GDVN- Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering.
LTS: Tháng 10/2021, tạp chí PLoS Biology đã công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus. Tác giả của bảng xếp hạng này là các Giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ).
Các tiêu chí dùng để xếp hạng các nhà khoa học gồm có: chỉ số ảnh hưởng của nhà khoa học trong lĩnh vực và cộng đồng khoa học, tổng số trích dẫn, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất; số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính và tác giả cuối cùng.
Theo bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021. Đặc biệt, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức xung quanh sự kiện trên.
Phóng viên: Xin chúc mừng Giáo sư được vinh danh trong top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering. Giáo sư có thể chia sẻ về quy trình đánh giá xếp hạng bình chọn danh sách các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đây là nghiên cứu độc lập của nhóm tác giả về trắc lượng khoa học có uy tín của Đại học Stanford của Hoa Kỳ. Các tiêu chí đánh giá ở bảng xếp hạng này được xem xét khá toàn diện dựa trên sự xem xét và tổ hợp (composite score) của nhiều thông số, không chỉ dựa vào tổng số trích dẫn khoa học mà một nhà nghiên cứu có được, từ đó đưa ra danh sách xếp hạng ảnh hưởng của nhà khoa học trong cộng đồng khoa học quốc tế.
Tôi cho rằng, với một nhà nghiên cứu, nếu các kết quả nghiên cứu của họ không được tham khảo, trích dẫn thì không thể định lượng được mức độ ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học.So với mọi năm thì năm nay số lượng nhà khoa học uy tín của Việt Nam (bao gồm cả trong nước, Việt kiều) có tên trong bảng xếp hạng này tăng lên đáng kể. Đây là sự ghi nhận bước trưởng thành và từng bước lớn mạnh của khoa học công nghệ Việt Nam.
Với cá nhân tôi, sự ghi nhận này là thành quả của sau gần 40 năm làm việc, tích lũy. Các nhà khoa học cống hiến không phải vì mục đích để xếp vào hạng, nhưng dẫu sao, bảng xếp hạng này cũng là một sự ghi nhận và đánh giá khách quan, công bằng của cộng đồng quốc tế nên là sự động viên rất có ý nghĩa. Quan trọng hơn bảng xếp hạng này sẽ là sự cổ vũ, động viên rất lớn đối với các thế hệ học trò, với các trường phái khoa học mà bản thân các nhà khoa học đã tạo lập để các bạn trẻ đi theo, tự tin tiếp tục dấn thân vào con đường khoa học, hội nhập với quốc tế và tiếp cận đỉnh cao của khoa học.
Có thể thấy rất nhiều nhà khoa học ưu tú và lỗi lạc của thế giới có tên trong bảng xếp hạng này. Việc nhiều nhà khoa học “đình đám”, có uy tín trong nước và thế giới không có mặt trong top 100.000 theo năm (single year, kết quả trích dẫn khoa học của một năm gần nhất), không phải do họ không đủ uy tín, không xuất sắc mà có thể do năng suất công bố trong một vài năm gần đây thấp hơn so với các nhà khoa học khác hoặc số trích dẫn không được nổi bật. Và đây là chuyện hết sức bình thường.
Mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí riêng, cũng giống như các bảng xếp hạng đại học THE, QS hay ARWU,… đưa ra những tiêu chí đánh giá không giống nhau tuyệt đối, song mỗi bảng đều có ý nghĩa và giá trị, giúp cho các trường đại học biết mình đang đứng ở đâu trên trường quốc tế. Tất nhiên, bảng xếp hạng nào cũng sẽ có những tiêu chí đánh giá riêng và có thể còn những khiếm khuyết.
