Giáo sư Nguyễn Đình Đức trở thành thành viên ban biên tập tạp chí về khoa học công nghệ hàng không vũ trụ của quốc tế

Đầu tháng 3-2024, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến đã rất vinh dự vừa chính thức trở thành thành viên Hội đồng biên tập  Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ: Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier. Đây là một trong những tạp chí quốc tế hàng đầu có trong danh mục SCI index, top 5%, rất có uy tín và chất lượng cao trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không – Vũ trụ.

Thành viên Ban biên tập Tạp chí là các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không Vũ trụ từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ,  Anh, Pháp,  Úc, Ý, New Zealand, Trung Quốc, …và Việt Nam.

Đây là tin vui và vinh dự của cộng đồng các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung, của đội ngũ các nhà giáo – nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, đặc biệt là niềm tự hào của Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) nơi Giáo sự Nguyễn Đình Đức đang công tác. Sự kiên trên đã  khẳng vị thế và uy tín của các nhà khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế.

Đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là thành viên Hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế trong danh mục ISI  thuộc những nhà xuất bản có uy tín như Tạp chí  Aerospace Science and Technology (Nhà xuất bản Elsevier); Tạp chí Mechanical Engineering Science (Proc. IMechE Part C,  Nhà xuất bản SAGE); Tạp chí Mechanics of Composite Materials và Tạp chí Mechanical Science and Technology (Nhà xuất bản Springer); Tạp chí Applied Mathematics and Mechanics (Zeitschrift für Angewandte Mathematik und Mechanik, Nhà xuất bản WILEY); Tạp chí Cogent Engineering (UK, Nhà xuất bản Taylor & Francis); Tạp chí Science and Engineering of Composite Materials (Nhà xuất bản De Gruyter),…

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 350 bái báo, công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín.

Từ năm 2019 đến nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức liên tiếp lọt vào top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới và top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới  trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) – đứng thứ 85 thế giới trong năm 2023.

Cũng từ nhiều năm nay, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là người Việt Nam duy nhất đang làm việc trong nước được Research.com xếp hạng nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong lĩnh vực Engineering and Technology.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng danh giá nhất – 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu trọn đời.

——————————–

Nguồn – đường link viện dẫn thông tin:

https://www.sciencedirect.com/journal/aerospace-science-and-technology/about/editorial-board

Các đường link liên quan khác:

https://giaoducthoidai.vn/giao-su-viet-nam-dau-tien-la-thanh-vien-hoi-dong-bien-tap-quoc-te-tap-chi-zamm-post528357.html

https://uet.vnu.edu.vn/nguoi-thay-thap-sang-uoc-mo-mo-duong-cho-tre-hoi-nhap-voi-nen-khoa-hoc-gioi

https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/gs-tskh-nguyen-dinh-duc-chinh-thuc-la-thanh-vien-ban-bien-tap-tap-chi-quoc-te-ve-khoa-hoc-cong-nghe-hang-khong-vu-tru-i362497/

https://www.vietnamplus.vn/giao-su-nguyen-dinh-duc-co-ten-trong-hoi-dong-bien-tap-tap-chi-quoc-te-danh-gia-post933708.vnp

https://giaoduc.net.vn/gs-viet-la-thanh-vien-ban-bien-tap-tap-chi-isi-ve-cong-nghe-hang-khong-vu-tru-post241352.gd

https://giaoducthoidai.vn/gs-nguyen-dinh-duc-la-thanh-vien-hdbt-tap-chi-quoc-te-ve-khcn-hang-khong-vu-tru-post674756.html

https://dantri.com.vn/giao-duc/giao-su-viet-top-100-the-gioi-bien-tap-tap-chi-khoa-hoc-hang-khong-vu-tru-20240309221421038.htm

https://baomoi.com/gs-nguyen-dinh-duc-la-thanh-vien-hdbt-tap-chi-quoc-te-ve-kh-cn-hang-khong-vu-tru-c48521334.epi

https://baoyenbai.com.vn/13/319494/Giao-su-Nguyen-Dinh-Duc-tro-thanh-thanh-vien-ban-bien-tap-tap-chi-ve-khoa-hoc-cong-nghe-hang-khong-vu-tru-cua-quoc-te.htm

https://tuoitre.vn/giao-su-nguyen-dinh-duc-vao-hoi-dong-bien-tap-tap-chi-quoc-te-uy-tin-20240310103610082.htm

GS Nguyễn Đình Đức: Việt Nam đã chạm một tay vào ngành sản xuất chip bán dẫn

Sản xuất chip bán dẫn là con đường đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nhà khoa học Việt Nam duy nhất được cộng đồng khoa học thế giới xếp vào danh sách top 100 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ (năm 2023 xếp hạng 85 thế giới) cho rằng, cơ hội sản xuất chip đã mở ra, nếu để lỡ là có tội với thế hệ tương lai.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Khoa học – công nghệ là nền tảng phát triển kinh tế, xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Thưa Giáo sư, cần phải bắt đầu từ đâu để hiện thực hóa khát vọng này?

Phải bắt đầu từ khoa học – công nghệ (KHCN). Ở thời điểm hiện tại phải bắt đầu từ công nghệ liên quan đến ngành sản xuất chip bán dẫn. Nhìn lại các nền kinh tế xung quanh đã phát triển hơn nước ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ thấy, họ đã đạt được rất nhiều thành tựu khiến cả thế giới ngưỡng vọng đều bắt đầu từ KHCN.

Tôi xin dẫn chứng về nền kinh tế thần kỳ Hàn Quốc. Năm 2005, khi đó tôi là Trưởng Ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội được tháp tùng GS. Nguyễn Văn Đạo sang làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Tôi đã hỏi Chủ tịch Viện KIST câu hỏi mà rất nhiều người Việt muốn biết để học hỏi là vì sao, những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc cũng giống như Việt Nam ngày mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 200 USD, từ một đống tro tàn đổ nát sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), chỉ sau 30-40 năm lại trở thành quốc gia phát triển mọi mặt, không chỉ kinh tế, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác, trong đó có KHCN.

Ông Viện trưởng Viện KIST kể, vào dịp đón năm mới 1966, Tổng thống Park Chung-Hee gặp gỡ các chính khách, bộ trưởng, nhà khoa học, doanh nhân, ông rất tự hào thông báo rằng, năm 1966, Hàn Quốc đã xuất khẩu được 100 triệu USD hàng dệt len. Ai cũng hoan hỷ, trừ ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc. Vị Viện trưởng này nói với Tổng thống, Thủ tướng và “giới tinh hoa” của Hàn Quốc lúc đó rằng, xuất khẩu 100 triệu USD hàng thủ công nghiệp chẳng có gì đáng tự hào, bởi Nhật Bản đã xuất khẩu hàng tỷ USD hàng điện tử sang Hoa Kỳ rồi. Hàn Quốc muốn phát triển như Nhật Bản và các cường quốc khác, không còn cách gì khác là phải đầu tư phát triển KHCN, coi KHCN là nền tảng phát triển kinh tế, xã hội.

Ngay sau đó, Tổng thống Park Chung-Hee yêu cầu thành lập KIST với rất nhiều cơ chế đặc biệt nhằm mục tiêu tận dụng các thành quả KHCN để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, quy định lương của nhà khoa học làm việc ở KIST rất cao,  gấp 3 đến 5 lần so với lương của giáo sư ở trường đại học, bằng khoảng 1/3 so với mức lương của các nhà khoa học ở Mỹ.  Đồng thời, trong thời gian này có đoàn giáo sư Mỹ đến làm việc với Đại học Quốc gia Seoul, Viện trưởng KIST đã đến gặp đoàn giáo sư Mỹ ở khách sạn, trình bày Chiến lược phát triển Viện, với mong muốn họ giúp KITS “biến các ước mơ thành hiện thực”. Và KIST, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học Mỹ, đã thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.

Thời kỳ đó, Hàn Quốc thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới, thu – chi ngân sách luôn trong tình trạng phải “giật gấu, vá vai”, chi thường xuyên bị cắt giảm liên tục, nhưng Tổng thống Park Chung-Hee và những người kế nhiệm ông sau này vẫn kiên quyết quan điểm, ngân sách chi cho KIST đủ theo yêu cầu, thu nhập của nhà khoa học làm việc ở KIST chỉ có tăng chứ không được giảm. Vì tất cả đều hiểu “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, muốn đất nước phát triển không thể chỉ dựa vào tài nguyên, thiên nhiên, mà chính nhân tài mới là nhân tố then chốt nhất, quan trọng nhất.

