019.

Lễ bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Khoa Công nghệ thông tin đợt 2 năm 2019

     Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Đinh Văn Mạnh – Viện Trưởng Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm khoa CHKT&TĐH và ThS. Lê Thị Phương Thoa –Phó Trưởng phòng Đào tạo cùng thầy cô và hội đồng chấm đồ án/khóa luận. 

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại buổi lễ bảo vệ

     Phát biểu khai mạc Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà bày tỏ niềm vui mừng và gửi lời chúc mừng đến các sinh viên đã có kết quả học tập tốt đủ điều kiện bảo vệ đồ án/khóa luận và hoàn thành đồ án/khóa luận tốt nghiệp chuẩn bị bảo vệ trước hội đồng. Kỳ thi này sẽ là một trong những kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ nhất trong quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường của sinh viên. Đồng thời, là cơ hội để sinh viên thể hiện sự trưởng thành của bản thân và trình bày những kiến thức tích lũy được trong suốt thời gian học tập tại trường. Hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thầy/cô Viện Cơ học đã đồng hành, phối hợp cùng Nhà trường trong công tác đào tạo, để tạo ra được môi trường đào tạo khác biệt giúp sinh viên khoa CHKT&TĐH có trải nghiệm đa chiều cho sự nghiệp phát triển của bản thân.

Sinh viên hội đồng Công nghệ thông tin chuẩn bị bảo vệ trước hội đồng

       Đợt bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp có 92 sinh viên, chủ yếu thuộc các chương trình đào tạo kỹ sư, có thời hạn 4,5 năm (Kỹ sư Cơ kỹ thuật và Kỹ sư Truyền thông và Mạng máy tính). Ngoài ra có một số sinh viên các ngành khác như Công nghệ Thông tin; Hệ thống thông tin; Khoa học Máy tính; Công nghệ Kỹ thuật Điện tử, truyền thông.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông và Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử bảo vệ trước các hội đồng

     Sinh viên sẽ tham gia bảo vệ tại 13 Hội đồng. Các Hội đồng sẽ làm việc trong cả ngày và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11/12/2019.

Tuyết Nga (UET-News)

Hội diễn văn nghệ kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

   Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập (25/05/2004 – 25/05/2019), 20 năm truyền thống (18/10/1999 – 18/10/2019) và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Công nghệ đã trang trọng tổ chức Hội diễn văn nghệ tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, vào tối ngày 18/11/2019.

     Cổng thông tin điện tử Trường ĐHCN trân trọng giới thiệu một số hình ảnh Hội diễn văn nghệ kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ban Giám hiệu Nhà trường chụp ảnh lưu niệm với Ban giám khảo và các đơn vị tham gia hội diễn

TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng Nhà trường (thứ 4, bên trái ảnh sang) và PGS.TS. Trịnh Anh Vũ – Chủ tịch Công đoàn (ngoài cùng, bên phải ảnh) trao giấy chứng nhận cho 07 đơn vị tham gia hội diễn

TS. Nguyễn Anh Thái (ngoài cùng, bên trái ảnh) tặng hoa cho ba vị giám khảo tại hội diễn

Mở đầu hội diễn là tiết mục “Cuộc đời vẫn đẹp sao”- sáng tác Phan Huỳnh Điểu do tập thể Lãnh đạo Trường ĐHCN biểu diễn

Các tiết mục của khối Hiệu bộ với chủ đề Tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng

Các tiết mục của khoa Công nghệ thông tin với chủ đề Người giáo viên nhân dân

Các tiết mục của khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, khoa Công nghệ nông nghiệp, Phòng thí nghiệm trọng điểm Micro&Nano với chủ đề Tuổi trẻ ĐHCN lớn mạnh cùng đất nước

Các tiết mục của Viện Công nghệ hàng không vũ trụ với chủ đề Mãi mãi tuổi 20

Các tiết mục của khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa với chủ đề Tự hào quê hương Việt Nam

Các tiết mục của khoa Điện tử viễn thông với chủ đề Tôi là người Việt Nam

Các tiết mục của Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông với chủ đề Việt Nam trong tim tôi

Khối Hiệu bộ đạt giải Nhất tại hội diễn

Giải Nhì được trao cho khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa

Giải ba thuộc về các tiết mục của khoa Điện tử viễn thông, khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Đồng thời, giải cổ vũ dành cho sinh viên khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano

Các giải khuyến khích thuộc về khoa Công nghệ thông tin, Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông và Viện Công nghệ hàng không vũ trụ

Tuyết Nga (UET-News)

Y tế thông minh – Thành phố thông minh

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, kéo theo cuộc sống xã hội ngày càng phát triển. Cùng với đó, tăng trưởng dân số và đô thị hóa cũng đang bùng nổ dẫn đến việc đổi mới để tích hợp công nghệ vào thiết kế dịch vụ thành phố. Chính điều này đã tạo nên bản chất của thành phố thông minh.

Thành phố thông minh là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống của con người. Thành phố thông minh phụ thuộc nhiều vào cảm biến để nhận biết thông số như nhiệt độ, độ ẩm, chất gây dị ứng, điều kiện giao thông và tình hình lưới điện….Ở thành phố thông minh, các công nghệ được liên kết với nhau chủ yếu thông qua các thiết bị cảm biến; các thành phố kết nối với nhau bởi mạng Wi-Fi ( trong tương lai sẽ là mạng Li-Fi với công nghệ truyền Internet bằng ánh sáng, nó có thể thay thế hoàn toàn Wi-Fi với tốc độ kết nối nhanh hơn và tính bảo mật cao hơn do ánh sáng không thể truyền qua tường [1] ). Vì được kết nối với nhau bởi mạng lưới internet, nên thành phố thông minh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông vận tải; hệ thống năng lượng; giải quyết các vấn đề môi trường và phản hồi khẩn cấp các vấn đề an ninh xã hội;… đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe một cách thông minh.

