Quả ngọt từ những hạt nhân
Ngay từ khi về nước năm 2002, GS Nguyễn Đình Đức đã có nhóm nghiên cứu riêng. GS Nguyễn Đình Đức cho biết, trọng tâm nghiên cứu chuyên sâu và thế mạnh của nhóm nghiên cứu của ông là các lĩnh vực: composite, vật liệu chức năng FGM và vật liệu nano. Nhóm đang tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực Cơ học kỹ thuật, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, tối ưu hóa, tự động hóa và deep learning.
“Ban đầu nhóm nghiên cứu chỉ có tôi và một vài học trò. Một mặt tôi giảng dạy kiến thức cho các em, mặt khác tôi động viên tinh thần, quan tâm tới đời sống của mỗi em để các em yên tâm tiếp cận môi trường nghiên cứu khoa học vốn cần nhiều thử thách về lòng kiên trì. Bên cạnh việc truyền tải tri thức còn là sự miệt mài và đồng hành cùng với các em trong những điều kiện hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên nhau, người thầy thì định hướng, dìu dắt; học trò có sức trẻ thì miệt mài. Có nhiều đêm 1- 2 giờ sáng thầy trò vẫn còn trao đổi, thảo luận về đề tài chưa ngã ngũ”
GS Nguyễn Đình Đức nhớ lại.
Các học trò say sưa nghiên cứu khoa học dưới sự dìu dắt tận tình của GS Nguyễn Đình Đức. Ảnh: NVCC
|
Không phụ những nỗ lực bền bỉ và vượt lên hoàn cảnh ấy, các kết quả nghiên cứu của thầy và trò GS Nguyễn Đình Đức liên tục được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín với hàng trăm bài báo. Theo giới chuyên môn, con số công bố quốc tế này còn nhiều và xuất sắc hơn cả nghiên cứu sinh được du học và đào tạo ở nước ngoài. Học trò đến với GS Nguyễn Đình Đức ngày một nhiều hơn, tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới và có tiếng trong giới nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước.
Điều đáng nói, điểm tên những học trò thành danh của GS Nguyễn Đình Đức, đa số các em đều ở tỉnh xa, xuất thân từ những gia đình nghèo, học lực năm đầu tiên của nhiều em chỉ ở mức khá, nhưng được thầy dìu dắt, tận tâm chỉ bảo, các em đã vươn lên, tài năng được thắp sáng. Đó là các em như Hoàng Văn Tùng quê ở Ninh Bình, từ nhỏ chỉ sống với mẹ và gia đình thuộc diện khó khăn nhất xã; Trần Quốc Quân, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh – bố ốm đau bệnh tật, mẹ làm nông nghiệp, nhiều lúc tưởng phải bỏ cuộc nghiên cứu khoa học nửa chừng; Phạm Hồng Công, mồ côi bố từ bé. Tôi nhìn thấy ở các em hoài bão vươn tới những trí thức mới, niềm khao khát học tập và sự kiên trì, bền bỉ. Họ đều trở thành những người thành danh trong giới nghiên cứu khoa học trẻ.
TS Trần Quốc Quân (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội)- chàng trai 9X có nhiều bài báo quốc tế được công bố trên tạp chí ISI- chia sẻ: “Những ngày đầu bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học còn gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều lúc tưởng chừng bế tắc khiến tôi nản chí và muốn bỏ cuộc. Chính thầy là người đã động viên, giúp đỡ để tôi có thể có thêm động lực vượt qua tất cả để đạt được những kết quả ngày hôm nay. Thời gian khó khăn nhất của tôi là lúc chuẩn bị ra trường, trước nhiều lựa chọn cho tương lai của mình, tôi rất phân vân và trăn trở. Khi đến chia sẻ với thầy và xin ý kiến tôi đã nhận được những góp ý chân thành và đưa ra quyết định chính xác nhất. Đến giờ tôi vẫn luôn biết ơn thầy vì điều đó”.