Tổng thống Park Chung-Hee và các nhà lãnh đạo sau này của Hàn Quốc luôn xác định “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” nên đã dành sự ưu ái đặc biệt cho các nhà khoa học nói chung, nhà khoa học ở KIST nói riêng nên sau hơn nửa thế kỷ, KIST đã trở thành một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, các nghiên cứu của KIST đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc. KIST góp phần quan trọng đưa Hàn Quốc trở thành con rồng châu Á bởi từ những phát minh, sáng chế của KIST có nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực thép, đóng tàu, thiết bị bán dẫn, điện tử… và nhờ đó ngành điện tử của Hàn Quốc đã ra đời và chinh phục thế giới bằng các thương hiệu Hyundai, Samsung, LG… Bài học của Hàn Quốc đầu tư cho KHCN, cất cánh từ KHCN rất đáng để Việt Nam tham khảo và học hỏi.

Giáo sư có nghĩ rằng, Việt Nam đã từng bỏ lỡ cơ hội?

Chúng ta có thể thấy lịch sử phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều xuất phát điểm vô cùng thấp vì trải qua chiến tranh. Nhưng tất cả đã trở thành những cường quốc trên mọi lĩnh vực đều nhờ vào nguồn nhân lực “chất lượng vàng” trong nước và lấy khoa học, công nghệ làm điểm tựa để đi lên. Việt Nam cũng xuất phát điểm như vậy và cũng có đầy đủ yếu tố để phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhưng đáng tiếc là chúng ta đã từng bỏ lỡ cơ hội.

Năm 1979, Trung Quốc và Hoa Kỳ ký Hiệp định hợp tác KHCN. Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để đổi mới, sáng tạo và đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhiều dự án về KHCN được đề xuất và khởi xướng bởi người Mỹ gốc Hoa hoặc công dân Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ hợp tác với các nhà nghiên cứu ở quê nhà.

Trong suốt năm 2000-2010, hợp tác khoa học giữa hai nước đã tăng lên đáng kể, các dự án nghiên cứu chung được mở rộng, số lượng sinh viên khoa học và kỹ thuật đến thăm và các công bố quốc tế tăng vọt. Kết quả là họ đã gặt hái được rất nhiều trái ngọt, sớm đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều doanh nghiệp tầm cỡ thế giới của Trung Quốc ra đời đang nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ lõi và ngày càng lớn mạnh khiến các tập đoàn xuyên quốc gia của Âu – Mỹ cũng phải dè chừng.

KHCN của Trung Quốc đã và đang bỏ xa nhiều nước phương Tây đi trước nhiều thập kỷ, minh chứng rõ nhất là cuối năm 2023, Trung Quốc không chỉ đứng đầu thế giới về công bố khoa học, phát minh quốc tế, mà đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-17, đưa 3 phi hành gia lên Trạm vũ trụ Thiên Cung, đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc chinh phục không gian của Trung Quốc.

Trở lại với Việt Nam. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ (năm 1995), hai bên đã tích cực triển khai hợp tác KHCN và cùng nhau xây dựng khung pháp lý cho hợp tác KHCN. Tháng 12/2000, tại Hà Nội, Hiệp định Hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Hiệp định này đáng ra phải là nền móng cho các hoạt động hợp tác KHCN trên nhiều lĩnh vực như Hàn Quốc và Trung Quốc đã tận dụng được từ Hoa Kỳ, nhưng đáng tiếc là sau gần 1/4 thế kỷ, KHCN của Việt Nam còn đứng ở khoảng cách khá xa so với thế giới.

Các doanh nghiệp nội địa và tuyệt đại đa số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không tập trung vào nghiên cứu phát triển (R&D) để sáng chế và sở hữu công nghệ lõi, công nghệ nguồn, mà đều tập trung vào gia công ở khâu hạ nguồn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo; bất động sảnngân hàngchứng khoán, bảo hiểm… Nói nôm na, doanh nghiệp đầu tư vào những ngành “mỳ ăn liền”, ăn xổi, tranh thủ các cơ chế, chính sách ưu đãi, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là nguồn nhân công giá rẻ.

Trên thực tế thì Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục- đào tạo và KHCN, thưa Giáo sư?

Phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo và KHCN. Năm 1996, đất nước vừa bước vào giai đoạn mở cửa, cái gì cũng bỡ ngỡ, nhưng Nghị quyết 02-NQ/TW (khóa VIII) đã xác định:  “Cùng với giáo dục – đào tạo, KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế – xã hội”. Từ đó đến nay, dù ngân sách nhà nước cân đối thu – chi còn khó khăn, có thể ngành này, ngành kia có năm bị giảm chi nhưng lĩnh vực KHCN luôn luôn được ngân sách nhà nước bảo đảm. Luật KHCN cũng đã ra đời với nhiều chính sách đúng đắn.

Chỉ tiếc là do đầu tư không đúng hướng và có quá nhiều cơ chế ràng buộc liên quan đến tài chính, nên KHCN phát triển có nhiều rào cản và vì vậy thành tựu chưa được như mong muốn, không tương xứng với sự quan tâm và kỳ vọng.

Thưa Giáo sư, từ sự thành công thần kỳ của KITS, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để phát triển KHCN?

Nhận thấy vai trò đặc biệt của KHCN trong kỷ nguyên số, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2012, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đề nghị hỗ trợ Việt Nam xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ tương tự như KIST. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định  50/2015/NĐ-CP về việc thành lập VKIST (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc) để phát triển công nghệ nguồn, công nghệ lõi, nghiên cứu nâng cấp công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp chiến lược, then chốt; phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực; phát triển công nghệ tích hợp để thay thế công nghệ nhập khẩu…

Tuy nhiên, phải 4 năm sau, vào tháng 6/2019, VKIST mới bắt đầu tuyển dụng nghiên cứu viên cao cấp và mất thêm 2 năm nữa, VKIST mới bắt đầu triển khai Chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên VKIST và lần đầu tiên tham dự “Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam”. Ngày 17/1/2023, VKIST mới khai trương được trụ sở làm việc theo đúng chuẩn quốc tế tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Kim Jin Pyo.

Như vậy, phải mất hơn 10 năm, VKIST được kỳ vọng sẽ trở thành viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam mới thực sự đi vào hoạt động – khoảng thời gian đủ dài để một viện nghiên cứu trên thế giới đã làm nên tên tuổi, thương hiệu, là thỏi nam châm hút các nhà khoa học, biến hàng trăm nghiên cứu khoa học “đang nằm trên giấy” thành sản phẩm cho xã hội.

Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên số, sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, y tế, giáo dục… ngày càng phụ thuộc vào thiết bị, công nghệ tiên tiến

Nền móng quan trọng cho Việt Nam

Chúng ta đã đi muộn, đi chậm, thậm chí còn bỏ lỡ cơ hội. Thưa Giáo sư, cơ hội này đóng lại, cơ hội khác mở ra?

Đúng vậy! Muốn phát triển KHCN không bao giờ là muộn. KHCN là khái niệm rất rộng, cần phải tập trung, ưu tiên cho những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên số, sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục… càng ngày càng phụ thuộc vào thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến, trong đó, chip bán dẫn là linh hồn, là bộ não của tất cả máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến.

Năm 2023, Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, một trong số đó là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden (tháng 11/2023) để nâng cấp quan hệ giữa 2 bên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện sau 10 năm xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tận dụng phát triển KHCN, nhất là công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Bởi trong Thông cáo chung, người đứng đầu Nhà trắng đã khẳng định, hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chip bán dẫn, STEM, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo

Như truyền thông trong và ngoài nước đưa tin, hội đàm với Tống thống Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ giữa 2 nước; tăng cường hợp tác KHCN là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Tiếp kiến Tống thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển chuyển đổi số, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.

Đây là những nền móng hết sức quan trọng cho Việt Nam, một lần nữa nắm bắt cơ hội vàng để phát triển đột phá trong thời gian tới.

Có câu nói vui vui rằng, “người Mỹ đã nói là làm”. Thưa Giáo sư, ông nghĩ sao khi nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn Hoa Kỳ nói rằng sẽ đầu tư vào Việt Nam như mong muốn của lãnh đạo 2 nước trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden?

Cơ chế thuận lợi, bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới với chính sách đối ngoại mềm dẻo của Việt Nam và nguồn nhân lực trẻ khỏe, chất lượng cao là những nhân tố thuận lợi hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

Không phải ngẫu nhiên mà trước, trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, lãnh đạo hàng loạt tập đoàn công nghệ, chip bán dẫn hàng đầu “xứ Cờ hoa” đã đến Việt Nam như Synopsys, Google, Intel, Amkor, Marvell, Boeing, Qualcom, Ampere, ARM… Trong đó, đáng kể nhất phải là chuyến thăm của ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia – công ty sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường khoảng 1.200 tỷ USD. Ông Jensen Huang cho rằng, đây là thời điểm tuyệt vời cho doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ chiến lược trong sản xuất chip bán dẫn; Ông cũng cam kết thực hiện kế hoạch biến Việt Nam thành quê hương thứ hai, là đại bản doanh ở nước ngoài của Nvidia trong chuỗi sản xuất chip bán dẫn. 

Mới đây, vào đầu tháng 12/2023, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), ông  John Neffeur và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Ông John Neffeur khẳng định với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và giới chức cùng doanh nghiệp Việt Nam rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực. Doanh nghiệp Hoa Kỳ tin tưởng và mong muốn Việt Nam đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng tận dụng được những cơ hội mới đang mở ra trong lĩnh vực này, đặc biệt là khâu thiết kế chip – vốn không đòi hỏi nhiều đầu tư so với sản xuất.

Giáo sư có nghĩ rằng, Việt Nam có lợi thế trong cạnh tranh phát triển ngành công nghệ cao, đặc biệt là chip bán dẫn?

Phải khẳng định rằng, chúng ta có rất nhiều lợi thế so sánh trong cuộc đua sản xuất chip bán dẫn so với rất nhiều nước trên thế giới.

Thứ nhất, không thể phủ nhận, về thể chế trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới rất nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước và thu hút nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đang sở hữu công nghệ cao. Trong đó phải kể đến Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết 50-NQ/TW đã định hướng xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao… thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ hai là nguồn nhân lực, với quy mô dân số hơn trăm triệu người và vẫn còn trong thời kỳ “dân số vàng”, hầu hết dân số trẻ đều tốt nghiệp trung học cở sở trở lên và dù khiêm tốn cũng phải nói rằng, Việt Nam là dân tộc khá thông minh, cần cù, chịu khó, sáng tạo, năng động.

Thứ ba, chúng ta có nguồn lực vô cùng quý giá ít nước nào trên thế giới có được, đó là đất hiếm – chất liệu không thể thiếu để chế tạo ra nam châm vĩnh cửu. Đây là lợi thế cực lớn trong cuộc cạnh tranh thu hút tập đoàn công nghệ cao nước ngoài thành lập cứ điểm sản xuất chip bán dẫn.

Chúng ta đã chạm một tay vào ngành sản xuất chip bán dẫn

Có vẻ như Việt Nam đã “chạm một tay” vào ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, bởi cả thiên thời lẫn địa lợi đang mở ra, thưa Giáo sư?

Việt Nam có lợi thế, cơ hội đã mở ra đó là năm vừa qua Việt Nam nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Việt Nam – Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chất bán dẫn, STEM, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI). Hoa Kỳ nhận thấy Việt Nam rất quan trọng đối với nguồn cung cấp khoáng sản quý hơn vàng (đất hiếm) cho ngành công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất chip bán dẫn.

Chúng ta có lợi thế, cơ hội vô cùng quý giá đã mở ra, vì “người Mỹ đã nói là làm”. Có thể nói, Việt Nam đã chạm được một tay vào ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Chúng ta không thể để lỡ cơ hội để đưa đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào đúng 100 năm ngày kỷ niệm thành lập nước (năm 2045). Nếu bỏ lỡ cơ hội vàng này, chúng ta có tội với thế hệ tương lai, có tội với con cháu chúng ta.

Nhưng thưa Giáo sư, vấn đề là nguồn nhân lực. Hiện tại, Việt Nam mới có khoảng 6.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, còn quá ít so với nhu cầu?

Ngành bán dẫn của Việt Nam hiện có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn nửa tỷ USD mỗi năm, chủ yếu tập trung vào khâu sản xuất phụ trợ của chuỗi cung ứng đó là lắp ráp, đóng gói và kiểm thử. Trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã có văn bản hợp tác, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không chỉ lắp ráp, đóng gói và kiểm thử mà dần mở rộng sang các bước khác như thiết kế chip.

Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; thu hút các nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy về công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học.

Để thực hiện được mục tiêu này, Nghị quyết 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 nhấn mạnh đến việc tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn, để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quốc hội cũng nhấn mạnh đến ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030.

Theo số liệu thống kê, quy mô của ngành điện tử Việt Nam đủ để phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt như Viettel và FPT bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng IC toàn cầu. Nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel tại TP.HCM đến cuối năm 2022 đã xuất xưởng hơn ba tỷ chip và có kế hoạch tiếp tục đầu tư thời gian tới. Có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào thị trường này.

Giáo sư có nghĩ rằng, đến năm 2030, Việt Nam có thể đào tạo 50.000 – 100.000 kỹ sư phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn?

Cả nước ta có hơn 300 trường đại học và cao đẳng, trong đó khoảng 35 trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến bán dẫn và vi mạch. Trong số đó, 11 trường có các chương trình đào tạo truyền thống trực tiếp liên quan tới lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.

Nhân lực lĩnh vực bán dẫn toàn cầu ước tính khoảng hơn 2 triệu người, và có nhu cầu bổ sung thêm hơn một triệu nhân lực vào năm 2030. Hiện nay, nhiều trường đại học trên cả nước đã vào cuộc, đã có kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn trong thời gian tới.

Nhưng chất lượng kỹ sư sau khi ra trường còn hạn chế. Một số cơ sở đào tạo hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Bách khoa TP.HCM; Trường đại học Công nghệ, Trường đại học Khoa học tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội)…, những nơi có chương trình đào tạo, có đội ngũ giáo sư, giảng viên tốt, có công nghệ tốt và tuyển chọn được những học sinh xuất sắc vào học mới có thể đào tạo được đội ngũ kỹ sư có trình độ đáp ứng được yêu cầu của công nghệ cao, chip bán dẫn, số còn lại cũng chưa có kiểm chứng về chất lượng.

Để sản xuất được một con chip từ khâu thiết kế cho đến khi đóng gói để đưa ra thị trường phải mất 4-6 tháng với trên 500 công đoạn, đi qua hơn 55.000 km với khoảng 70 quốc gia. Nói như thế để thấy rằng, trong thiết kế vi mạch, một con chip chỉ nhỏ như móng tay, muốn thành công cần một hệ sinh thái, một đội ngũ kỹ sư trình độ cao vô cùng lớn. Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 25.000 kỹ sư vào năm 2025 và 100.000 kỹ sư vào năm 2030 cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn là hướng đi đúng. Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh đến ưu tiên bố trí nguồn lực, cụ thể là tài chính, nhưng hiện tại chưa thấy động tĩnh gì.

Cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở nguồn lực đầu tư, thưa Giáo sư?

Công việc của lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực vi mạch và bán dẫn đang rất hấp dẫn, vì vậy, cơ sở đào tạo đại học nào có cơ hội cũng đều tìm cách mở thêm ngành đào tạo này bất chấp cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên có đáp ứng được hay không. Trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn, tôi nghĩ, cần có quy hoạch và chỉ nên tập trung cho một số cơ sở đào tạo bảo đảm được các tiêu chí, tiêu chuẩn đào tạo như các nước phát triển, bảo đảm kỹ sư sau khi tốt nghiệp có trình độ cao, chuẩn đầu ra hội nhập được với chuẩn mực quốc tế.  Tất nhiên, các cơ sở đào tạo phải cạnh tranh để nhận được nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải có cơ chế chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhiều mặt đối với sinh viên theo học ngành này, ít nhất cũng phải như sinh viên ngành sư phạm, đặc biệt đối với học sinh giỏi, học sinh gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.

Đồng thời, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực; thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước trong lĩnh vực tham gia giảng dạy tại các trường đại học; huy động nguồn lực và đội ngũ trí thức Việt kiều. Đặc biệt cần thúc đẩy ứng dụng vi mạch bán dẫn trong các lĩnh vực công nghệ cao trong nước, như các công nghệ cao trong an ninh quốc phòng, từ đó thúc đẩy nghiên cứu và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Có như vậy, Việt Nam mới xác lập được vị thế trên bản đồ sản xuất chip bán dẫn – con đường đưa dân tộc cất cánh, trở thành nước nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra. Chúng ta đã có thiên thời (là đối tác chiến lược toàn diện của Hoa Kỳ), địa lợi (vị thế địa chính trị; nguồn tài nguyên đất hiếm), đã chạm một tay vào ngành sản xuất chip bán dẫn, chỉ còn thiếu nhân hòa đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.

Kiến nghị có cơ chế đặc thù về tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư

GS Nguyễn Đình Đức cho rằng NĐ 50/2022/NĐ-CP gây ra nhiều vấn đề trong quá trình đào tạo và tình trạng chảy máu chất xám từ công sang tư.

Theo thống kê của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, năm 2023, trong gần 82.000 giảng viên đại học, có 711 giáo sư (chiếm 0,87%) và 5.292 phó giáo sư (chiếm 6,47%) tham gia giảng dạy toàn thời gian. So với nhiều quốc gia trên thế giới, tỉ lệ này còn thấp. [1]

Trước đây, theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Tuy nhiên, kể từ 15/8/2022 khi Nghị định số 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó thay thế Điều 9 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, đã thay đổi về thời gian kéo dài làm việc đối với đội ngũ này.

Cụ thể, đối với viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư, việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu. Điều này vô hình chung đã làm giảm tuổi nghỉ hưu của các giáo sư và phó giáo sư.

“Chảy máu chất xám” từ công sang tư

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo Giáo sư Đức, đội ngũ trí thức có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là đội ngũ lao động đặc thù. Nên việc kéo dài thời gian làm việc đối với đội ngũ này khi đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách đúng đắn, hết sức phù hợp với thực tiễn Việt Nam.


Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công Nghệ, Nguyên Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

“Trước Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, chúng ta có Nghị định số 141/2013/NĐ-CP. Nhưng khi Nghị định số 50/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đã nảy sinh một số bất cập.

Bởi có những giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, được làm việc thêm 7 – 10 năm, tức là được làm việc tới năm 67 – 70 tuổi. Trong khi đó, có những giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, ký thêm hợp đồng làm việc 5 năm tới 65 tuổi. Đây tuy chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng cũng thể hiện điểm không thống nhất và hạn chế” – Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định.

Nói đến những bất cập lớn hơn của vấn đề, Giáo sư Đức cho biết, các giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao, là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, không dễ đào tạo được trong một sớm một chiều.

Đây là nguồn nhân lực quý báu của nhà trường. Nhất là khi hiện nay, đội ngũ này đang chiếm tỉ lệ không lớn trong các trường đại học.

Vì vậy, việc tận dụng và kéo dài tuổi công tác với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là cần thiết và phù hợp.

Truyền thống này đã được ông bà ta đúc kết trong câu nói “thầy già, ca sĩ trẻ”. Trong đó, “thầy già” thể hiện hàm ý khi người thầy có tuổi làm việc càng cao, sẽ tích lũy được càng nhiều kinh nghiệm, tri thức và uy tín trong giảng dạy.

Theo thông lệ quốc tế, hiện nay độ tuổi nghỉ hưu chỉ áp dụng cho đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý cấp cao; còn phần lớn các giáo sư, phó giáo sư vẫn là những người đứng đầu ngành, vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy, tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chuyên môn chứ không chịu sự ràng buộc của quy định về tuổi nghỉ hưu.

Giáo sư, phó giáo được coi là “cây đa, cây đề” trong các trường đại học và cũng là đội ngũ dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu trong sự phát triển của khoa học công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu.

Đội ngũ này không chỉ phát huy năng lực trong nước mà còn tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, nên có uy tín và ảnh hưởng nhất định về mặt chuyên môn học thuật trong và ngoài nước.

Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ tài năng trong và ngoài nước để từ đó xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật của trường đại học.

Từ các thống kê về đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư trong nhiều năm nay cho thấy, mặc dù đã có sự bổ sung hằng năm và cải thiện tích cực cả về số lượng và chất lượng, nhưng so với thế giới, tiềm lực khoa học công nghệ này so với các trường đại học trên thế giới còn rất thấp.

“Việc đào tạo được đội ngũ này cũng không hề dễ dàng, không phải ngày một, ngày hai là có được. Mà muốn trở nên ưu tú như vậy phải có tố chất, mất nhiều thời gian, công sức,… Thậm chí, với các giáo sư, phó giáo sư, đây cũng là sự cống hiến của cả cuộc đời cho sự nghiệp khoa học công nghệ và đào tạo.

Chưa kể, các giáo sư, phó giáo sư trong những lĩnh vực đặc thù như văn hóa, nghệ thuật lại càng quý và hiếm”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định.

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng cho biết, quy định về thời gian làm việc tăng thêm của giáo sư, phó giáo sư theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP đã gây ra nhiều vấn đề trong quá trình đào tạo, đặc biệt là tình trạng “chảy máu chất xám” từ công sang tư.

Khi chính sách được áp dụng, các trường công đã gặp khó khăn trong việc thu hút đội ngũ này.

Bởi vì đội ngũ giáo sư, phó giáo sư khi hết tuổi quy định buộc họ phải nghỉ tại các cơ sở giáo dục công lập. Nếu vẫn muốn tiếp tục cống hiến, thì họ phải làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục. So với các trường đại học công lập, các trường tư thục sẽ có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ hơn (trả lương cao hơn, được giao đảm trách vị trí lãnh đạo bộ môn, khoa…).

Đây là một kẽ hở rất lớn, khiến các trường đại học công lập mất dần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để mở ngành và duy trình ngành, đặc biệt là các ngành đào tạo sau đại học; mất đi người dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Và thậm chí, còn thu hút theo cả những đội ngũ khác.

Căn cứ theo Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:

“Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”.

“Đây chính là một thực tế hiện nay. Ngay như Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách này.

Thực tế, có nhiều giáo sư, phó giáo sư khi hết tuổi lao động nhưng còn đủ sức khỏe, minh mẫn, còn có khả năng giảng dạy, dẫn dắt nghiên cứu và cống hiến tốt, có mong muốn tiếp tục làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu mà mình đã từng gắn bó, hoặc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập lớn, có uy tín như Đại học Quốc gia Hà Nội; nhưng vì những quy định rào cản, nên sau khi đến tuổi nghỉ hưu, buộc phải chuyển ra làm ngoài đơn vị tư thục làm việc”, thầy Đức trăn trở.

Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Doãn Nhàn

Khi nói về quy định kéo dài thời gian công tác không quá 5 năm (60 tháng) sau tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư và phó giáo sư có ảnh hưởng như thế nào đối với các cơ sở đào tạo có nhóm ngành đặc thù, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: “Đây sẽ là khó khăn chung của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các trường đào tạo lĩnh vực đặc thù về nghệ thuật như Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Bởi những rào cản về mặt cơ chế, chính sách sẽ khiến các trường có nhóm ngành đặc thù khó thu hút, giữ chân được đội ngũ giảng viên cao cấp (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ), dẫn đến những bất lợi trong việc đào tạo ngành học.

Với một trường đào tạo đặc thù, không được hưởng cơ chế đặc thù, dẫn đến nguồn kinh phí chi cho điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đối với viên chức nói chung và đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên chất lượng cao (phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ) cũng rất hạn hẹp.

So với mặt bằng chung, những đãi ngộ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của đơn vị thấp hơn nhiều, khó cạnh tranh với các cơ sở tư nhân”.

Cần có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho giáo sư, phó giáo sư

Chính sách của Nhà nước quy định về độ tuổi nghỉ hưu được coi như một quyền lợi của người lao động sau quá trình cống hiến. Thế nhưng, làm sao để chính sách này được thực hiện một cách hợp lý, đặc biệt áp dụng với đội ngũ lao động đặc thù, thuộc trình độ trí thức cao trong xã hội lại là một điều cần phải xem xét.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho biết, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 45 này đã đánh giá khái quát về kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đội ngũ trí thức.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 45 cũng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội.

Cần chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.

Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức…”

Như vậy, nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan, bộ ngành không chỉ là phải tận dụng, phát huy, mà còn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức (trong đó có các giáo sư, phó giáo sư) làm việc, cống hiến.

Giáo sư Đức nêu quan điểm: “Nhà nước cần cân nhắc về việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư, vì không phải ngẫu nhiên có thể đào tạo được đội ngũ này.

Theo tôi, cần phải xem xét lại về Nghị định số 50/2022/NĐ-CP. Trước đây Nghị định số 141/2013/NĐ-CP đã được thực hiện khá tốt, vì thế tôi nghĩ nên tiếp tục duy trì.

Ngoài ra, Nghị định liên quan đến vấn đề này chỉ nên áp dụng cho những người không đủ sức khỏe, có thể về hưu. Còn những người đủ sức khỏe, mong muốn cống hiến thì nên tận dụng. Nên để việc nghỉ hưu đối với các giáo sư, phó giáo sư là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc.

Đặc biệt, trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vậy nên để các trường tự quyết để thu hút đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chứ không đề ra những quy định mang tính rào cản”.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thầy Đình Đức cũng cho rằng, Nhà nước cũng nên có chính sách để tạo điều kiện cho các giáo sư, phó giáo sư được tiếp tục làm quản lý cấp chuyên môn như chủ nhiệm bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu, trưởng phòng thí nghiệm… tại các tổ chức khoa học then chốt.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành – Đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu chưa thay đổi về quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với viên chức giáo sư, phó giáo sư thì Nhà nước nên có thêm các chính sách, quy định và phân chia rõ ràng về quyền lợi cho đội ngũ này.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/khoang-50-so-luong-gs-pgs-duoc-cong-nhan-hang-nam-lam-viec-tai-ha-noi-post239390.gd

Theo Báo Giáo dục Việt Nam

Người thầy thắp sáng ước mơ, mở đường cho thế hệ trẻ hội nhập với nền khoa học thế giới

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học trong nước và thế giới. Đặc biệt, ông còn được biết đến với vai trò là người thầy mở đường và dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới.

Vươn tầm hội nhập quốc tế

GS.TSKH nguyễn Đình Đức là khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế. Theo kết quả xếp hạng các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới của tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước liên tục lọt top 10.000 trong 5 năm liên tiếp từ năm 2019 đến nay, và lọt top 100 – đứng thứ 85 trong danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) năm 2023.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức còn thành viên của Hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế có uy tín và đã được mời báo cáo tại phiên toàn thể của nhiều hội nghị quốc tế lớn trên thế giới.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ngoài cùng, bên phải ảnh) vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba

Nắm bắt những hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới

Trong suốt 40 năm gắn bó với nghề, GS Nguyễn Đình Đức tập trung nghiên cứu về các vật liệu mới trên thế giới hiện nay như: vật liệu composite nano cácbon siêu bền nhiệt, được ứng dụng trong an ninh quốc phòng; vật liệu composite polymer nhiều pha, ứng dụng trong công nghệ đóng tàu và các sản phẩm dân dụng; vật liệu và kết cấu tiên tiến thông minh có cơ lý tính biến đổi độ bền cao, chịu nhiệt độ cao, cách điện, cách nhiệt, ứng dụng trong công nghiệp, năng lượng hạt nhân; vật liệu chức năng và vật liệu nano có cơ lý tính biến đổi và áp điện, ứng dụng trong các linh kiện bán dẫn; vật liệu auxetic hấp thụ năng lượng và chống sóng nổ; vật liệu có hệ số poission âm ứng dụng trong y sinh, lưu trữ thông tin,… Đây là những hướng nghiên cứu khoa học về vật liệu tiên tiến và hiện đại trên thế giới hiện nay, có tính ưu việt hơn hẳn các vật liệu truyền thống, ứng dụng trong thực tiễn và tương lai, đáp ứng yêu cầu cao về mặt kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 350 bài báo và công trình khoa học; xuất bản 6 giáo trình và sách chuyên khảo bằng các thứ tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh. Đặc biệt, trong số các công trình của ông có hơn 200 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín của các nhà xuất bản lớn trên thế giới như Elsevier, Springer, SAGE, Taylor & Francis;….

Từ những định hướng nghiên cứu khoa học và các kết quả đã công bố nêu trên đã hình thành nên một trường phái khoa học của Việt Nam về Vật liệu và Kết cấu tiên tiến ứng dụng trong kỹ thuật và công nghệ do Giáo sư Nguyễn Đình Đức đứng đầu. Trường phái này đã và đang tiếp tục có nhiều công bố độc lập đóng góp vào nền khoa học thế giới và được nhiều nhà khoa học quốc tế biết đến.

Đóng góp thiết thực cho đất nước

Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản theo các hướng hiện đại của thế giới, các nghiên cứu về vật liệu composite tiên tiến của Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng được ứng dụng phục vụ thực tiễn như nghiên cứu của Giáo sư Đức và tập thể các nhà khoa học của Trường ĐH Công nghệ hợp tác với Bộ quốc phòng về hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ các phương tiện chuyển động có điều khiển. Kết quả nghiên cứu này đã được giải ba Nhân tài Đất Việt về sản phẩm có định hướng ứng dụng cao. Ở lĩnh vực dân sự, việc nghiên cứu vật liệu composite nhiều pha với các hạt nano gia cường đã được ứng dụng thành công để chống thấm trong ngành công nghiệp đóng tàu bằng vật liệu composite, chế tạo các vật liệu chống chịu các điều kiện khắc nghiệt cũng như vật liệu làm tăng khả năng chuyển đổi năng lượng trong các tấm pin mặt trời.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức luôn nhiệt huyết truyền lại kiến thức cho học trò

Xây dựng thành công mô hình nhóm nghiên cứu mạnh, đào tạo nhiều tài năng trẻ cho đất nước

Trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước phát triển không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ triết lý đó, sau nhiều năm kiên trì và bền bỉ, vượt qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã xây dựng thành công nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN). Sự hình thành và phát triển của mô hình nhóm nghiên cứu này là bài học kinh nghiệm có thể nhân rộng ở các trường đại học khác của Việt Nam.  

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Đức là mô hình ưu việt kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học. Ưu điểm của nhóm nghiên cứu là tạo môi trường gắn kết quá trình đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực hành, và từ  các kiến thức nghiên cứu khoa học mới phát hiện ra của nhóm, sau khi công bố lại được ứng dụng vào giảng dạy, đào tạo đại học và sau đại học. Mô hình này cho thấy tính ưu việt vượt trội, đầu tư tài chính rất ít, nhưng hiệu quả lại rất cao.

Tất cả các sinh viên trong nhóm nghiên cứu sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ giỏi, đều có kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Điển hình là hai học trò của ông được giải thưởng Nguyễn Văn Đạo – Giải thưởng mang tên vị Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN và là giải thưởng danh giá nhất ngành Cơ học ở Việt Nam và 1 học trò xuất sắc được Forbes Việt Nam vinh danh.  Và đội ngũ những học trò của ông lại tiếp tục lan tỏa tâm huyết và các hướng nghiên cứu, tâm nguyện của ông đến những thế hệ học trò khác, đến mai sau.

Từ mô hình nhóm nghiên cứu trên, Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đào tạo được nhiều tiến sĩ trẻ tài năng; thu hút, tập hợp đội ngũ, thành lập Phòng thí nghiệm (PTN) Vật liệu và Kết cấu tiên tiến để đào tạo kỹ sư cơ kỹ thuật trong chuyên ngành này; thành lập Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, đào tạo ra các kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực Civil Engineering; quy tụ các nhà khoa học ưu tú của các trường đại học lớn trong nước và quốc tế đến làm việc, trao đổi.

Đến nay, Nhóm nghiên cứu mạnh do Giáo sư Nguyễn Đình Đức đứng đầu đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang tầm với các PTN và các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ,…. như Đại học Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne(Úc), Đại học Birmingham (UK), Đại học Yonsei và Sejong (Hàn Quốc), ĐH Vũ Hán (Trung Quốc),… và đã thu hút được nhiều tiến sỹ trẻ của các trường đại học lớn ở trong nước như trường Đại học Công nghệ, trường Đại học Khoa học tự nhiên, trường Đại học Việt Nhật, Học Viện Kỹ thuật Quân sự, trường Đại học Xây dựng, trường Đại học Giao thông vận tải,….cùng tham gia hợp tác nghiên cứu và đào tạo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức xây dựng thành công mô hình nhóm nghiên cứu mạnh, đào tạo nhiều tài năng trẻ cho đất nước

Mở những ngành đào tạo mới, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế

Với tầm nhìn xa trông rộng và nắm bắt được xu thế của thời đại, được sự đồng ý và ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo sư  Nguyễn Đình Đức đã mở ngành đào tạo tiến sỹ Cơ kỹ thuật (2013); thành lập phòng thí nghiệm và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư vật liệu và kết cấu tiên tiến (2015), mở ngành đào tạo kỹ sư công nghệ kỹ thuật xây dựng (2017) và thành lập Bộ môn Công nghệ kỹ thuật Xây dựng Giao thông trực thuộc trường năm 2018. Đến năm 2022, Bộ môn này đã nâng cấp lên thành Khoa Công nghệ Xây dựng Giao thông của Trường Đại học Công nghệ với quy mô đào tạo gần 600 sinh viên/năm. Cũng trong năm 2022, Giáo sư Đức đã xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ kỹ thuật xây dựng, hoàn chỉnh các bậc đào tạo đầy đủ theo khung trình độ quốc gia của lĩnh vực này.

Đến nay, 2 khóa kỹ sư xây dựng của trường Đại học Công nghệ đã ra trường. 100% các em sinh viên đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt có em khi ra trường đã được giao phụ trách kỹ thuật của tập đoàn quốc tế lớn. Năm ngoái, đội tuyển sinh viên của Khoa Công nghệ Xây dựng Giao thông tham gia cuộc thi Forum 8 tại Nhật Bản đã giành được giải thưởng quốc tế về thiết kế.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức là người đề xuất và thành lập ngành kỹ sư và thạc sỹ Civil Engineering ở Trường Đại học Việt Nhật, ngành kỹ sư Tự động hóa và Tin học ở Trường Quốc tế, ĐHQGHN.

Đây đều là những lĩnh vực quan trọng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, rất cần trong sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã bồi dưỡng nhiều thế hệ trẻ trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cho đất nước

Đóng góp những sáng kiến và quyết sách chiến lược thúc đẩy vị thế và xếp hạng đại học của ĐHQGHN trên các bảng xếp hạng quốc tế

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đại học Quốc gia Hà nội và Trường Đại học Công Nghệ như: Trưởng ban KHCN (2005-2008),Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN (2013-2023), Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN từ những năm 2008-2012.

Trên cương vị Trưởng ban KHCN, Giáo sư Đức là người đề xuất và xây dựng Đề án thành lập Quỹ phát triển KHCN của ĐHQGHN. Ông cũng là người đề xuất và phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ xây dựng các tiêu chí cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn, để từ đó có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học; xây dựng bài bản Kế hoạch chiến lược phát triển KHCN của ĐHQGHN giai đoạn 2005-2010, trong đó có những điểm mới như bắt đầu tập trung cho các nghiên cứu về biển và hải đảo, về sở hữu trí tuệ, về các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành và đặc biệt là chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN.

Trên cương vị Trưởng Ban Đào tạo, ngay từ năm 2013, Giáo sư Nguyễn Đình Đức là người xây dựng đề án và quy chế đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực ở ĐHQGHN. Ông cũng mạnh dạn xây dựng những chính sách đặc thù cho học sinh trung học phổ thông chuyên ở ĐHQGHN, cho phép học sinh chuyên xuất sắc có thể được ưu tiên xét thẳng vào đại học và được học tích lũy trước một số học phần ở bậc đại học; quy hoạch và phân tầng các ngành, chuyên ngành đào tạo ở ĐHQGHN; xây dựng các quy chế đào tạo bậc đại học, thạc sỹ, tiến sỹ ở ĐHQGHN với nhiều điểm tiên phong với yêu cầu cao về chất lượng và hội nhập quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đặc biệt chú trọng đến đào tạo tài năng và đào tạo tiến sỹ;  đã xây dựng Đề án đào tạo tiến sỹ chuẩn quốc tế và Đề án đổi mới hoạt động đào tạo tiến sỹ ở ĐHQGHN. Hiện nay ĐHQGHN là cơ sở đào tạo duy nhất trong cả nước yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế.

Ông cũng là người thúc đẩy tin học hóa quản lý đào tạo, đổi mới hoạt động giảng dạy, chú trọng STEM trong các chương trình đào tạo ở ĐHQGHN; xây dựng Đề án và triển khai các kỳ thi Olympic của ĐHQGHN nhằm lựa chọn học sinh giỏi của các trường THPT trên toàn quốc bổ sung cho nguồn tuyển sinh đầu vào đại học chất lượng cao của ĐHQGHN.

Hơn 10 năm trên cương vị trưởng Ban Đào tạo, với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, ông đã thúc đẩy thành công ĐHQGHN triển khai từng bước chuyển đổi cơ cấu các ngành nghề đào tạo, từ chỗ chỉ là Đại học mạnh về khoa học cơ bản, đã chuyển sang đào tạo và nghiên cứu những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mới, tiên tiến, liên ngành. Đến nay, quy mô tuyển sinh các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ ở ĐHQGHN từ 8% trong tổng số 7000 chỉ tiêu năm 2013, đã lên tới hơn 20% trong tổng số 15.000 chỉ tiêu trong năm 2023. Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ của ĐHQGHN đã vươn lên xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS năm 2022 và trở thành trụ cột trong tương lai phát triển của ĐHQGHN.

Hiện nay, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Giáo sư Nguyễn Đình Đức hăng hái nhiệt huyết cùng tập thể lãnh đạo nhà trường xây dựng Đề án tự chủ, quy hoạch và đổi mới cơ cấu ngành nghề cho tương lai; hoàn thiện cơ chế phối hợp và tự chủ đại học trong trường, quan tâm nâng cao đời sống của cán bộ giảng viên; cùng tập thể lãnh đạo trường xây dựng Chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 với tham vọng đến năm 2035 trường Đại học Công nghệ sẽ trở thành đại học kỹ thuật công nghệ tiên tiến của châu Á và 2045 lọt vào top 200 của thế giới.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức hăng hái nhiệt huyết cùng tập thể lãnh đạo nhà trường xây dựng nhiều đề án, chính sách góp phần phát triển Nhà trường

Niềm tự hào của các thế hệ học trò, của ĐHQGHN và Giáo dục đại học Việt Nam

Với những cống hiến và đóng góp xuất sắc của Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho ĐHQGHN và cho ngành giáo dục, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba (2016), Huân chương Lao động hạng Nhì (2022); và được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của ngành nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự nghiệp giáo dục; ông cũng là người đầu tiên được nhận giải thưởng Nhà Giáo của ĐHQGHN vào năm 2022.

Việc GS Nguyễn Đình Đức liên tiếp nhiều năm liền lọt top 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering and Technology) đã khẳng vị thế và uy tín của các nhà khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học quốc tế.

Trải qua 40 năm gắn bó với nghề, với Đại học Quốc Gia Hà Nội, GS Nguyễn Đình Đức là nhà giáo, nhà khoa học luôn cống hiến hết mình không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tấm gương kiên trì bền bỉ, đam mê khoa học của ông là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, là niềm tự hào của Đại học Quốc Gia Hà Nội và của giáo dục đại học Việt Nam.

(UET-News)

Xem thêm:

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Phát triển ngành chíp bán dẫn: Cần có chính sách cho doanh nghiệp và nguồn nhân lực

Để thúc đẩy ngành chip bán dẫn cần làm tốt 4 yếu tố gồm chiến lược phát triển, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng – nguồn lực và các cơ chế chính sách liên quan.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức CT Hội đồng Trường – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ. Tuy nhiên để Việt Nam còn cần nhiều nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp này tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu. Đó chia sẻ của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức CT Hội đồng Trường – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tới Diễn đàn Doanh nghiệp.

Thưa Giáo sư vậy nguồn lực nào là quan trọng nhất, Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về mục tiêu này?

Theo tôi nguồn nhân lực là quan trọng nhất bởi con người là trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển. Đối với nguồn nhân sự phục vụ cho lĩnh vực công nghệ đang được đào tạo và ra trường mỗi năm tại 300 trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Trong đó khoảng 35 trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến bán dẫn và vi mạch, trong số đó, 11 trường có các chương trình đào tạo truyền thống sát với lĩnh vực bán dẫn và vi mạch này. Đại học quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, với sứ mệnh thực hiện nghĩa vụ quốc gia, đang triển khai đào tạo khoảng 20 ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực bán dẫn như Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Vật lý, Vật liệu điện tử, Vật lý vô tuyến và điện tử, Cơ điện tử, công nghệ thông tin… Với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, kinh nghiệm thực hiện các đề tài dự án và kinh nghiệm hợp tác quốc tế, thực hiện đào tạo các khâu thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử, phát triển ứng dụng trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Bên cạnh đào tạo, hoạt động nghiên cứu cũng rất được chú trọng. Hiện nay Việt Nam có khoảng 1.000 công bố quốc tế liên quan đến ngành bán dẫn, khoảng 600 công bố liên quan đến vi mạch (tính thống kế đến cuối năm 2022). ĐHQGHN cũng đã có các đầu tư từ sớm cho các lĩnh vực liên quan đến bán dẫn và vi mạch, cho các phòng thí nghiệm tích hợp các hệ thống thông minh chuyên về thiết kế vi mạch, phòng sạch (cleanroom) cho nghiên cứu chế tạo vật liệu, linh kiện điện tử (Trung tâm Nano và năng lượng, TN trọng điểm Công nghệ Micro & Nano).