Điều tôi muốn nhấn mạnh là bảng xếp hạng này ngoài các nhà khoa học công tác cơ sở giáo dục đại học công lập như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì còn có rất nhiều các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, dân lập như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phenikaa…
Điều này cho thấy các trường dân lập, trường tự chủ ý thức được việc xếp hạng rất quan trọng, đem lại uy tín, thương hiệu cho nhà trường nên họ đã đầu tư, thu hút nhân tài, trả lương cao, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, thậm chí mời nhà khoa học nước ngoài đến để xây dựng nhóm nghiên cứu quốc tế. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, là một trong những nhân tố thôi thúc các trường đại học công lập mau chóng tự chủ và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có nguồn lực tốt nhằm tiếp tục duy trì giữ vững thứ hạng và bứt phá vươn lên.
Giáo sư có bất ngờ khi mình lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Tôi thật sự bất ngờ và cũng rất tự hào, phấn khởi, vinh dự khi là người Việt Nam, lại đang làm việc cơ hữu bền bỉ trong nước, trong điều kiện hoàn cảnh nghiên cứu còn có những khó khăn, hạn chế lại được thế giới đánh giá và xếp hạng cao so với các đồng nghiệp quốc tế. Sự đánh giá này làm cho tôi như thấy được động viên, khích lệ. Đây là thành quả của rất nhiều năm kiên trì, làm việc miệt mài, nỗ lực vượt bậc của tôi và nhóm nghiên cứu và đã được đền đáp bằng sự rút ngắn khoảng cách với các nhà khoa học trên thế giới.
Đây cũng là sự động viên rất lớn đối với các thế hệ học trò, thế hệ tiếp nối để các em vững tin dấn thân vào con đường khoa học bởi hiện nay con đường làm khoa học rất vất vả, trong khi thu nhập lại không cao. Đây cũng là niềm vui và tự hào của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và lĩnh vực Engineering của Việt Nam nói chung.
Giáo sư có chia sẻ gì với các nhà khoa học đang đặt mục tiêu lọt vào danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy cần cù, kiên trì và nỗ lực không ngừng với năng suất nghiên cứu ổn định và hội nhập được với trình độ và chuẩn mực quốc tế thì một ngày nào đó nhất định sẽ được ghi nhận.
Tôi cũng nhận thức được rằng, ngày hôm nay tôi có tên trong bảng xếp hạng nhưng một vài năm nữa khi ngày càng lớn tuổi, hoặc nhóm nghiên cứu có thể không duy trì được mạnh nữa thì bị loại ra khỏi danh sách này là chuyện bình thường. Đó là quy luật của sự vận động và phát triển biện chứng. Có như vậy thì thế hệ trẻ mới có cơ hội vươn lên, chạm vào vị trí tốt trong bảng xếp hạng.
Điều tôi muốn nhắn nhủ với các nhà khoa học trẻ là hạnh phúc và thành công nhất định sẽ đến với những ai kiên trì và hăng say lao động.
Giáo sư nhìn nhận thế nào về phong độ của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở tầm cao? Ông kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ nước ta hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Năm nay xét về số lượng nhà khoa học có địa chỉ tại Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng thì có một số đáng kể là các nhà khoa học nước ngoài có hợp tác và ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam, nhà khoa học Việt kiều.
Còn số lượng nhà khoa học “made in Vietnam” thì mới chỉ 28/100.000 – một con số còn rất khiêm tốn, nhưng so với năm trước thì đã là một bước tiến vượt bậc. Nếu nhìn danh sách ngoài top 100.000, có thể thấy có thêm nhiều những gương mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học trong nước đã lọt xếp hạng từ 100.001-200.000.
Điều này cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam. Khi chúng ta quan tâm và triển khai nhiều chính sách cho khoa học – công nghệ, trong đó có đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, khuyến khích công bố quốc tế tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, đặc biệt đưa ra các chuẩn mực đánh giá luận văn tiến sĩ cũng như nâng cao tiêu chuẩn với các chức danh giáo sư, phó giáo sư đã có hiệu quả tích cực nhất định.
Nếu cách đây 15-20 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng gần như cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á thì theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến năm 2020 lượng công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia), đứng thứ 49 trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức!