(Dân trí) – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, các nhà khoa học Việt Nam xếp hạng không thua kém các nhà khoa học nước ngoài, trong đó đánh dấu nhiều gương mặt trẻ.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo – ĐHQGHN đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Hiện nay, GS Đức là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, tham gia hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế ISI.
Tháng 10/2021, tạp chí PLoS Biology đã công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus. Tác giả của bảng xếp hạng này là các giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ).
Trong bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021.
Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tiếp tục đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam, xếp hạng 5949 thế giới, và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực Engineering.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức về câu chuyện khoa học, về cơ chế để nền khoa học Việt Nam phát triển xứng tầm.
Đã từng đoạt giải thưởng “Nhân tài đất Việt” về sản phẩm có định hướng ứng dụng
Chúc mừng ông khi vào top 100.000 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực Engineering. Ban tổ chức họ ghi nhận các công trình nghiên cứu của ông ở hướng nào?
– Sau khi nhận được thông tin tôi hoàn toàn bất ngờ vì thực sự làm khoa học không ai nghĩ đến việc để xếp hạng. Những kết quả đánh giá này của thế giới là sự ghi nhận khách quan những đóng góp và kết quả làm việc miệt mài và bền bỉ của tôi trong suốt gần 40 năm qua và nhóm nghiên cứu. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và khích lệ rất lớn cho tôi, cho nhóm nghiên cứu và các thế hệ học trò vững tin vào con đường khoa học và những hướng nghiên cứu mà mình đã chọn, tự tin sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế, và cũng là niềm vui và tự hào của ĐHQGHN nói riêng và lĩnh vực Engineering của Việt Nam nói chung.
Các công trình khoa học của tôi định hướng nghiên cứu về các vật liệu và kết cấu tiên tiến, thông minh, các vật liệu chức năng và vật liệu nano có cơ lý tính biến đổi, vật liệu auxetic,… Đây là những hướng nghiên cứu hiện đại, có định hướng ứng dụng cao và được cộng đồng khoa học trên thế giới rất quan tâm.
Bảng xếp hạng này không dựa thuần túy vào số lượng được trích dẫn. Vì nếu dựa vào chỉ số này thì của tôi thấp hơn so với nhiều đồng nghiệp khác.
Các tiêu chí dùng để xếp hạng các nhà khoa học gồm tổ hợp (composite score) của các tham số như: chỉ số ảnh hưởng của nhà khoa học trong lĩnh vực và cộng đồng khoa học, tổng số trích dẫn, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất, số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính và tác giả cuối cùng,…
Hiện nay, tôi cũng tham gia hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế ISI có uy tín và được mời báo cáo tại phiên toàn thể của nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế.
Các công trình nghiên cứu của ông đã giải quyết như thế nào trong thực tế?
– Các nghiên cứu về vật liệu composite siêu bền nhiệt carbon-cacrbon của tôi có định hướng ứng dụng trong việc tính toán thiết kế và đảm bảo an toàn cho thân vỏ động cơ tên lửa. Vật liệu nano composite nhiều pha với các hạt nano được ứng dụng để chống thấm trong đóng tàu bằng composite, chế tạo các vật liệu chống chịu các điều kiện khắc nghiệt cũng như vật liệu làm tăng khả năng chuyển đổi năng lượng từ nhiệt sang điện trong các tấm pin mặt trời.
Vật liệu auxetic để giảm chấn, bảo vệ các kết cấu công trình chịu các tải trọng nổ, mô phỏng các vật liệu mới pentagraphin có khả năng lưu trữ thông tin lớn như não bộ của con người,..
Tôi đã có một bằng phát minh, một bằng sáng chế. Các nghiên cứu của tôi và tập thể các nhà khoa học về hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ dẫn đường các phương tiện chuyển động có điều khiển đã được giải thưởng “Nhân tài đất Việt” do Báo điện tử Dân trí tổ chức về sản phẩm có định hướng ứng dụng.
Công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN
Thưa giáo sư, đến thời điểm này, đội ngũ khoa học nhà Việt Nam được thế giới ghi nhận so với thế giới như thế nào? về số lượng và chất lượng?
– Theo bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong năm 2021.
So với mọi năm thì năm nay số lượng nhà khoa học người Việt Nam (bao gồm cả trong nước, việt kiều) có tên trong bảng xếp hạng này tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt nam.
Nếu cách đây 15-20 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng gần như cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á thì theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia), đứng thứ 49 trên thế giới.
Trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam lọt top thế giới đã đánh dấu nhiều gương mặt các nhà khoa học trẻ. Đây có phải là bước tiến mới cho nhà khoa học trẻ Việt Nam?
– Số lượng nhà khoa học “made in Vietnam” trong top 10.000 mới có 3 và mới chỉ có 28 người trong top 100.000 – một con số còn rất khiêm tốn nhưng so với năm trước thì đã là một bước tiến vượt bậc.
Nếu nhìn danh sách ngoài top 100.000, có thể thấy năm nay đã có thêm nhiều gương mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học trong nước đã lọt top 2% (xếp hạng từ 100.001-200.000).
Điều này cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt nam. Khi chúng ta quan tâm và triển khai nhiều chính sách cho KHCN, trong đó có đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại, hỗ trợ công bố quốc tế và các nhà khoa học trẻ, đặc biệt đưa ra các yêu cầu về công bố quốc tế với các luận án tiến sĩ cũng như nâng cao tiêu chuẩn với các chức danh GS, PGS đã có hiệu quả rất tích cực.
Cần có một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục đại học
Như đã trao đổi với ông nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn trước, ông cho rằng, chế độ đãi ngộ nhà khoa học Việt Nam hiện nay chưa xứng tầm, vì sao vậy? đâu là nút thắt? và giải quyết vấn đề này như thế nào?
– Nếu so mức đầu tư cho một nhóm nghiên cứu có năng suất công bố quốc tế và hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tương đương nhau, thì các nhóm nghiên cứu của Việt Nam có mức đầu tư quá thấp so với thế giới.
Các nhà khoa học Việt Nam xếp hạng không thua kém các nhà khoa học nước ngoài, nhưng lương thì thấp hơn rất nhiều. Tỷ lệ đầu tư cho KHCN của Việt Nam mới đạt khoảng 0,6% GDP, cũng rất thấp so với thế giới. Đầu tư cho KHCN chưa xứng tầm với vai trò là động lực cho sự phát triển của đất nước.
Để có nguồn lực đầu tư cho KHCN và thu hút nhân tài, trọng dụng và đãi ngộ các nhà khoa học xuất sắc thì trường đại học phải có nguồn lực.
Muốn vậy, phải có một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục đại học. Các trường đại học phải đẩy nhanh quá trình tự chủ, tích cực hơn nữa hợp tác với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần đi đôi với kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo để có cơ sở thu học phí theo định mức kinh tế kỹ thuật tương xứng cho từng ngành.
Như vậy, các trường đại học cần phải làm gì để thúc đẩy sáng tạo và thúc đẩy giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học?
– Trước hết, để thúc đẩy giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học thì người thầy phải là tấm gương say mê khoa học. Người thầy phải dìu dắt, truyền cảm hứng và thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, đam mê sáng tạo cho các em sinh viên.
Các trường đại học cần quan tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nhà trường, đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu và đặc biệt cần quan tâm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học để tập hợp và thu hút các bạn trẻ tham gia.
Làm thế nào để các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam không để “ngăn kéo”, thưa ông? Chìa khóa nào để đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào thực tế?
– Để kết quả nghiên cứu không vào “ngăn kéo” thì phải có sự đồng hành của doanh nghiệp theo mô hình 4 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà khoa học và Doanh nghiệp.
Đồng thời, phải đổi mới cách thức giao và đặt hàng các đề tài khoa học. Các nhiệm vụ KHCN phải đặt mục tiêu hướng tới thực tiễn, phục vụ thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ các nhà khoa học đăng ký phát minh sáng chế và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Mô hình của một trường đại học tiên tiến trong thời đại CMCN 4.0 sẽ có 3 cấu phần chính là: Nghiên cứu, Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo (Innovation). Việc đồng hành cùng doanh nghiệp và thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ là động lực và chìa khóa để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế.
Xin trân trọng cám ơn GS!