Ngày 17/5/2023, tại Hòa Lạc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã trao quyết định công nhận chức danh Chủ tịch Hội đồng Trường cho GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ với GS.TS Chử Đức Trình.
Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 1702/QĐ-ĐHQGHN công nhận ông Nguyễn Đình Đức, Đảng ủy viên Đảng ủy ĐHQGHN, Trưởng Ban Đào tạo, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Trường ĐH Công nghệ giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ nhiệm kỳ 2022 -2027. Quyết định có hiệu lực từ ngày 16/5/2023 và Quyết định số 1728/QĐ-ĐHQGHN về việc ông Chử Đức Trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Phó Hiệu trưởng Phụ trách giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 17/5/2023.
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức tân Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN tạo điều kiện để cán bộ có cơ hội phát triển, rèn luyện và trải nghiệm trong những cương vị quản lý tại ĐHQGHN. Đồng chí cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực và làm việc với tinh thần tận hiến, đồng lòng, đồng thuận vì sự phát triển chung của ĐHQGHN.
Đôi nét quá trình công tác của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một trong hai nhà khoa học lọt top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng thế giới, vừa được công nhận là Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trải qua 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Đào tạo (đại học và sau đại học) của ĐHQGHN. Trước đó, GS Nguyễn Đình Đức đã là Trưởng Ban Khoa học Công nghệ của ĐHQGHN (2005-2008) và 15 năm trước đã từng là Phó Hiệu Trưởng Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (2008-2012).
Trong 4 năm liên tục từ 2019 đến nay, GS Nguyễn Đình Đức lọt vào bảng xếp hạng 10.000 nhà khoa học có trích dẫn khoa học xuất sắc nhất, và năm 2022 đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering.
GS.TSKH Đức cũng là một trong ba giáo sư của ĐHQGHN được công nhận Nhà giáo tiêu biểu của ngành Giáo dục nhân dịp 40 năm sự nghiệp giáo dục (1982-2022); Giải thưởng nhà giáo tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2022.
Ông được nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2016 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2022.
Trên cương vị Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã có nhiều sáng kiến và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ĐHQGHN như phát triển các chương trình tài năng, chất lượng cao và chuẩn quốc tế.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của ĐHQGHN.
Ông đã nhiều năm là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, thành viên Hội đồng biên tập tạp chí Toán Lý – ĐHQGHN, Tạp chí Cơ học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), Tạp chí Khoa học & Công nghệ (Bộ KH&CN) và là thành viên Hội đồng Biên tập của 10 tạp chí ISI có uy tín của quốc tế.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã có những đóng góp quan trọng, góp phần để lĩnh vực kỹ thuật công nghệ của ĐHQGHN vươn lên và được xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2022.
Đôi nét quá trình công tác của GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ
GS.TS Chử Đức Trình đã gắn bó 24 năm tại Trường ĐH Công nghệ, ĐQHGHN.
Trước khi đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ông đã kinh qua các vị trí khác nhau như, giảng viên, Phó chủ nhiệm Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ; Trưởng phòng Thí nghiệm thực hành Điện tử Viễn thông, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ; Phó bí thư chi bộ, Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Bộ môn Vi cơ điện tử và Vi hệ thống, Bí thư, Chủ nhiệm Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ;
Trong quá trình công tác, tân Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, GS.TS Chử Đức Trình đã có nhiều thành tích, khen thưởng của các Bộ, ngành, Cơ quan Trung Ương và ĐHQGHN.
Đó là chủ đề được các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ giáo viên, giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực toán học chia sẻ tại buổi Seminar do Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Trường Đại học Công nghệ đăng cai, phối hợp với Hội Toán học Hà Nội tổ chức sáng ngày 4/5/2023.
Đây là sự kiện Seminar thường niên của Hội toán học Hà nội do GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu chủ trì và được duy trì thường xuyên nhiều năm nay. Sự kiện đã thu hút được đông đảo đội ngũ giáo viên, giảng viên đang giảng dạy toán tại các trường đại học, trường THPT trên địa bàn cả nước tham gia.
Từ những hội thảo này, là nơi giúp các nhà khoa học luôn giữ mãi được ngọn lửa yêu nghề, yêu toán và đặc biệt là nhiệt huyết và quyết tâm phát huy và ứng dụng toán học vào giải quyết các bài toán của thực tiễn và các ngành khoa học khác tại Việt Nam.
Buổi hội thảo có sự tham gia của GS.TSKH Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Toán học Hà Nội, chủ trì Seminar và đông đảo những nhà khoa học đến từ các Trường đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, các thầy cô giáo dạy toán từ các trường phổ thông, các chuyên gia giáo dục trên cả nước, theo hình thức offline kết hợp với online.
Về phía Trường Đại học Công nghệ có GS.TS Chử Đức Trình và TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông và các giảng viên cơ hữu, kiêm nhiệm trong Khoa.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, thay mặt Ban Giám hiệu đã bày tỏ sự vinh dự khi được Hội Toán học Hà Nội tin tưởng để nhà trường phối hợp tổ chức hội thảo. Phó Hiệu trưởng khẳng định, Toán học trong các ngành công nghệ là vô cùng quan trọng, trong các năm gần đây Nhà trường đang triển khai đưa Toán học trở thành môn học yêu thích của sinh viên.
Phó Hiệu trưởng mong muốn, Trường Đại học Công nghệ hàng năm được đón tiếp Hội Toán học tổ chức hội thảo để có thể đồng hành cùng Hội lan tỏa tình yêu Toán học đến thế hệ trẻ.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông (The Faculty of Civil Engineering), Trường ĐH Công nghệ đã giới thiệu với các đại biểu dự Seminar về quá trình hình thành và phát triển của Khoa Công nghệ Xây dựng-Giao thông trong 5 năm qua, đồng thời nhấn mạnh: Toán học giữ vai trò tối quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ (Engineering). Bên cạnh các thiết bị hiện đại, thì các ngành kỹ thuật, trong đó có Civil Engineering rất cần đến các kiến thức cơ bản của toán học, cơ học, vật lý và công nghệ thông tin,…. Đây là thế mạnh của ĐHQGHN và đã giúp các nhà khoa học của ĐHQGHN có thể làm chủ những kỹ thuật-công nghệ nguồn, nhờ đó đã làm nên những trường phái khoa học có đặc trưng riêng, được biết đến trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Tại hội thảo, có 2 báo cáo đã được trình bày: Phương pháp tương hỗ tìm nghiệm đóng của bài toán truyền sóng với ứng dụng trong lĩnh vực đánh giá không phá hủy và siêu âm định lượng xương (GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, TS Phan Hải Đăng) và Thuật toán tìm ước số và ước chung lớn nhất (thầy Nguyễn Mạnh Cảng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Năm 2022, ĐHQGHN có 6 lĩnh vực xếp hạng top 500 trong bảng xếp hạng QS của Thế giới, trong đó lĩnh vực Toán học (top 400-500) và Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ (Engineering) được xếp hạng 386 thế giới. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN 4 năm liên tiếp lọt top 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, và năm 2022 đứng thứ 94 thế giới trong lĩnh vực Engineering. Tháng 3/2023, Research.com cũng đã công bố xếp hạng các nhà khoa học theo các lĩnh vực ở từng quốc gia, và có 13 nhà khoa học Việt Nam thuộc các lĩnh vực khác nhau có tên trong bảng xếp hạng này, trong đó có 4 nhà khoa học của ĐHQGHN là: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (lĩnh vực Engineering), GS.TS Phạm Hùng Việt (Lĩnh vực công nghệ môi trường), PGS.TS Từ Bình Minh (Lĩnh vực hóa học) và PGS.TS Lê Hoàng Sơn (Lĩnh vực công nghệ thông tin).
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, làm nòng cột và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà. Kể từ đó đến nay, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, luôn khẳng định là đại học hàng đầu của Việt Nam.
Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, mạnh cả về cơ cấu tổ chức và quy mô
Khi mới thành lập, ĐHQGHN chỉ có 3 trường đại học thành viên là Trường Đại học Tổng hợp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Đến nay, ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 9 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu, 2 trường trực thuộc và 2 khoa trực thuộc. Quy mô đào tạo những năm đầu chỉ khoảng 20.000 sinh viên chính quy và 100 nghiên cứu sinh, sau 30 năm, quy mô đào tạo bậc đại học đã tăng gấp 3 lần (khoảng 60.000 sinh viên chính quy) và quy mô đào tạo nghiên cứu sinh đã tăng hơn 10 lần (khoảng 1.100 nghiên cứu sinh). Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay ĐHQGHN dự kiến tuyển sinh với 141 ngành trình độ đại học, trong đó có 6 ngành mới trong năm 2023.
Nhà điều hành của ĐHQGHN tại 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN có thế mạnh lớn để tham gia giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm của đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó và quan trọng như: Thiết kế vi mạch, Khoa học Máy tính, Cơ điện tử, Hàng không vũ trụ, Tự động hóa và Tin học, Trí tuệ nhân tạo, Xây dựng – giao thông, Công nghệ nano, An ninh phi truyền thống…
Góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước
ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đào tạo từ THCS, trung học phổ thông đến tiến sỹ. Ngoài các trường chuyên được thành lập lâu đời với bề dày thành tích được cả nước biết đến như: Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên) và Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ), mới đây, Trường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Trường Đại học Giáo dục), Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) đã được thành lập. Đặc biệt, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu về huy chương vàng quốc tế ở Việt Nam.
Bên các chương trình đào tạo hệ chuẩn, ĐHQGHN đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1997, ĐHQGHN đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001 là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Bên cạnh truyền thống đào tạo nhân tài ở bậc THPT chuyên, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện một cách chính quy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ở bậc đại học. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của ĐHQGHN về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học đầu ngành để tham gia đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế – xã hội mũi nhọn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Từ năm 2006 trở đi, để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, trong khi quy mô đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao còn nhỏ, mức độ “quốc tế hoá” về chương trình, phương pháp đào tạo, ngoại ngữ sử dụng chưa đủ cao, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo các Chương trình đào tạo tiên tiến. Đây là các chương trình đào tạo bậc đại học, sử dụng toàn bộ chương trình, giáo trình của một đại học nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cấp kinh phí triển khai thực hiện. Đội ngũ giảng viên của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài. Chương trình này chỉ đảm nhận việc phát triển quốc tế hóa một chương trình đào tạo, chưa nhằm mục tiêu phát triển được cả ngành, đơn vị cấp Khoa đạt chuẩn quốc tế.
Tiếp sau Chương trình đào tạo tiên tiến, năm 2007, ĐHQGHN bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, còn gọi là chương trình nhiệm vụ chiến lược (ban đầu được gọi là chương trình 16-23, vì tập trung lựa chọn được 16 ngành đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tham gia chương trình). Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển cả ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từ chương trình đào tạo đến đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu, nguồn nhân lực theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển từng bước từ bộ môn, khoa đến trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế và được đầu tư, phê duyệt theo từng đề án cho từng ngành/chuyên ngành.
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ mới (năm 2017 và 2022) của ĐHQGHN là những bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo.
Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. ĐHQGHN đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sỹ tại ĐHQGHN và đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ mới (2017, 2022). Đây là những bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo. Quy chế mới yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ của nghiên cứu sinh. Hiện nay, chỉ còn ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trong cả nước yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế. Quy chế của ĐHQGHN cũng nâng cao chuẩn về công bố quốc tế và chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng như đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, giảng dạy bậc tiến sỹ; yêu cầu gắn hoạt động làm luận án của nghiên cứu sinh với hoạt động của bộ môn/phòng thí nghiệm…
Tiên phong đổi mới nhiều lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam
Với triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu để đảm bảo chất lượng và nghiên cứu để tiếp cận trình độ của thế giới, đào tạo trình độ cao, năm 2004, tại phiên họp lần thứ X Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN đã xác định các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu, như chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ sinh viên/giảng viên; tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học; số lượng, chất lượng và lượt trích dẫn của các công bố quốc tế… và từ đó định hướng cho các hoạt động của nhà trường. Việc tiên phong mở rộng quy mô đào tạo, theo hướng nâng cao tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học cũng như đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu chính là 2 trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược này.
ĐHQGHN cũng tiên phong mở các ngành mới, ngành/chuyên ngành thí điểm, chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước như an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu… Với tầm nhìn xa, tổng hợp, bao quát, ngay từ năm 1995, Lãnh đạo ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQGHN ngày nay). Những đóng góp của Trung tâm này về các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục, xếp hạng đại học, các năng lực phẩm chất cần có để dự tuyển vào đại học để xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực, cũng như mở ngành và đào tạo đầu tiên trong cả nước thạc sỹ và tiến sỹ về đo lường đánh giá trong giáo dục.
Năm 2012, Ban Đào tạo đã xây dựng Đề án đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực (ĐGNL) và suốt trong 3 năm (2012-2014) là đơn vị trực tiếp triển khai xây dựng đề thi cũng như các quy chế, quy trình, phần mềm phục vụ ĐGNL, áp dụng trước tiên cho hệ tài năng và chất lượng cao và làm tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí – đơn vị chuyên trách tổ chức thi ĐGNL ở ĐHQGHN. Năm 2016, ĐHQGHN đã đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo ĐGNL cho tất cả các chương trình đào tạo; tiên phong trong việc xây dựng bài thi chuẩn hóa ĐGNL và cũng tiên phong áp dụng thành công việc triển khai đổi mới tuyển sinh theo hình thức sử dụng bài thi ĐGNL ở ĐHQGHN. Với phổ kiến thức vừa rộng lại vừa sâu, phong phú, kết quả thi nhanh, việc chấm thi tự động bằng máy khách quan, trung thực, và có thể tổ chức cho thí sinh chủ động đăng ký thi nhiều lần trong năm, đã được dự luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao. Tuyển sinh theo ĐGNL của ĐHQGHN như luồng gió mới làm mát dịu những căng thẳng của các kỳ thi đại học theo 3 chung cứ mỗi năm vào hè tháng 6. Nhiều trường đại học khác đã tin cậy và sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN để tuyển sinh.
ĐHQGHN cũng là một trong những đơn vị tiên phong triển khai đào tạo theo tín chỉ thành công ở Việt Nam. Sau một số năm nghiên cứu, tìm hiểu phương thức tổ chức và quản lý đào tạo theo mô hình tín chỉ của nước ngoài, từ năm 2006, ĐHQGHN bắt đầu triển khai áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ, đó là: chuyển đổi chương trình; xây dựng đề cương môn học; áp dụng phương pháp dạy – học và kiểm tra đánh giá theo tín chỉ và từ 2010. Đến nay, đã áp dụng hoàn toàn và triệt để phương thức đào tạo theo tín chỉ. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn đầu ra, với các khối kiến thức chung được giảng dạy thống nhất trong toàn ĐHQGHN.
Một sáng kiến và quyết sách đổi mới không thể không nhắc đến là: để lựa chọn được nhiều học sinh ưu tú vào học theo chương trình đại học, ngay từ năm 2014, ĐHQGHN đã tiên phong nghiên cứu và ban hành quy chế đặc thù cho học sinh chuyên trong ĐHQGHN (và năm 2022 ban hành quy chế đặc thù sửa đổi áp dụng cho cả học sinh các trường chuyên trên toàn quốc) – ban hành các tiêu chí và quy định xét tuyển thẳng vào các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN những học sinh xuất sắc.
Gắn đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh, hội nhập với quốc tế
Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN thực hiện triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh để vươn tới đỉnh cao tri thức; rồi từ nghiên cứu đỉnh cao lại thúc đẩy đào tạo trình độ cao và phát triển tiềm lực KH&CN. Đến nay, ở ĐHQGHN có hàng trăm NNC lớn, nhỏ, trong đó có khoảng 30 NNC đã được Giám đốc ĐHQGHN công nhận là NNC mạnh cấp ĐHQGHN. Các NNC này đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tài năng theo cá thể hóa, cũng như trong việc mở các ngành/chuyên ngành đào tạo mới, các bộ môn/phòng thí nghiệm mới của ĐHQGHN trong những năm qua.
GS.TS Hoàng Nam Nhật (bên phải) cùng cộng sự làm việc với máy gia tốc hạt.
Cũng nhờ đào tạo thông qua nghiên cứu, các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được tham gia hoạt động trong môi trường các NNC mạnh và nhờ vậy được thắp sáng tài năng. Đến nay, ĐHQGHN đã có những GS, PGS tuổi đời rất trẻ; không ít sinh viên năm cuối và trên trên 90% nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên – công nghệ của ĐHQGHN có công bố trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu của Web of Science. Không ít nghiên cứu sinh của ĐHQGHN được đào tạo trong nước, nhưng đã có kết quả nghiên cứu, số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các nghiên cứu sinh được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.
Từ chỗ chưa có tên trên bản đồ xếp hạng, năm 2022 đã vươn lên trong top 800 đại học hàng đầu thế giới
Theo bảng xếp hạng đại học QS, năm 2022 ĐHQGHN đã nằm trong top 800 đại học hàng đầu thế giới và có và thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU. Cũng trong năm 2022, 6 lĩnh vực của ĐHQGHN đã lọt top 400-600 thế giới trong bảng xếp hạng QS: Toán học (351-400), Vật lý (401-500), 3 lĩnh vực Cơ kỹ thuật và Kỹ thuật điện – Điện tử, Kinh doanh và Khoa học Quản lý top 401-500, Khoa học Máy tính và hệ thống thông tin (501-600). Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ đi sau về trước, đã vươn lên ngoạn mục, xếp hạng 386 thế giới.
ĐHQGHN có những nhà khoa học xuất sắc được quốc tế công nhận, xếp hạng trích dẫn và ảnh hưởng trong top 10.000, và thậm chí trong top 100 của thế giới, và hàng đầu của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, đội ngũ cán bộ trí thức tài năng – nguồn nhân lực trình độ cao chính là tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của ĐHQGHN.