Vậy tại sao chăm sóc sức khỏe lại là một cơ sở quan trọng hàng đầu của thành phố thông minh? Chúng ta cần làm gì để có thể chăm sóc sức khỏe một cách thông minh nhất?

Một thành phố phát triển, đòi hỏi con người cần phải có nhiều sự sáng tạo. Nhưng để phục vụ cho việc sáng tạo, đổi mới thì sức khỏe con người phải đặt lên hàng đầu. Một thành phố có những công dân khỏe mạnh thì thành phố đó sẽ được cân bằng trong mọi lĩnh vực. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành y tế đang chứng kiến sự tiến bộ trong vài năm qua. Nhưng với dân số và lối sống đô thị ngày càng tăng, việc chăm sóc sức khỏe công dân một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn càng trở nên quan trọng. Chăm sóc sức khỏe thông minh là việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho con người, biến chăm sóc sức khỏe theo truyền thống thành chăm sóc sức khỏe thông minh.

Hiện nay, có nhiều thiết bị công nghệ giúp con người có thể chăm sóc sức khỏe một cách thông minh nhất. IoT ( Internet of thing hay internet kết nối vạn vật) đã thay đổi rất nhiều về cách chúng ta sống, làm việc và giữ gìn sức khỏe. Công nghệ IoT ngày càng trở nên có ảnh hưởng hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách giúp các nhà cung cấp dịch vụ y tế dễ dàng theo dõi bệnh nhân giữa các lần thăm khám [2]. Đồng thời giúp đưa ra các phác đồ điều trị trong tương lai một cách hiệu quả và kịp thời. Nhờ vậy bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn.

Trí thông minh nhân tạo (AI hay Artifical Interlligence ) cũng đang ngày càng chứng minh khả năng thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai không xa. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để đánh giá và đưa ra các kết quả có thể xảy ra để tìm ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt, khi các bác sĩ chuyên khoa ở các vị trí khác nhau; với sự giúp đỡ của Robot, các bác sĩ vẫn có thể liên lạc, chuẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân một cách dễ dàng.[3]

Mặc dù vậy, nhưng chúng ta cũng đối mặt với không ít thách thức khi sử dụng các công nghệ thông minh như các mối đe dọa an ninh do các thiết bị thông minh hoạt động và liên kết với nhau thông qua mạng Wi-Fi nên có thể bị các hacker tấn công dữ liệu; vấn đề tích hợp nhiều thiết bị; vấn đề phân tích và đưa ra kết quả từ dữ liệu mở rộng. Không chỉ dừng lại ở đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể trở thành một mối nguy cơ lớn nếu nó được lập trình với những mục đích xấu.

Ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Úc đã phải làm việc rất tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của mình. Quốc gia này đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi chỉ tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những năm tới. Kế hoạch này là tích hợp hệ thống y tế thông qua các kết nối tốt hơn, tích hợp dữ liệu, hồ sơ không cần giấy tờ, hiệu quả được cải thiện và thực hành nghiên cứu tốt hơn. Tại đại học Melbourne, họ đang thu thập các dữ liệu từ các các bệnh viện và phòng khám khác nhau để từ đó biên soạn ra một kho lưu trữ duy nhất. Dữ liệu được thu thập sẽ cho phép R & D tốt hơn và cung cấp giải pháp hiệu quả để điều trị ung thư và động kinh.[4]

Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, y tế Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận với xu thế này để đẩy mạnh trong việc chăm sóc sức khỏe. Không dừng lại ở lý thuyết, Việt Nam cũng đang bắt đầu tiếp cận với việc thử nghiệm và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều đã có các phần mềm quản lý bệnh viện bằng số hóa. Không dừng lại ở đó, tại một bệnh viện trung ương ở tỉnh Phú Thọ cũng đang thử nghiệm công nghệ “Watson For Oncology ” để giúp các bác sĩ đưa ra các pháp đồ điều trị ung thư một cách tối ưu nhất [5]. Tuy nhiên ta cũng gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực này do Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống thông minh riêng nào trong việc chăm sóc sức khỏe mà hầu hết phải dựa vào sự hợp tác của nước ngoài chủ yếu là Hoa Kỳ.

Như vậy, để có một hệ thống y tế thông minh, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học – công nghệ đồng thời tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để tìm ra các giải pháp thông minh cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cùng với sự giúp đỡ của IoT và trí tuệ nhân tạo sẽ là tiền đề mở ra một kỷ nguyên mới trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe hiện đại cho các thành phố ở Việt Nam.

Sinh viên: Đỗ Minh Khang K62 XD_GT

Tài liệu tham khảo

[1] http://genk.vn/day-la-li-fi-cong-nghe-truyen-mang-internet-bang-anh-sang-co-the-thay-the-hoan-toan-wi-fi-trong-tuong-lai-20170214150611538.chn

[2] https://techinsight.com.vn/iot-giai-phap-cham-soc-suc-khoe-cho-tuong-lai/

[3] https://www.researchgate.net/publication/322605918_Using_Smart_City_Technology      to_Make_Healthcare_Smarter

[4] https://www.smartcity.press/smart-healthcare-for-smart-cities/

[5] https://www.youtube.com/watch?v=RXB6vKiRxKg