Nguồn nhân lực thuộc các ngành công nghệ kỹ thuật này được các đơn vị sử dụng nhân lực đánh giá cao, có kiến thức nền tảng tốt, chỉ cần thêm thời gian đào tạo chuyên sâu ngắn hạn khoảng 3 tháng là có thể đáp ứng làm việc tại các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn.

Tuy nhiên xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn trên quy mô toàn cầu. Hiện chúng ta có khoảng hơn 5000 kĩ sư thiết kế vi mạch.  Nhân lực lĩnh vực bán dẫn toàn cầu ước tính khoảng hơn 2 triệu, và có nhu cầu bổ sung thêm hơn một triệu nhân lực vào năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đến 2030 Việt Nam cần đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn nên nhiều trường đại học trên cả nước đã vào cuộc, đã có kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn trong thời gian tới.

Ngoài nền tảng là nguồn nhân lực, với nội lực thực tại của doanh nghiệp trong nước, chúng ta cần thiết lập vững chắc các trụ cột nào để phát triển ngành công nghiệp này, thưa Giáo sư?

Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, thuộc về sứ mệnh các trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ giỏi trong lĩnh vực này, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học.

Trụ cột thứ hai thuộc về sứ mệnh các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tham gia vào hệ sinh thái và các chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp phải đào tạo được các kỹ thuật viên lành nghề về vi mạch và bán dẫn. Việt Nam có lợi thế để tham gia khâu thiết kế và đóng gói, tiến tới tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm và trụ cột thứ ba là chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn, tiến tới các doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ được các công nghệ lõi.

Tóm lại cần làm tốt cả 4 yếu tố là chiến lược phát triển, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng – nguồn lực và các cơ chế liên quan.

Với các tiêu chí trên, Giáo sư đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển thị trường ngành công nghiệp chíp, vi mạch bán dẫn ở Việt Nam? Qua đó Giáo sư nhìn thấy những khó khăn và cơ hội nào cho doanh nghiệp trong nước?

Theo số liệu thống kê, quy mô của ngành điện tử Việt Nam đủ để phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử, được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt như Viettel và FPT bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng IC toàn cầu. Nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel tại TP HCM đến cuối năm 2022 đã xuất xưởng hơn ba tỷ chip và có kế hoạch tiếp tục đầu tư thời gian tới. Có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào thị trường này.

Các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu đã, đang và tiếp tục đầu tư và Việt Nam như Amkor, Marvell, Sysnosys, Infineon Technologies, Hana Micron, Samsung…Tháng 9/2023, tại Hà Nội, hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á (thành viên của hiệp hội bán dẫn toàn cầu) đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2023: Kết nối Việt Nam với Hệ sinh thái bán dẫn Đông nam Á. Hội nghị thu hút đông đảo các doanh nghiệp trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu tới tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cuối năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden sang Việt Nam; Thủ tướng Việt Nam đã đi thăm một số công ty bán dẫn lớn tại Mỹ. Các công ty này cũng đã bày tỏ mong muốn giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn. Tất cả những nhân tố đó cộng với lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam với quy mô dân số vàng, lực lượng lao động trẻ, năng động, thông minh, chăm chỉ là nguồn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao tiềm năng.

Bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn gồm nhiều khâu từ thiết kế, chế tạo đến kiểm thử, đóng gói và phân phối. Việt Nam hiện đào tạo nhiều ngành để tham gia vào ngành công nghiệp này. Quy mô của ngành điện tử Việt Nam hiện nay đủ để phát triển ngành vi mạch bán dẫn trong các khâu thiết kế và đóng gói.

Điểm mấu chốt để bứt phá với các doanh nghiệp Việt Nam là phải làm chủ công nghệ, có công nghệ lõi chứ không phải chỉ vận hành dây chuyền. Đặc biệt là phải nhanh chóng tham gia được vào chuỗi phân phối sản phẩm trong thời gian tới.

Sản xuất camera AI sử dụng chíp bán dẫn tại Tập đoàn Bkav.

Để thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở trong nước trong tương lai, Giáo sư có những ý kiến nào cần đề xuất?

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực trong lĩnh vực này, chúng ta cần xác định đầu tư vào từng mảng nhân lực cụ thể. Nếu Việt Nam hướng đến thiết kế chip thì các lĩnh vực cần đầu tư đào tạo thêm là Kĩ thuật điện tử, Kĩ thuật máy tính, Vật lí. Còn nếu hướng đến chế tạo chip thì phải có Vật lí, Tự động hóa, Điện tử… Còn hướng tới đóng gói chip là Điện tử, Hóa, Tự động hóa… Như vậy phân khúc thị trường sẽ yêu cầu các ngành đào tạo phù hợp. Tóm lại là cần có một kịch bản và chiến lược quốc gia trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó về cơ chế, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực; Thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước trong lĩnh vực tham gia giảng dạy tại các trường đại học; Huy động nguồn lực và đội ngũ thức Việt kiều. Đồng thời cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng đào tạo; tăng cường đầu tư các đề tài, dự án nâng cao năng lực nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan;

Đặc biệt cần có chính sách và nguồn lực để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu quốc tế, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực liên quan đến vi mạch và bán dẫn trong các trường đại học, viên nghiên cứu và cả trong các doanh nghiệp.

Mặt khác, các trường Đại học cũng cần thống nhất với nhau quy hoạch, rà soát và  xây dựng các chương trình đào tạo theo các định hướng như đã đề cập trên đây; chia sẻ giáo trình, học liệu, phần mềm thiết kế trong các đơn vị đào tạo;

 Xin cảm ơn Giáo sư!

GS.TS Nguyễn Đình Đức làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam

TPO – Hôm nay, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo khoa học “ Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam” và ra mắt Câu lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Tại hội thảo, các báo cáo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học (ĐH) và ĐH số trong thời đại ngày nay; đến chuyển đổi số trong giáo dục, sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường – đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho giáo dục đại học.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức (người bên phải) nhận Quyết định thành lập Câu lạc bộ

Từ thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo; chuẩn đầu ra; phương pháp dạy và học mới; cũng như các tiêu chuẩn những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục ĐH; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu.

Hội thảo cũng đề cập đến tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Khi được kiểm định theo chuẩn quốc tế, người tốt nghiệp đại học từ trường y quốc tế được WFME công nhận, có thể tiếp tục theo học chương trình nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,…

Nhân dịp này, Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ.

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 15 người, đại diện cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước.

GS Nguyễn Đình Đức khẳng định Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như : thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ đại học; mô hình đại học – trường đại học ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học; xây dựng đại học số của Việt Nam; Xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế và bối cảnh CMCN 4.0; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam; nghiên cứu hỗ trợ học sinh tự kỷ trong giáo dục đại học,…

Câu lạc bộ cũng sẽ nghiên cứu thảo luận về các chủ đề rất thiết thực như: đổi mới chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng trong các cơ sở giáo dục ĐH ; đẩy mạnh STEM trong giáo dục ĐH; chia sẻ tài nguyên, học liệu trong hệ thống giáo dục đại học; giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH nhằm đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ra mắt Câu Lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam

Ngày 20.12.2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ ra mắt Câu Lạc Bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”.

Câu Lạc bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 58/QĐ-HH-CLB của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực  Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam trao Quyết định thành lập Câu Lạc Bộ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam tới GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Trong lễ ra mắt Ban chủ nhiệm CLB hôm nay, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhấn mạnh: “Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như: thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ đại học; mô hình đại học – trường đại học ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học; xây dựng đại học số của Việt Nam; Xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo hội nhập với quốc tế và bối cảnh CMCN 4.0; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam; nghiên cứu hỗ trợ học sinh tự kỷ trong giáo dục đại học,…

Câu lạc bộ cũng sẽ nghiên cứu thảo luận về các chủ đề rất thiết thực như: đổi mới chuẩn đầu ra và cấu trúc chương trình đào tạo; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng trong các cơ sở GDĐH; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; chia sẻ tài nguyên, học liệu trong hệ thống giáo dục đại học; giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng các hoạt động NCKH của các cơ sở GDĐH nhằm đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội cho biết, sự ra đời Câu Lạc bộ này là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Đảm bảo chất lượng của các Trường Đại học ngày hôm nay. Tôi cho rằng, chỉ có sự đồng hành của các Trường Đại học, Các doanh nghiệp và Các cơ quan quản lý thì chúng ta mới có thể xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến tại Việt Nam và là cái gốc để xây dựng một tương lai tươi sáng cho lực lượng lao động Việt Nam. Chỉ có như vậy, thì chúng ta mới có thể vươn lên thành các trường đại học có đẳng cấp quốc tế, vươn lên thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ có như thế Việt Nam mới vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu”. 

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 15 người, đại diện cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước. Ban Thư ký sẽ do Chủ nhiệm Câu lạc bộ quyết định thành lập.

Thành viên của Câu lạc bộ (CLB) là các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), cao đẳng, các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tham gia nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong các cơ sở GDĐH, bao gồm các hoạt động: tuyển sinh, phát triển chương trình, giáo trình, cập nhật tài liệu chuyên môn, đổi mới phương pháp và công nghệ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên và phục vụ cộng đồng, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau để phát huy tốt ảnh hưởng của các trường có lợi thế; hỗ trợ các trường còn khó khăn, góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng GDĐH của Việt Nam.

Các đại biểu tại hội nghị 

Tại lễ ra mắt, Ban tổ chức đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”, các báo cáo tham gia hội thảo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học và đại học số trong thời đại ngày nay; đến chuyển đổi số trong giáo dục, sự phát triển, ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường – đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho giáo dục đại học.

Từ thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo; chuẩn đầu ra; phương pháp dạy và học mới; cũng như các tiêu chuẩn những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu.

Các chuyên gia cho rằng, trong báo cáo về kiểm định chất lượng nhận định từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi và ra đời Nghị định 81, bên cạnh việc kiểm định cơ sở đào tạo, các trường đã rất tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Về tổng thể có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh ra các học phần.

Báo cáo tại Hội thảo cũng đề cập đến tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Khi được kiểm định theo chuẩn quốc tế, người tốt nghiệp đại học từ trường y quốc tế được WFME công nhận, có thể tiếp tục theo học chương trình       nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,…

Nhật Hồng

Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ – Ngày 20/12 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo ‘Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học’.

Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Hội thảo “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học” và ra mắt Câu lạc bộ mạng lưới Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đồng tổ chức.

Tại hội thảo, các báo cáo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường đại học và đại học số trong thời đại ngày nay; đến chuyển đổi số trong giáo dục, sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường – đều là những nhân tố mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội 5.0, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho giáo dục đại học.

Từ thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo; chuẩn đầu ra; phương pháp dạy và học mới; cũng như các tiêu chuẩn những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, làm định hướng cho sự phát triển của các trường đại học Việt Nam trong thời gian tới.

Các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục đại học; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu.

Ra mắt Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Trong báo cáo về kiểm định chất lượng nhận định từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi và ra đời Nghị định 81, bên cạnh việc kiểm định cơ sở đào tạo, các trường đã rất tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Về tổng thể có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh ra các học phần.

Báo cáo tại Hội thảo cũng đề cập đến tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Khi được kiểm định theo chuẩn quốc tế, người tốt nghiệp đại học từ trường y quốc tế được WFME công nhận, có thể tiếp tục theo học chương trình nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,…

Tại hội thảo, Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đã ra mắt, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 15 người, đại diện cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cả nước. Thành viên của Câu lạc bộ là các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục đại học, các chuyên gia và các nhà khoa học. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội đã phát biểu chào mừng và nhấn mạnh: Sự ra đời Câu Lạc bộ này là sự kiện lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng với giáo dục đại học Việt Nam.

Chuẩn đầu ra và ngoại ngữ là những khâu còn yếu của các trường đại học

Các trường đại học (ĐH) đang tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Về tổng thể có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh ra các học phần…

Ngày 20/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam”.

Tại hội thảo, các báo cáo đã đề cập đến xu thế vận động và mô hình mới của trường ĐH; đề cập đến chuyển đổi số trong giáo dục, sự phát triển và ứng dụng mạnh mẽ và nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Từ thực tế này cũng nảy sinh yêu cầu về cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp cận mới trong xây dựng chương trình đào tạo; chuẩn đầu ra; phương pháp dạy và học mới; cũng như các tiêu chuẩn về những tiêu chí và phương pháp đánh giá mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH, làm định hướng cho sự phát triển của các trường ĐH Việt Nam trong thời gian tới.

Hiệu trưởng nhiều trường ĐH tham gia hội thảo, đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đề xuất thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, đi đôi với xây dựng thể chế, khung pháp lý để hỗ trợ người học và giảng viên trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; thúc đẩy xây dựng trường học thân thiện, thông minh; đẩy mạnh xây dựng và khai phá dữ liệu; đẩy mạnh STEM trong giáo dục ĐH; xây dựng các phần mềm mô phỏng kết hợp với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu.

 Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Ủy viên thường vụ BCH Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, các trường ĐH hiện rất tích cực kiểm định các chương trình đào tạo. Về tổng thể có 3 yếu tố được đánh giá cao nhất là đội ngũ giảng viên, đội ngũ nhân viên, người học và hoạt động hỗ trợ người học. Các yếu tố còn yếu cần cải thiện là chuẩn đầu ra, ngoại ngữ, kiểm tra đánh ra các học phần.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao là cốt lõi sự phát triển và thịnh vượng quốc gia. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải xây dựng chiến lược phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời phải đầu tư mạnh mẽ cho các trường ĐH trọng điểm. Mặt khác, phải luôn xác định “tự chủ đại học” là một xu thế tất yếu, do đó phải sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về mô hình ĐH, trường ĐH; về quản trị ĐH cách mạng 4.0. Quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện từ đầu vào (chương trình đào tạo) và đầu ra (kiểm tra đánh giá). Có chính sách đãi ngộ thật tốt với trí thức…

“Tôi muốn chúng ta phải hướng tới xây dựng “ĐH số” – đáp ứng được các tiêu chí như khả năng tự động thích ứng, khả năng tự học, khả năng dự báo, khả năng tự vận hành. Còn hiện xây dựng mô hình ĐH 4.0 thì chuyển đổi số sẽ chiếm 20%, đổi mới sáng tạo chiếm 30% và khoa học công nghệ – công bố phải chiếm tới 50%”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

GS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ đề nghị chiến lược phát triển giáo dục ĐH Việt Nam phải tính đến xây dựng “ĐH số”.

GS.TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược – ĐH Huế cho biết tính cấp thiết và các tiêu chí, quy trình kiểm định các chương trình thuộc khối sức khỏe với mục tiêu thúc đẩy hội nhập và công nhận văn bằng với quốc tế trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Khi được kiểm định theo chuẩn quốc tế, người tốt nghiệp ĐH từ trường y quốc tế được WFME công nhận, có thể tiếp tục theo học chương trình nội trú để hành nghề tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, New Zealand,…

*Cũng trong ngày 20/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố quyết định và lần đầu tiên ra mắt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ, được chỉ định làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ sẽ bám sát Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu và thảo luận về các chủ đề như: Thúc đẩy hoàn thiện thể chế và mô hình tự chủ ĐH; mô hình ĐH – trường ĐH ở Việt Nam; đẩy mạnh khai thác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH; đánh giá thực trạng và cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo ở Việt Nam; giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam…

Thành viên của Câu lạc bộ là các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm đến giáo dục ĐH, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tham gia nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, hội nhập quốc tế, góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Khoa để lại dấu ấn trong hành trình 30 năm phát triển của ĐHQGHN

Được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ với sứ mạng là đại học trọng điểm quốc gia – một trung tâm đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, ngang tầm khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, làm nòng cốt và đầu tàu đổi mới cho hệ thống giáo dục nước nhà. Sau 30 năm hình thành và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu lớn, qua đó không chỉ khẳng định vị thế là nơi truyền bá tri thức, mà còn là nơi sáng tạo tri thức mới, là đại diện tiêu biểu của nền học thuật quốc gia – dân tộc.