Hợp tác với Đại học Kanto Gakuin (Nhật Bản) trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật xây dựng

Ngày 26/09, Đoàn  các giáo sư của Đại học Kanto Gakuin (Nhật Bản) đã tới thăm  ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật xây dựng. Đoàn do GS. TS Hiroyoshi Kiku – Hiệu trưởng dẫn đầu.

GS. TS Hiroyoshi Kiku – Hiệu trưởng Trường Đại học Kanto Gakuin đã giao lưu, nói chuyện với sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng với chủ đề về sự phát triển và tầm quan trọng của lĩnh vực kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Nhà G3.

Tham dự buổi giao lưu và tiếp đoàn về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Phạm Minh Triển – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Chủ nhiệm khoa CHKT&TĐH, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông trực thuộc trường, ThS. Vũ Bích Hà – Phó trưởng phòng Đào tạo.

Phát biểu tại buổi giao lưu, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà khẳng định buổi giao lưu giữa Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin với sinh viên trường ĐHCN nhằm định hướng nghề nghiệp tương lai cho sinh viên. Đồng thời giúp các em thấy được khả năng phát triển ngành nghề của bản thân, cũng như cơ hội việc làm đối với lĩnh vực kỹ thuật xây dựng dân dụng tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Trong phần giao lưu với sinh viên, GS. TS Hiroyoshi Kiku nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành kỹ thuật xây dựng: “Tôi muốn các bạn tân sinh viên cần nhận thức rằng ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng là một ngành học cao quý, là một nghề quan trọng đối với các quốc gia, với xã hội cũng như với tất cả mọi người; và tự sự nhận thức một cách đầy đủ đó sẽ tạo động lực cho các bạn trong suốt quá trình học tập sắp tới đây ở trường đại học”.

Chia sẻ về ý nghĩa của từ kỹ thuật xây dựng dân dụng, Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin cho biết: “Lĩnh vực về kỹ thuật xây dựng mà các bạn sẽ học trong thời gian tới có thể coi là một ngành kỹ thuật tổng hợp rất rộng lớn. Bên cạnh các ngành thuộc về lực học, nguyên vật liệu học như ngành cấu trúc xây dựng, địa chất, thủy văn hay cấu tạo bê tông còn bao gồm cả các ngành kỹ thuật ứng dụng như kỹ thuật dự phòng thiên tai, kỹ thuật quan trắc động đất, và các ngành mang tính kinh tế – xã hội sâu sắc như kỹ thuật giao thông, phát triển đô thị; tất cả các ngành, lĩnh vực đó đều thuộc phạm trù kỹ thuật xây dựng. Trong quá trình học tập, điều các bạn được học không phải là các kỹ năng để trờ thành các người thợ lành nghề, mà trên hết các bạn sẽ được đào tạo để trở thành các kỹ sư, các nhà kỹ thuật nắm rõ các kỹ năng, trở thành các nhà quản lý cho các dự án xây dựng trong tương lai. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, yếu tố tối quan trọng với các bạn đó là phải nhận thức rõ về triết lý và tinh thần làm việc của một kỹ sư xây dựng, và nhiệt huyết đóng góp cho phát triển xã hội, con người”. (Giới thiệu về toàn văn bài phát biểu của Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin).

Một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực xây dựng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định dựa trên vốn ODA dành cho lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam những năm qua rất lớn, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và doanh thu từ xây dựng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu GDP của Việt Nam, đã cho thấy lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản có vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Từ khi thành lập cho đến nay, ĐHQGHN luôn có thế mạnh về khoa học cơ bản và đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các ngành khoa học cơ bản sang các ngành kỹ thuật công nghệ, liên ngành. Dựa vào các thế mạnh của Trường ĐHCN nói riêng  và ĐHQGHN nói chung về toán học, vật lý, cơ học, CNTT và các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cao, vì vậy các kỹ sư xây dựng của ĐH Công nghệ có sự khác biệt và khi tốt nghiệp đều có khả năng làm việc và hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở trong và ngoài nước. Thay mặt cán bộ và sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Giáo sư Nguyễn Đình Đức bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các giáo sư Nhật Bản và hi vọng trong thời gian tới cả hai bên sẽ có thêm nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa trong lĩnh vực này.

Kết thúc buổi giao lưu với sinh viên, đoàn trường Đại học Kanto Gakuin tiếp tục trao đổi về việc hợp tác cụ thể với Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông – Trường ĐHCN trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu trong linh vực công nghệ kỹ thuật xây dựng. Mục đích của buổi làm việc là triển khai hợp tác theo văn bản đã ký kết giữa Trường ĐHCN và Trường Đại học Kanto Gakuin. Cụ thể, trong thời gian tới Trường ĐHCN sẽ trao đổi, phối hợp đào tạo các học viên cao học; tổ chức khóa học ngắn hạn tại Trường ĐHCN với sự tham gia của giảng viên Trường ĐH Kanto Gakuin; ĐH Kanto Gakuin sẽ bảo trợ, giúp đỡ ĐH Công nghệ trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cũng như đào tạo sau đại học tại Nhật Bản; hỗ trợ xây dựng các phòng thí nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo cũng như khả năng thực hành, thực tập cho sinh viên trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xây dựng.

Trường Đại học Kanto Gakuin được thành lập năm 1884 nằm ở tỉnh Yokohama của Nhật Bản, có lịch sử xây dựng và phát triển hơn 130 năm, là một trường nổi tiếng tại Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ bề mặt vật liệu và công nghệ xây dựng dân dụng. Đối với bậc đại học, Trường Đại học Kanto Gakuin có 10 khoa với 11.000 sinh viên; bậc sau đại học có 4 khoa.

Tuyết Nga (UET)