Trụ sở nhà điều hành và sinh viên lên Hòa Lạc
Điểm nhấn mới nhất là năm 2022, sau nhiều năm ấp ủ, lần đầu tiên trụ sở nhà điều hành ĐHQGHN đã chuyển hoàn toàn lên Hòa Lạc và ĐHQGHN cũng đã đưa hơn 1.500 sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công. ĐHQGHN và đội ngũ những người làm công tác đào tạo lại xắn tay vào triển khai kế hoạch tuyển sinh và tổ chức học tập, giảng dạy trên Hòa Lạc; xây dựng những ngành mới, mô hình đào tạo mới (như giáo dục toàn diện), để biến Hòa Lạc thành lợi thế và tài nguyên cho sự phát triển của ĐHQGHN trong giai đoạn tới. Năm 2022 đã có 2000 sinh viên ĐHQGHN học toàn thời gian trên Hòa Lạc, và dự kiến năm 2023 sẽ có 7.000 sinh viên trên Hòa Lạc, trong đó sẽ có cả học sinh của Trường THPT Khoa học giáo dục (HES).
Ngày làm việc đầu tiên của Cơ quan ĐHQGHN tại trụ sở mới Hòa Lạc.
*
* *
Những thành tựu trên đây của ĐHQGHN đã chứng minh sự đúng đắn và thành công của mô hình Đại học Quốc gia, thực sự xứng đáng là “tập đoàn quân chủ lực”, là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học của nước nhà. Giáo dục đại học, trong đó có ĐHQGHN đang đứng trước những thách thức về tự chủ đại học, mô hình phát triển đại học, trường đại học (và mô hình trường đại học tự chủ trong đại học tự chủ cao của chính 2 ĐHQG) trong bối cảnh mới. Thách thức về sự phát triển vượt bậc về quy mô (giữa số lượng và chất lượng), về cơ sở vật chất; về công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; cạnh tranh về thu nhập của cán bộ giảng viên; chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đội ngũ; sự hội nhập với trình độ và các chuẩn mực của quốc tế,… Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đang có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hữu hiệu để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam và phát triển 2 Đại học Quốc gia lên tầm cao mới.
30 NĂM VỚI SỨ MỆNH TIÊN PHONG, ĐỔI MỚI, KIÊN TRÌ BỀN BỈ THẮP SÁNG CÁC TÀI NĂNG, ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI
Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế làm nòng cột và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà.
Mô hình Đại học quốc gia cũng là một đại học tự chủ. Thời điểm đó, đất nước vừa mới bước vào thời kỳ đổi mới. Những khái niệm về tự chủ đại học, chuẩn mực quốc tế còn chưa phổ biến với nền giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa trông rộng, Đảng và Nhà nước đã nhận ra những hạn chế của các đại học chuyên ngành đang hiện có vốn được xây dựng để phục vụ nền kinh tế tập trung kế hoạch hóa để thành lập ĐHQGHN với mục đích trở thành đại học hàng đầu của Việt Nam, hội nhập với nền giáo dục đại học hiện đại của thế giới.
Thấm thoắt từ đó đến nay đã 30 năm trôi qua.
Kể từ ngày thành lập đến nay, ĐHQGHN đã phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu lớn, luôn khẳng định là đại học hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2012, các ĐHQG lần đầu tiên đã được đưa vào Luật giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hai Đại học Quốc gia phát triển.
Những thành công của ĐHQGHN trong lĩnh vực đào tạo cụ thể như sau:
Thứ nhất, trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực hùng mạnh cả về cơ cấu tổ chức và quy mô, phát huy thế mạnh liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong VNU.
Khi mới thành lập, ĐHQGHN chỉ có 3 trường đại học thành viên là ĐH Tổng hợp, ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm ngoại ngữ. Đến nay ĐHQGHN đã cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực với 9 trường đại học thành viên, 5 viện nghiên cứu, 2 trường thuộc và 2 khoa trực thuộc. Các trường đại học gồm: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Y dược và Trường ĐH Luật (mới được nâng cấp từ Khoa Luật lên thành trường đại học Luật năm 2022). Các viện nghiên cứu gồm có: Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Trần Nhân Tông, Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục. Trường thuộc có Trường Quốc tế, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB); Khoa đào tạo trực thuộc ĐHQGHN gồm: Khoa Liên ngành và mới đây nhất là Khoa quốc tế pháp ngữ (IFI).
Quy mô đào tạo những năm đầu chỉ khoảng 20.000 sinh viên chính quy và 100 NCS, sau 30 năm, Quy mô đào tạo của ĐHQGHN đã tăng gấp 3 lần, khoảng 60.000 sinh viên chính quy và quy mô đào tạo NCS đã lên tới 1.100.
Từ chỗ chỉ có hơn 50 ngành đào tạo, đến nay, năm ĐHQGHN dự kiến tuyển sinh với 141 ngành trình độ đại học, trong đó có 6 ngành mới trong năm 2023.
Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực như trên, ĐHQGHN có thế mạnh lớn để tham gia giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ trọng điểm, của đất nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực khó và quan trọng như: Hàng không vũ trụ, Tự động hóa và Tin học, Trí tuệ nhân tạo, Xây dựng – giao thông, Công nghệ nano, An ninh phi truyền thống,…
Thứ hai, ĐHQG đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước.
ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đào tạo từ THCS, trung học phổ thông đến tiến sĩ. Ngoài các trường chuyên được thành lập lâu đời với bề dày thành tích được cả nước biết đến như: Trường THPT chuyên KHTN (thuộc trường Đại học KHTN) và Trường THPT chuyên ngoại ngữ (thuộc trường ĐH Ngoại ngữ), mới đâyTrường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Trường ĐH Giáo dục) đã được thành lập. Đặc biệt, Trường THPT chuyên KHTN đã đạt được nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế và châu lục, đứng đầu về huy chương vàng quốc tế ở Việt Nam.
Bên các chương trình đào tạo hệ chuẩn, ĐHQGHN đã xây dựng các chương trình đặc biệt để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Lần đầu tiên ở Việt Nam, năm 1997, ĐHQGHN đã xây dựng và triển khai dự án “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” và từ năm 2001, là Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Bên cạnh truyền thống đào tạo nhân tài ở bậc trung học phổ thông chuyên (với 2 trường chuyên ĐHKHTN và ĐHNN), ĐHQGHN là trường đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện một cách chính quy công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ở bậc đại học. Mục tiêu của Dự án năm 2001 là khai thác tiềm lực và thế mạnh của ĐHQGHN về cơ sở vật chất và đội ngũ khoa học đầu ngành để tham gia đào tạo các nhà khoa học giỏi thuộc các ngành khoa học cơ bản cốt lõi, các ngành công nghệ cao và kinh tế xã hội mũi nhọn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các khoa học cơ bản tại các trường đại học, cao đẳng cũng như các nghiên cứu viên, nhà quản lý, chuyển giao công nghệ tài năng tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong toàn quốc, với đầu vào hệ cử nhân khoa học tài năng là các em đoạt các giải olympic quốc tế, quốc gia và có điểm thi đại học đầu vào xuất sắc.
Năm 2005, ĐHQGHN đã tiến hành tổng kết Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”. Với những thành công và bài học kinh nghiệm sau gần 10 năm thí điểm, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá cao sự mô hình đào tạo tài năng bậc đại học của ĐHQGHN, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chế độ chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và mở rộng mô hình bồi dưỡng và đào tạo tài năng, chất lượng cao của ĐHQGHN cho toàn ngành. Đào tạo cử nhân khoa học tài năng tiếp tục được ĐHQGHN duy trì đào tạo đến ngày nay.
Từ năm 2006 trở đi, để tăng cường hội nhập các chuẩn mực quốc tế, trong khi quy mô đào tạo cử nhân tài năng, chất lượng cao còn nhỏ, mức độ “quốc tế hoá” về chương trình, phương pháp đào tạo, ngoại ngữ sử dụng chưa đủ cao, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đào tạo các chương trình tiên tiến. Chương trình đào tạo tiên tiến là các chương trình đào tạo bậc đại học, sử dụng toàn bộ chương trình, giáo trình của một đại học nước ngoài, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và cấp kinh phí triển khai thực hiện. Đội ngũ giảng viên của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài. Chương trình này chỉ đảm nhận việc phát triển quốc tế hóa một chương trình đào tạo, chưa nhằm mục tiêu phát triển được cả ngành, đơn vị cấp Khoa đạt chuẩn quốc tế.
Chính vì vậy, tiếp sau chương trình tiên tiến, năm 2007, ĐHQGHN bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, còn gọi là chương trình nhiệm vụ chiến lược (ban đầu được gọi là chương trình 16-23, vì tập trung lựa chọn được 16 ngành đại học và 23 chuyên ngành sau đại học tham gia Đề án). Mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển cả ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế, từ chương trình đào tạo đến đội ngũ, cơ sở vật chất, học liệu, nguồn nhân lực theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng nhằm tạo tiền đề và điều kiện để phát triển từng bước từ bộ môn, khoa đến trường đại học thành viên đạt chuẩn quốc tế và được đầu tư, phê duyệt theo từng đề án cho từng ngành/chuyên ngành. Đây là mục tiêu và sách lược quan trọng của ĐHQGHN trong quá trình phát triển, nhằm chọn lọc vun cao, từng bước khả thi nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của ĐHQGHN, góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế.
Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN theo Quy chế mới nhất ban hành năm 2022 được quy lại gọn gàng gồm: Chương trình đào tạo tài năng, Chương trình chất lượng cao (bao gồm các chương trình tiên tiến, chuẩn quốc tế – đào tạo theo nội dung, chương trình của các đại học danh tiếng trên thế giới) và các chương trình chuẩn.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có cơ chế liên thông và sử dụng chung cán bộ cơ hữu trong toàn đại học. Do đó, các chương trình đạo tạo cũng rất phong phú và đa dạng. Năm 1993, ĐHQGHN chỉ có vài chục chương trình đào tạo, đến nay đã có 141 chương trình đào tạo đại học, gần 200 chương trình đào tạo thạc sĩ và 180 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Đứng trước những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. ĐHQGHN đã triển khai Đề án đổi mới đào tạo trình độ tiến sĩ tại ĐHQGHN và đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới (2017, 2022). Đây là những bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo. Quy chế mới yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra về chuyên môn và ngoại ngữ của NCS. Hiện nay, chỉ còn ĐHQGHN là cơ sở GDĐH duy nhất trong cả nước yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế. Quy chế của ĐHQGHN cũng nâng cao chuẩn về công bố quốc tế và chất lượng của đội ngũ giảng viên hướng dẫn NCS cũng như đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, giảng dạy bậc tiến sĩ; yêu cầu gắn hoạt động làm luận án của NCS với hoạt động của bộ môn/PTN; với việc tham gia các đề tài nghiên cứu; hướng dẫn thực hành, thực tập; hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và các seminar khoa học của đơn vị chuyên môn; trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao nhất cho cán bộ hướng dẫn và bộ môn trong quá trình đào tạo NCS. Đồng thời, Quy chế cũng đặc cách bỏ quy quy trình phản biện kín với các NCS có thành tích nghiên cứu xuất sắc, công bố được nhiều bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Với Quy chế này, ĐHQGHN thực hiện đào tạo tiến sĩ với yêu cầu về chuẩn đầu ra, cũng như theo quy trình và chuẩn mực tổ chức và quản lý đào tạo như của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN thực sự là “máy cái” – góp phần quan trọng và hiệu quả đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao cho các trường đại học trên phạm vị toàn quốc.
Thứ ba, ĐHQGHN luôn đi tiên phong đổi mới nhiều lĩnh vực trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Không chỉ tiên phong trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài thông qua các chương trình đào tạo đặc biệt như đã nói tới ở trên, ĐHQGHN cũng tiên phong trong cả nước xác định phát triển theo mô hình đại học định hướng nghiên cứu, gắn đào tạo với nghiên cứu, với việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.
Với triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu để đảm bảo chất lượng và nghiên cứu để tiếp cận trình độ của thế giới, đào tạo trình độ cao, năm 2004, tại phiên họp lần thứ X Hội đồng Khoa học và Đào tạo của ĐHQGHN đã xác định các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu, như chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu; tỷ lệ sinh viên/giảng viên; tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học; số lượng, chất lượng và lượt trích dẫn của các công bố quốc tế; các phát minh, sang chế; giải thưởng KHCN,….và từ đó định hướng cho các hoạt động của nhà trường. Việc tiên phong mở rộng quy mô đào tạo, theo hướng nâng cao tỷ lệ đào tạo sau đại học/đại học cũng như đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu chính là hai trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược này.
ĐHQGHN cũng tiên phong mở các ngành mới, ngành/chuyên ngành thí điểm chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước, như an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu,…Đến nay một số chương trình thí điểm của ĐHQGHN đã được đưa vào danh mục đào tạo của Nhà nước như các chương trình đào tạo ngành Hóa dược, Kinh tế phát triển, Luật kinh doanh (bậc đại học), Ngôn ngữ Nhật (bậc thạc sĩ), Đo lường Đánh giá trong giáo dục (bậc thạc sĩ và tiến sĩ),….Hiện nay ĐHQGHN đang đào tạo gần 50 chương trình mới thí điểm (từ các bậc cử nhân, kỹ sư, đến thạc sĩ và tiến sĩ). Đây là những đặc sản trong đào tạo của ĐHQGHN.
Với tầm nhìn xa, tổng hợp, bao quát, , ngay từ năm 1995, lãnh đạo ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục (tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQGHN ngày nay). Những đóng góp của Trung tâm này về các tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục, về xếp hạng đại học, các năng lực phẩm chất cần có để dự tuyển vào đại học để xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực, cũng như mở ngành và đào tạo đầu tiên trong cả nước thạc sĩ và tiến sĩ về đo lường đánh giá trong giáo dục. Những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua trong lĩnh vực khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục của Viện ĐBCL Giáo dục và Trung tâm kiểm định của ĐHQGHN một lần nữa chứng minh quyết định hết sức đúng đắn của lãnh đạo ĐHQGHN và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong đo lường đánh giá, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam, tiến dần ra khu vực và thế giới.
Năm 2012, Ban Đào tạo đã xây dựng Đề án đổi mới tuyển sinh theo ĐGNL và suốt trong 3 năm 2012-2014 là đơn vị trực tiếp triển khai xây dựng đề thi cũng như các quy chế, quy trình, phần mềm phục vụ ĐGNL, áp dụng trước tiên cho hệ TN và CLC và làm tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Khảo thí – đơn vị chuyên trách tổ chức thi ĐGNL ở ĐHQGHN. Năm 2016, ĐHQGHN đã đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo đánh giá năng lực cho tất cả các chương trình đào tạo; tiên phong trong việc xây dựng bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực và cũng tiên phong áp dụng thành công việc triển khai đổi mới tuyển sinh theo hình thức sử dụng bài thi đánh giá năng lực ở ĐHQGHN. Với phổ kiến thức vừa rộng lại vừa sâu, phong phú, kết quả thi nhanh, việc chấm thi tự động bằng máy khách quan, trung thực, và có thể tổ chức cho thí sinh chủ động đăng ký thi nhiều lần trong năm, đã được dự luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao. Tuyển sinh theo Đánh giá năng lực của ĐHQGHN như luồng gió mới làm mát dịu những căng thẳng của các kỳ thi đại học theo 3 chung cứ mỗi năm vào hè tháng 6. Nhiều trường đại học khác đã tin cậy và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để tuyển sinh.
ĐHQGHN cũng là một trong những đơn vị tiên phong triển khai đào tạo theo tín chỉ thành công ở Việt nam. Sau một số năm nghiên cứu, tìm hiểu phương thức tổ chức và quản lý đào tạo theo mô hình tín chỉ của nước ngoài, từ năm 2006, ĐHQGHN bắt đầu triển khai áp dụng các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo theo tín chỉ, đó là: chuyển đổi chương trình; xây dựng đề cương môn học; áp dụng phương pháp dạy – học và kiểm tra đánh giá theo tín chỉ và từ 2010; đến nay đã áp dụng hoàn toàn và triệt để phương thức đào tạo theo tín chỉ. Các chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn đầu ra, với các khối kiến thức chung được giảng dạy thống nhất trong toàn ĐHQGHN. Thành công này đã tạo điều kiện cho việc phát huy thế mạnh liên thông, liên kết trong ĐHQGHN, mô hình a+b (như mô hình đào tạo cử nhân sư phạm, bác sỹ đa khoa,…), đặc biệt là trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới liên ngành, liên đơn vị; trong việc triển khai tổ chức giảng dạy bằng kép (song bằng) thành công. Bên cạnh đó, cũng nhờ tích lũy tín chỉ, sinh viên có thể chủ động lựa chọn tích lũy các học phần theo kế hoạch và thời gian của cá nhân, nhờ vậy đến nay đã có gần 8000 sinh viên được cấp bằng kép (bằng chính quy thứ 2 trong thời gian học tập tại ĐHQGHN) và hơn 500 em tốt nghiệp đại học sớm so với quy định từ 1 đến 2 học kỳ.
Một sáng kiến và quyết sách đổi mới không thể không nhắc đến là: để lựa chọn được nhiều học sinh ưu tú vào học theo chương trình đại học, ngay từ năm 2014, ĐHQGHN đã tiên phong nghiên cứu và ban hành quy chế đặc thù cho học sinh chuyên trong ĐHQGHN (và năm 2022 ban hành quy chế đặc thù sửa đổi áp dụng cho cả học sinh các trường chuyên trên toàn quốc) – ban hành các tiêu chí và quy định xét tuyển thẳng vào các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc của ĐHQGHN những học sinh xuất sắc. Cũng từ năm 2022 đã tổ chức kỳ thi Olympic cấp ĐHQGHN tuyển chọn HSG – nhân tài từ các trường THPT trên cả nước. Dó đó, đã thu hút được nguồn học sinh giỏi vào học các ngành khoa học cơ bản để nối tiếp truyền thống và phát huy thế mạnh của ĐHQGHN.
ĐHQGHN cũng là đơn vị tiên phong trong các cơ sở giáo dục đào tạo xây dựng mô hình đào tạo tài năng, chất lượng cao, chuẩn quốc tế; tiên phong trong cả nước tiến hành rà soát và nghiên cứu, xây dựng bản quy hoạch các ngành nghề đào tạo (2014, 2021) và phân tầng các chương trình đào tạo (2015). Đây là kim chỉ nam, là kế hoạch và chiến lược hết sức quan trọng định hướng cho hoạt động đào tạo của ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN trong từng giai đoạn.
Thứ tư, ĐHQG kiên trì và giữ vững chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, hội nhập với quốc tế:
Các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. ĐHQGHN thực hiện triết lý đào tạo thông qua nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh để vươn tới đỉnh cao tri thức; rồi từ nghiên cứu đỉnh cao lại thúc đẩy đào tạo trình độ cao và phát triển tiềm lực KHCN. Đến nay, ở ĐHQGHN có hàng trăm NNC lớn nhỏ, trong đó có khoảng 30 NNC đã được Giám đốc ĐHQGHN công nhận là NNC mạnh cấp ĐHQGHN. Các NNC này đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo tài năng theo cá thể hóa, cũng như trong việc mở các ngành/chuyên ngành đào tạo mới, các bộ môn/PTN mới của ĐHQGHN trong những năm qua.
Cũng nhờ đào tạo thông qua nghiên cứu, các em sinh viên, học viên cao học, NCS được tham gia hoạt động trong môi trường các NNC mạnh và nhờ vậy được thắp sáng tài năng. Đến nay, không ít sinh viên năm cuối và trên trên 90% NCS trong lĩnh vực KHTN – Công nghệ của ĐHQGHN có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI. Không ít NCS của ĐHQGHN – được đào tạo trong nước, nhưng có kết quả nghiên cứu, có số lượng và chất lượng các công bố quốc tế cao hơn so với các NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài.
Nhiều em sinh viên, NCS vào ĐHQGHN đã được sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình, tâm huyết của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, những người thầy tâm huyết, có môi trường nghiên cứu, học tập tốt và đã được phát huy năng lực và tỏa sáng, đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu. Năm 2022, ĐHQGHN đã cấp học bổng cho các NCS xuất sắc lên đến 120 triệu/năm và lần đầu tiên cấp học bổng post-doc cho các TS trẻ xuất sắc lên đến 150 triệu/năm, và triển khai chính sách cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc ngành KH cơ bản ở mức hỗ trợ toàn bộ học phí, cấp sinh hoạt phí và chỗ ở miễn phí trong KTX.
Nhiều cựu sinh viên ưu tú của ĐHQGHN đã trở thành các nhà lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý có tên tuổi. ĐHQGHN đã góp phần hiệu quả vào sự nghiệp đào tạo nhân tài chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước.
Thứ năm, ĐHQG tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0:
Việc phát triển các ngành mới có tính liên ngành, mũi nhọn những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực, cũng như đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 đang được ĐHQGHN chú trọng đặc biệt và có sự đột phá, trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo mới, tiên phong như KHMT; Cơ điện tử; Điện tử -tin học; Kĩ thuật năng lượng, Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ nano, Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông; Công nghệ hàng không vũ trụ, Robotic; An toàn thông tin, Trí tuệ Nhân tạo, Khoa học dữ liệu; Tự động hóa và Tin học; Quản trị các tổ chức tài chính; Kinh tế biển; Biến đổi khí hậu,…
Với trên 500 chương trình đào tạo ở các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, từ lúc chỉ hoàn toàn các ngành khoa học cơ bản, sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay ĐHQGHN đã đạt cơ cấu ngành nghề đào tạo như sau: khoa học tự nhiên, y dược 25%; khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, ngoại ngữ, luật, giáo dục 40%; công nghệ – kỹ thuật 20%; liên ngành và thí điểm 15%.
ĐHQGHN đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành nghề từ KHCB sang gắn với kỹ thuật, công nghệ và thực tiễn. Nhờ vậy, ngành nghề đào tạo của ĐHQGHN nhanh chóng tiếp cận hội nhập với thế giới, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp và doanh nghiệp, cũng như tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngày càng cao.
Tóm lại, hoạt động đào tạo đã có những đóng góp quan trọng và xứng đáng vào sự phát triển và lớn mạnh của ĐHQGHN, đóng góp tich cực và hiệu quả vào những đổi mới của ngành giáo dục đại học như đào tạo tài năng, chất lượng cao; tổ chức quản lý đào tạo theo tín chỉ; phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện đào tạo qua nghiên cứu và chú trọng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học; đảm bảo chất lượng giáo dục; kiểm định, phân tầng và quy hoạch chương trình đào tạo; đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực; tiên phong mở các chương trình đào tạo mới thí điểm và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, và thực hiện hội nhập với nền giáo dục đại học của thế giới.
Thứ sáu, ĐHQGHN đã vươn lên trong top 800 thế giới theo bảng xếp hảng QS và có tên tuổi và thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU.
Điểm nhấn rất quan trọng, đó là sau 30 năm thành lập, từ chỗ chưa có tên trên bản đồ xếp hạng, năm 2022 ĐHQGHN đã vươn lên trong top 800 thế giới theo bảng xếp hảng QS và có tên tuổi và thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU. Cũng trong năm 2022, 6 lĩnh vực của ĐHQGHN đã lọt top 400-600 thế giới trong bảng xếp hạng QS: Toán học (351-400), Vật lý (401-500), 3 lĩnh vực Cơ kỹ thuật và Kỹ thuật điện – Điện tử, Kinh doanh và Khoa học Quản lý top 401-500, Khoa học Máy tính và hệ thống thông tin (501-600).
Lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ đi sau về trước, đã vươn lên ngoạn mục, xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2022.
Chỉ riêng 2 ĐHQG đã chiếm khoảng gần 25% công bố quốc tế ISI của cả nước.
ĐHQGHN có những nhà khoa học được thế giới xếp hạng cao, trong top các nhà khoa học có trích dẫn và ảnh hưởng hàng đầu của thế giới, của Việt Nam. Đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, đội ngũ cán bộ trí thức – nguồn nhân lực trình độ cao chính là tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của ĐHQGHN.
2022, sau nhiều năm ấp ủ, lần đầu tiên ĐHQGHN đưa sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công.
Và điểm nhấn sau cùng, là năm 2022, sau nhiều năm ấp ủ, lần đầu tiên ĐHQGHN đưa sinh viên lên Hòa Lạc học tập thành công. Ban Đào tạo và đội ngũ những người làm công tác đào tạo lại xắn tay vào triển khai kế hoạch tuyển sinh và tổ chức học tập, giảng dạy trên Hòa Lạc; xây dựng những ngành mới, mô hình đào tạo mới (như giáo dục toàn diện), để biến Hòa lạc thành lợi thế và tài nguyên cho sự phát triển của ĐHQGHN trong giai đoạn tới.
Năm 2022 đã có 2000 sinh viên ĐHQGHN học toàn thời gian trên Hòa Lạc, và dự kiến năm 2023 sẽ có 7000 sinh viên trên Hòa Lạc, trong đó sẽ có cả học sinh của trường THPT Khoa học giáo dục (HES).
Những thành tựu đó chứng minh sự đúng đắn và thành công của mô hình Đại học Quốc Gia, thực sự xứng đáng là “tập đoàn quân chủ lực”, là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.
Tự hào về những thành tựu mà các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ thầy và trò, các thế hệ cán bộ khoa học, giảng viên tài năng và tâm huyết, các GS, PGS, TSKH, TS – những trí thức ưu tú của ĐHQGHN và của nước nhà; các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầy trách nhiệm và nhiệt huyết của ĐHQGHN qua các thời kỳ đã đóng góp và đạt được trong 30 năm qua, đồng thời cũng nhận thức đầy đủ những cơ hội, cũng như những thách thức trong tình hình và bối cảnh mới.
Giáo dục đại học, trong đó có ĐHQG đang đứng trước những thách thức về tự chủ, về mô hình phát triển đại học, trường đại học (và mô hình trường đại học trong đại học, của chính 2 ĐHQG) trong bối cảnh mới.
Thách thức về sự phát triển vượt bậc và quy mô và chất lượng, CSVC; về công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; về chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đội ngũ; sự hội nhập với trình độ và chuẩn mực của quốc tế.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đang có những chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hữu hiệu để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học Việt nam và phát triển 2 ĐHQG lên tầm cao mới.
Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN đã chỉ đạo trong thời gian tới tập trung hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, trong hoạt động đào tạo tập trung vào nâng cao và mở rộng quy mô đào tạo các chương trình tài năng, chất lượng cao và các chương trình thuộc lĩnh vực kỹ thuật -công nghệ; triển khai mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên trên Hòa Lạc; triển khai đề án ” Thu hút và Đào tạo học sinh, sinh viên Miền Nam tại ĐHQGHN”; ưu tiên và tập trung nguồn lực cho đào tạo NCS và tiến sĩ trẻ, thu hút nhân tài; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc gia, quốc tế; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn để tạo nguồn nhân lực kế cận; thúc đẩy công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nâng cao ranking trong các bảng xếp hạng đại học; phát huy thế mạnh thống nhất và liên thông liên kết trong toàn ĐHQGHN; nâng cao khả năng thực hành, thực tập, thực tế, năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho sinh viên và qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho người học.
Nhân dịp 30 năm thành lập ĐHQGHN (1993-2023), nhìn lại một chặng đường.
Chúc ĐHQGHN ngày càng phát triển và hội nhập ngày càng mạnh mẽ với thế giới – được tự chủ cao và mạnh hơn nữa – luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cao nhất của Đảng, Nhà nước, của Bộ giáo dục Đào tạo và các bộ ngành và toàn xã hội để phát huy tối đa nội lực và thu hút tối đa các nguồn lực, luôn xứng đáng là đầu tàu đổi mới, là đại học hàng đầu, nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, đáp ứng mong mỏi của xã hội và nhân dân cả nước.
Trong số 13 nhà khoa học Việt có mặt trong danh sách xếp hạng của Research.com năm nay, lần đầu tiên có một cá nhân ở lĩnh vực xã hội nhân văn.
Website Research.com hôm 9/3 cập nhật kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố nghiên cứu. Việc xếp hạng các nhà khoa học hàng đầu trong nghiên cứu được Research.com thực hiện hàng năm, ở 24 lĩnh vực.
Năm nay 13 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng ở 7 lĩnh vực: Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật liệu, Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng và Khoa học xã hội và nhân văn.
Danh sách năm nay tăng thêm 3 (năm 2022 có 10 nhà khoa học) và mở rộng thêm lĩnh vực xếp hạng. Trong số này GS.TS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng là nhà khoa học đầu tiên ở lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (thuộc Y tế công cộng) vào bảng xếp hạng.
GS.TS Hoàng Văn Minh có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và kinh tế y tế. Ông là chuyên gia về lĩnh vực kinh tế y tế, phương pháp nghiên cứu khoa học và thống kê y học. Ông từng chủ nhiệm hơn 20 dự án nghiên cứu khoa học quốc gia hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Anh, Thụy Điển, Thụy Sỹ…
GS Minh công bố hơn 160 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có phản biện quốc tế trong đó nhiều công trình nghiên cứu đã áp dụng thành công vào thực tế, được Bộ Y tế đánh giá cao về tính hữu dụng cho sự phát triển của ngành.
Lĩnh vực Khoa học máy tính có PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội, được biết đến là nhà khoa học trẻ tài năng với những công trình nghiên cứu ứng dụng cao, được các công ty công nghệ trong và ngoài nước đón nhận. Trong số này có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng ở các nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italy, Đức…
PGS Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI. Trong bảng xếp hạng này, ông là gương mặt lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022, đồng thời được gắn huy hiệu “Rising Star” – ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới năm 2022.
TS Hoàng Nhật Đức, trường Đại học Duy Tân, công bố hơn 140 công trình, bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình thuộc danh mục ISI. TS Đức nhiều năm liền có mặt trong danh sách top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới năm 2021, 2022. Bảng xếp hạng còn có một người nước ngoài lấy tên địa chỉ trường ĐH Duy Tân.
Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ tiếp tục ghi danh GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Cơ học và vật liệu composite. Ông đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Bốn năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 và 2022 ông lọt vào top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. 3 nhà khoa học nước ngoài khác từ ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân cũng có mặt trong xếp hạng lĩnh vực này.
GS Nguyễn Đình Đức là nhà khoa học trong top 100 thế giới trong lĩnh vực Engineering năm ngoái 2022.
Lĩnh vực Khoa học Môi trường có GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh, đều từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Việt hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và An toàn thực phẩm, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh. Ông có hơn 100 công trình, bài báo công bố, sở hữu nhiều bằng sáng chế.
PGS.TS Từ Bình Minh là nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học. Chỉ trong hai năm 2019, 2020, nhóm nghiên cứu của ông đã công bố trên 20 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín, nhiều tạp chí trong số đó thuộc TOP 5% theo lĩnh vực chuyên sâu. Năm 2022, PGS Minh cũng vào top nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới.
Khoa học vật liệu có duy nhất GS Nguyễn Văn Hiếu, trường Đại học Phenikaa góp mặt trong danh sách. GS Hiếu sở hữu 165 công trình công bố trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó nhiều bài báo quốc tế giá trị với lượt trích dẫn cao. Ông là gương mặt quen thuộc trong các bảng xếp hạng nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới trong nhiều năm và cũng là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đứng top đầu trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu thế giới. Ông là giáo sư trẻ nhất ngành Vật lý Việt Nam (năm 2015) và sở hữu giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016.
Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ có 5 nhà khoa học Việt được vinh danh, gồm: GS.TS Nguyễn Xuân Hùng và TS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP HCM); PGS Nguyễn Thời Trung (Đại học Văn Lang), PGS Thái Hoàng Chiến (Đại học Tôn Đức Thắng), và PGS Bùi Quốc Tính (Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản).
Trong đó, PGS Bùi Quốc Tính là gương mặt mới vào danh sách năm nay. Anh được biết đến là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng JACM 2018 của Hiệp hội Cơ học tính toán Nhật Bản, vinh danh nhà khoa học tuổi không quá 40 có nhiều đóng góp và thành tích nghiên cứu xuất sắc. PGS Bùi Quốc Tính là tác giả và đồng tác giả của 117 công trình khoa học đăng trên tạp chí uy tín quốc tế thuộc hệ thống ISI. TS Tính bảo vệ luận án tiến sĩ kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo năm 2009, từng nhiều năm công tác tại Bỉ, Áo, Pháp và Đức. Anh giảng dạy tại Nhật Bản từ năm 2014 và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Y học cộng đồng có PGS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội. Anh trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 năm 2016. PGS Bách có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu. Năm 2022, PGS Bách là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 3), được gắn huy hiệu “Rising Star” – ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới.
Với đợt xếp hạng lần này, Research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới. Vị trí một nhà khoa học trong bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên chỉ số D-index, chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể, tỷ lệ đóng góp trong lĩnh vực nhất định, bên cạnh các giải thưởng và thành tựu của họ.
Research.com cho biết, họ cũng đối chiếu chéo và kiểm định từng nhà khoa học thông qua một số tiêu chí phụ khác như số lượng bài báo tại các tạp chí lớn, kỷ yếu hội nghị để xem xét các đóng góp của họ trong một số chuyên ngành nhất định. Bảng xếp hạng không mang ý nghĩa thước đo thứ hạng/vị trí nhà khoa học, qua đó để thấy tầm ảnh hưởng và đóng góp trong lĩnh vực họ đang theo đuổi.
Research.com là cổng thông tin điện tử dành cho các nhà khoa học thế giới, được điều phối chính bởi GS Imed Bouchrika, một nhà khoa học dữ liệu. Research.com nghiên cứu về các xếp hạng trong cộng đồng học thuật, với nhiều bảng xếp hạng khác nhau như nhà khoa học xuất sắc, hội nghị, tạp chí tốt nhất và trường đại học hàng đầu.
Ngày 11/01/2023, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2023 để đánh giá những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch năm vừa qua.
Trong khuôn khổ hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN đã được trao Huân chương Lao động hạng nhì. Đây là minh chứng cho sự tận tâm, nỗ lực và đóng góp của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhiều thế hệ sinh viên, học viên, NCS. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng là một trong những nhà khoa học Việt được vinh danh trên thế giới với những nghiên cứu có tính cải tiến và sáng tạo. Huân chương này là sự ghi nhận cho những đóng góp của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trong giai đoạn qua.
Với hoàn cảnh đội ngũ, cơ sở vật chất và tiềm lực khoa học công nghệ của Việt Nam như hiện nay thì không nên thành lập thêm nhiều đại học mà hãy phát triển thành các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực một cách thực chất và hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ đại học để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với chuẩn mực và trình độ, chất lượng quốc tế…
Vừa qua, dư luận xã hội rộ lên và xôn xao về việc “trường Đại học Bách Khoa Hà Nội” nâng cấp và đổi tên thành “Đại học Bách Khoa Hà Nội”. Là người gắn bó nhiều năm và trưởng thành từ Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức có những chia sẻ về mô hình này.
Mong tiếp tục đổi mới Luật Giáo dục đại học
Năm 1993, từ tâm huyết và tầm nhìn xa trông rộng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và chủ trương cũng như quyết tâm của Bộ chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập với mục tiêu thành một Đại học có quyền tự chủ cao nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, có sứ mệnh làm nòng cột, tiên phong và đầu tàu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học của nước nhà.
Đại học Quốc gia Hà nội (ĐHQGHN) được thành lập trên cơ sở từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ban đầu có cả trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng sau đó đã lại tách ra). ĐHQGHN là Vietnam National University Hanoi, và các trường thành viên là các College. Giám đốc được quy định dịch ra tiếng Anh là President, hiệu trưởng các trường thành viên quy định dịch ra tiếng Anh là Rector.
Lưu ý là ĐHQGHN và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM) vận hành theo mô hình khác nhau. ĐHQG TPHCM theo mô hình tổ hợp một cách cơ học các trường đại học thành viên gộp lại mà thành. ĐHQGHN có sự cơ cấu lại, sử dụng chung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, với cơ chế liên thông liên kết giữa các đơn vị, mô hình a +b (một trường này tồn tại và phát triển có sự đóng góp liên thông và hỗ trợ của các trường khác), và nhờ vận hành theo mô hình “one VNU” này, ĐHQGHN đã phát huy được sức mạnh của các đơn vị thành viên, phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Đặc biệt bên cạnh các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và y dược của ĐHQGHN đã được xây dựng, khẳng định và phát triển vượt bậc. Năm 2022, lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ của ĐHQGHN đã vươn lên xếp hạng thứ 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS.
Năm 2012, Luật giáo dục Đại học (GDĐH) ra đời. Một điểm mới là lần đầu tiên đã đưa khái niệm Đại học Quốc Gia và Đại học vùng vào Luật – được quy định là để các đại học này thực hiện sứ mệnh của quốc gia và của vùng.
Quy chế tổ chức hoạt động của Đại học Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định. Còn quy chế tổ chức và hoạt động của các Đại học vùng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Riêng về vai trò, sứ mệnh và vị trí của 2 Đại học Quốc gia còn được ghi nhận thành hẳn 1 Điều trong Luật.
Nhưng trong Luật GDĐH 2012 cũng lần đầu tiên quy định rằng trong Đại học có các trường đại học thành viên. Cả Đại học và trường đại học đều do Thủ tướng ký quyết định thành lập.
Từ đó, chính thức ở nước ta có mô hình được nước ngoài hiểu nôm na là “trường đại học trong trường đại học”. Giám đốc Đại học là President. Hiệu trưởng các trường thành viên cũng thành President. Và đã có lần trong Hội nghị quốc tế, Phó Giám đốc ĐHQG là Vice-President được Ban tổ chức xếp ngồi hang dưới các Hiệu trưởng – President.
Luật GDĐH 2018 lại “mạnh dạn” đổi mới hơn nữa. Ngoài khái niệm Đại học Quốc gia và các Đại học vùng, còn đưa vào Luật việc có thể thành lập thêm nhiều Đại học khác (nếu đáp ứng một số điều kiện).
Theo Luật là trường đại học là cơ sở giáo dục đại học có nhiều ngành, còn đại học là có nhiều lĩnh vực. Riêng định nghĩa này cũng đã là việc phải bàn lại. Vì như trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, bao gồm nhiều khoa, với các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Xã hội Nhân văn, Kinh tế, Luật – đâu cần có nhiều trường thành viên – rõ ràng đã là một Đại học.
Và hệ quả là, từ Luật GDĐH sửa đổi 2018, mới đây trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Và một số trường đại học khác cũng hăng hái tuyên bố tiếp tục sẽ trở thành các Đại học. Với những người quản lý giáo dục thì hiểu sự khác nhau giữa Đại học và trường đại học, còn tuyệt đại đa số xã hội thấy bất ngờ và ngạc nhiên.
Mâu thuẫn sẽ tồn tại trong sự thống nhất
Từ trước đến nay, khái niệm trường đại học và Đại học được nhân dân và ngôn ngữ tiếng Việt đã hiểu và đồng hóa làm một, ở một khía cạnh nào đó, đều là “trường đại học” cả. Diễn đạt trong Luật tưởng như rành mạch về định nghĩa, nhưng lại sử dụng từ trùng lặp đã có trước đó và tồn tại hiện hữu trong dân gian, gây ra sự khó hiểu trong xã hội và Luật rõ ràng chưa tính đến điều này.
Hơn nữa, một điểm mới trong Luật 2018 là đưa vào khái niệm Tự chủ đại học. Và đối chiếu với các quy định để tự chủ như hiện nay, thì các trường đại học thành viên dễ thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn là đại học – và khi đó sẽ có nhiều quyền hơn cả đại học.
Nếu không cẩn thận, mâu thuẫn sẽ tồn tại trong sự thống nhất. Tự chủ các trường thành viên càng mạnh thì mâu thuẫn này càng lớn. Các đại học, trong đó kể cả 2 Đại học Quốc gia, nếu không tập hợp và tập trung được lực lượng để chỉ đạo điều hành thống nhất, sẽ không còn sức mạnh tập trung.
Với mô hình đại học 2 cấp, cái rất cần thiết là tăng quyền tự chủ mạnh hơn nữa cho Đại học. Việc áp dụng các mô hình và kinh nghiệm của nước ngoài là cần thiết, nhưng không có nghĩa ở nước ngoài có là áp dụng ngay ở Việt Nam. Cần có nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp và hiệu quả, có cơ sở khoa học, và nhất và cơ sở thực tiễn.
Chỉ 2 điều trên đây, đủ thấy giáo dục đại học của chúng ta đã có biết bao nỗ lực để đổi mới, và đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn vô cùng lúng túng, đôi khi thiếu thực tiễn và thiếu tư duy hệ thống.
Nếu cứ để như thế này sẽ chỉ thấy có thêm nhiều “đại học”, thêm nhiều “trường đại học” mới, và kéo theo sẽ có thêm nhiều vị có chức danh Giám đốc đại học, Hiệu trưởng các trường đại học – nhưng giáo dục đại học của chúng ta vẫn không tiến lên phía trước.
Năm 2022, không có đại học lớn nào của Việt Nam tăng hạng. Thậm chí một số đại học lớn đã bắt đầu tụt hạng.
Cho nên việc Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa rồi tuyên bố không thành lập các trường đại học thành viên là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt.
Xem ra mô hình ban đầu như các bậc tiền bối thành lập Đại học Quốc Gia: University và các College là chuẩn nhất và có tính hệ thống, phù hợp nhất.
Với hoàn cảnh đội ngũ, cơ sở vật chất và tiềm lực KHCN của Việt Nam như hiện nay, cá nhân tôi không ủng hộ và cổ súy cho việc thành lập thêm nhiều đại học. Mà hãy phát triển thành các trường đại học đa ngành đa lĩnh vực một cách thực chất và hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ đại học để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập với chuẩn mực và trình độ, chất lượng quốc tế – đây mới là triết lý bất di bất dịch và là những nội dung cấp thiết nhất của đổi mới giáo dục đại học hiện nay.
Ngày 09/12/2022, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn Công ty Shiohama Kogyo (Nhật Bản) gồm ông Matsutani Shinichiro – Giám đốc điều hành; ông Kitabata Koudai – Phụ trách Bộ phận phát triển nhân lực và ông Hamada Hiroshi – Giám đốc Công ty TNHH Mrs System (Nhật Bản).
Tham dự tiếp đoàn có GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN; TS. Nguyễn Ngọc An – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT cùng cán bộ khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông.
Công ty Shiohama Kogyo, trụ sở chính ở Tokyo (Nhật Bản) với vai trò hỗ trợ, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực công trình xây dựng. Công ty tập trung chủ yếu xây dựng, thiết kế các loại kho bãi trong chuỗi cung ứng, ngoài ra công ty cũng tham gia cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng khác như cầu đường, đường hầm, nút cắt giao thông trên đường cao tốc.
Tại buổi làm việc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức gửi lời cảm ơn đến công ty khi chọn Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông và Trường ĐH Công nghệ là một trong những đối tác hợp tác tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp làm việc tại Nhật Bản. Sinh viên Khoa với những thế mạnh về các lĩnh vực đào tạo và nền tảng kiến thức công nghệ thông tin, toán học, xây dựng nên được đánh giá cao khi thực tập tại các công ty về lĩnh vực xây dựng giao thông. Đồng thời, Khoa còn hợp tác triển khai các hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực xây dựng – giao thông với Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam; Tổng Công ty CONICO; FACON; Tập đoàn Trường Thành, Đèo Cả, Công ty Shimizu (Nhật Bản),…
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phát biểu tại buổi làm việc
Ông Matsutani Shinichiro đã đề xuất những hướng hợp tác với Khoa trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng. Đặc biệt, hai bên sẽ tiến tới ký kết hợp tác trong lĩnh vực tuyển dụng sinh viên làm việc tại Nhật Bản.
Hợp tác đào tạo, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đang là một trong những hướng đi chiến lược của Trường ĐH Công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đảm bảo đầu ra và tìm kiếm các cơ hội tốt nhất cho sinh viên. Sau đề xuất của Công ty, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức mong muốn Khoa sẽ có thêm sự hỗ trợ của Công ty trong công tác xây dựng chương trình đào tạo, học bổng, giảng dạy cho sinh viên Khoa để tiến tới hợp tác lâu dài.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc này, đoàn công tác đã có dịp được gặp gỡ và tham dự buổi bảo vệ tốt nghiệp của Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông. Sau khi tham dự, đoàn công tác đánh giá cao đề tài, hướng nghiên cứu của sinh viên và tin tưởng rằng sự hợp tác trong tuyển dụng giữa Nhà trường với Công ty sẽ là tiền đề cho những hợp tác chất lượng trong tương lai.
Đoàn công tác đã có dịp được gặp gỡ và tham dự buổi bảo vệ tốt nghiệp của Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông
Ngày 02/12/2022, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ đã ký quyết định số 1204/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông trực thuộc Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông được thành lập vào năm 2018 theo sáng kiến và đề xuất của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Trước đó vào năm 2017, Nhà trường đã bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành kỹ sư Công nghệ kỹ thuật – xây dựng. Trải qua 5 năm xây dựng, Bộ môn đã phát triển về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về công tác đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh khóa I từ 60 sinh viên tăng lên 120 sinh viên, quy mô đào tạo hiện nay hơn 450 sinh viên, hoàn chỉnh các bậc đào tạo từ kỹ sư đến thạc sỹ và tiến sỹ. Điểm đầu vào ngành kỹ thuật xây dựng của Bộ môn luôn có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước trong khối ngành xây dựng – giao thông. Đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao với tỷ lệ công bố quốc tế ISI/scopus đạt trung bình 2 bài/1 giảng viên/năm. Phát huy thế mạnh của Trường ĐH Công nghệ về công nghệ thông tin, điện tử – vi cơ điện tử, cơ học kỹ thuật, từ những ngày đầu thành lập, Bộ môn đã xây dựng và cập nhật những môn học hiện đại như công nghệ mới trong xây dựng – giao thông, thiết kế hệ thống, phát triển bền vững,… gần đây nhất là Bộ môn đã bổ sung thêm các môn học như: các công nghệ xây dựng hiện đại, BIM, trí tuệ nhân tạo trong Xây dựng Giao thông, phát triển bền vững,… góp phần tạo đà và nền tảng thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông có đặc sắc như hiện nay.
Lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ và GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức tại lễ trao Quyết định thành lập Bộ môn năm 2018
Với những môn học hiện đại, nghiên cứu khoa học chất lượng, Bộ môn đã tăng cường hợp tác phát triển đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, giúp sinh viên tăng cường trải nghiệm thực tiễn và hỗ trợ hướng nghiệp, việc làm trong tương lai, đồng thời Bộ môn còn hợp tác triển khai các hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực xây dựng – giao thông với Viện Khoa học công nghệ xây dựng Việt Nam; Tổng Công ty CONICO; FACON; Tập đoàn Trường Thành, Đào Cả, Công ty Shimizu (Nhật Bản),…Với sự hiện diện của ngành đào tạo và Bộ môn, năm 2021, trường ĐH Công nghệ đã tham gia và là thành viên của Câu lạc bộ khối các trường đào tạo ngành xây dựng và kiến trúc.
GS Nguyễn Đình Đức tại lễ ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ khối các trường đào tạo ngành xây dựng và kiến trúc năm 2021
Trong 5 năm qua ,Bộ môn cũng đã triển khai hợp tác hiệu quả với trường đại học lớn của thế giới như ĐH Tổng hợp Melbourne (Úc), ĐH Tổng hợp Birmingham (Vương Quốc Anh); ĐH Tokyo, ĐH Tsukuba (Nhật Bản); ĐH Yonsei và ĐH Sejong của Hàn Quốc, chương trình ERAMUS+ của Pháp và cộng đồng châu Âu,…
Bộ môn có nhiều hợp tác về đào tạo, nghiên cứu đối với Tổng Công ty CONICO
Sinh viên Bộ môn được trải nghiệm thực tế, hỗ trợ hướng nghiệp và việc làm trong tương lai
Sự nỗ lực trong suốt 5 năm qua của giảng viên và sinh viên Bộ môn đã được ghi dấu ấn khi nhóm sinh viên Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào vòng chung kết và đạt giải thưởng tại cuộc thi quốc tế về thiết kế sử dụng phần mềm BIM được tổ chức bởi công ty FORUM 8, diễn ra tại Nhật Bản năm 2022.
Đến nay với sự phát triển về đào tạo và nghiên cứu của Bộ môn, việc thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông trên cơ sở Bộ môn trực thuộc trường đã chin muồi và là điều thiết yếu. Từ đó, Khoa sẽ giúp Trường triển khai vận hành chương trình đào tạo công nghệ xây dựng – giao thông theo mô hình hiện đại đáp ứng yêu cầu và sứ mệnh đào tạo nhân tài, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, theo phương châm đổi mới sáng tạo, học gắn với nghiên cứu, với thực tiễn và khởi nghiệp.
Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông được thành lập sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xây dựng – giao thông, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình, giao thông theo hướng hiện đại – phát triển xanh – thông minh – bền vững, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước trong xu thế cuộc CMCN 4.0. Trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực Civil Engineering từ nay có tên của Trường ĐH Công nghệ và ĐHQGHN.
Với mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2025 “Trở thành đơn vị mạnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ xây dựng, giao thông, đô thị dựa trên thế mạnh về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ học kỹ thuật và tự động hóa, vật lý kỹ thuật, công nghệ nano, công nghệ sinh học của Trường ĐH Công nghệ và các thế mạnh liên ngành, liên lĩnh vực của ĐHQGHN”, Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông ra đời là sự kiện và dấu ấn quan trọng của trường ĐH Công nghệ và ĐHQGHN.
Ngày hôm nay, 02-12-2022, đúng ngày khai mạc Hội nghị Cơ học Toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Hội Cơ học Việt Nam, kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Cơ học Việt Nam (1982-2022) và 85 năm ngày sinh GS.VS Nguyễn Văn Đạo, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ đã ký quyết định số 1204/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng-Giao thông trực thuộc trường ĐH Công nghệ.
Vậy là mơ ước và công sức bao nhiêu năm nay, tôi ấp ủ từ 2008 khi còn làm Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ đã thành hiện thực.
GS. TSKH. Nguyễn Đình Đức
Ngành Cơ học là nền tảng của Kỹ thuật Công nghệ, nhưng làm gì có Bộ cơ? Khoa học muốn phát triển, ngành Cơ muốn phát triển phải gắn với thực tiễn, gắn với các bộ ngành cụ thể, phải giải quyết được các vấn đề của Khoa học và Thực tiễn đề ra. Với tên gọi Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông (tiếng anh ngắn gọn là Civil Engineering), các lĩnh vực nghiên cứu sẽ định hướng gắn chặt với 2 ngành lớn nhất của đất nước là Xây dựng và Giao thông. Sự kiện này mở ra một con đường thênh thang cho sự phát triển của lĩnh vực, phục vụ tốt nhu cầu của thực tiễn.
Mặc dù được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Bộ môn trực thuộc trường lên Khoa, nhưng qua 5 năm phát triển, đến nay đã có quy mô đào tạo 500 sinh viên/năm (chỉ tiêu tuyên sinh 100 kỹ sư/năm), hoàn chỉnh các bậc đào tạo ThS, TS; và là đơn vị công bố quốc tế mạnh nhất trường ĐHCN cả về số lượng và chất lượng. Khoa cũng đã xây dựng được PTN hiện đại trên Hòa Lạc, là cơ sở để thực hành, nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao. Ngay từ khi thành lập ĐH Đông Dương năm 1906, tiền thân của ĐHQGHN ngày nay, lúc đó đã có 5 Khoa, trong đó có School of Civil Engineering.
Dạt dào cảm xúc và biết bao xúc động là cảm xúc chung của Thầy và Trò Khoa Công nghệ Xây dựng-Giao thông trực thuộc trường ĐH Công nghệ. Xin cảm ơn Lãnh đạo ĐHQGHN, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ đã ủng hộ, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho ra đời Khoa mới này.
Tin tưởng một điều chắc chắn với vị thế mới, Khoa sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xứng đáng và hiệu quả trong sự nghiệp đào tạo nhân lực CLC, trình độ cao trong lĩnh vực Civil Engineering cho đất nước và cho ngành Xây dựng và Giao thông; đóng góp xứng đáng vào sự lớn mạnh và phát triển của ĐH Công nghệ cũng như của ĐHQGHN, và của cả ngành Cơ học của Việt Nam.