Còn PGS TS Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Tôi nhận thấy sự gắn bó gần gũi giữa thầy và các học trò, giữa nghiên cứu sinh khóa trước với các bạn khóa sau, cùng hỗ trợ nhau trong nghiên cứu và chia sẻ cả các vấn đề trong cuộc sống của nhóm nghiên cứu GS Nguyễn Đình Đức. Ngoài sự đam mê khoa học và yêu cầu khắt khe về công việc, GS Đức còn đặc biệt ở sự tận tình, bên cạnh vai trò người thầy thì như một người anh cả, một phụ huynh để chăm lo cho toàn nhóm nghiên cứu. Có lẽ đây là một điểm rất đáng trân trọng ở GS Đức. Nhờ đó mà nhóm nghiên cứu duy trì ổn định, tạo ra một cộng đồng giúp đỡ nhau, động viên nhau bền bỉ trong nghiên cứu và giảng dạy”.
Đến phát triển phòng thí nghiệm tầm quốc tế
Từ một nhóm nghiên cứu của mình, GS Nguyễn Đình Đức đã thành lập phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội). Đây là sự kết hợp giữa hai mô hình: Tổ bộ môn (đào tạo đầy đủ các bậc từ kỹ sư, thạc sĩ đến tiến sĩ) và mô hình phòng thí nghiệm (triển khai các nghiên cứu khoa học với các thiết bị hiện đại), thu hút hàng chục học viên cao học và nghiên cứu sinh từ khắp mọi miền của đất nước và cả ở nước ngoài đến trao đổi, sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu và học tập.
GS Nguyễn Đình Đức được mời trình bày báo cáo tại phiên toàn thể của Hội nghị quốc tế – tổ chức tại Hàn Quốc, 2017. Ảnh: NVCC
|
Đánh giá về sự phát triển của Phòng thí nghiệm Vật liệu và kết cấu tiên tiến (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, PGS TS Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ cho biết: Phòng thí nghiệm Vật liệu và kết cấu tiên tiến (PTN) triển khai các hướng nghiên cứu hiện đại, có tính liên ngành giữa cơ học, khoa học vật liệu và môi trường và các lĩnh vực khác, bắt nhịp với xu hướng hiện đại và liên ngành của công nghiệp 4.0. Kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm đã công bố trên nhiều tạp chí quốc tế có uy tín, có chỉ số trích dẫn cao. Đồng thời đón tiếp nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín của nước ngoài đến trao đổi và hợp tác, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo quốc tế cũng như có hợp tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp để đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Năm 2016, Phòng thí nghiệm đã được Cục sở sữu trí tuệ cấp Bằng Giải pháp hữu ích.
“Những kết quả của PTN đạt được có vai trò dẫn dắt rất quan trọng của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức. GS Nguyễn Đình Đức là một trong những nhà khoa học đầu ngành, vừa có chuyên môn chuyên sâu, vừa tâm huyết, đồng thời có các mối quan hệ hợp tác hiệu quả để xây dựng nhóm nghiên cứu và phát triển Phòng thí nghiệm. Sự thành công của PTN vừa là điểm sáng về nghiên cứu vừa là động lực thúc đẩy và có tác động tích cực đến hoạt động nghiên cứu chung của Trường Đại học Công nghệ”, PGS TS Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của GS Nguyễn Đình Đức trong nghiên cứu, ứng dụng cũng như trong đào tạo nhân tài cho thấy vai trò quan trọng của việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu và hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học để giải quyết các vấn đề thực tiễn của Việt Nam và vươn tầm ra thế giới. Những trí thức trẻ được đào tạo bài bản và trưởng thành trong các phòng thí nghiệm “made in Vietnam” 100% với tầm vóc và kết quả nghiên cứu như vậy sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Những phòng thí nghiệm và nhóm nghiên cứu như của GS Nguyễn Đình Đức và các học trò – thành tài vươn lên từ khó khăn, bằng nội lực chính là những tấm gương, điểm sáng tiêu biểu cho thành công của giáo dục đại học Việt Nam.