Nhóm nghiên cứu là phương hướng và mục tiêu phát triển tất yếu của các đại học tiên tiến

Với định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia Hà Nội đã luôn chú trọng việc gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Lần đầu tiên tại Việt Nam và trong khuôn khổ các trường đại học, Hội thảo quốc gia về Xây dựng và Phát triển các Nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường đại học Việt Nam đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN.

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo và kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.

Các đại biểu tại Hội thảo quốc gia về Xây dựng và Phát triển các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học Việt Nam

Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm nhiệm vụ, đồng thời là Trưởng Ban Tổ chức của Hội thảo cho biết, mục tiêu của hội thảo là làm rõ những tiêu chí, mô hình của NNC; vai trò của NNC trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và tiềm lực KHCN của đơn vị; nghiên cứu các nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả hoạt động của NNC; đánh giá thực trạng các NNC trong các trường đại học Việt Nam hiện nay, xác định nguyên nhân của các tồn tại hạn chế, đồng thời từ kết quả nghiên cứu và khảo sát thực tiễn đề xuất ra các mô hình, cơ chế hoạt động mới, các chính sách để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các NNC phát triển nhanh và mạnh hơn, nhằm tạo ra những đột phá về chất lượng cho giáo dục đại học Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu là tế bào sống của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nhóm nghiên cứu chính là mô hình để thông qua đó gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo. Chức năng quan trọng nhất của trường đại học là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu). Trong Đại học nghiên cứu, NCKH luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Trên thế giới, danh tiếng của các trường đại học lớn thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi các nhà khoa học phát minh ra chúng. Mặc dù vậy, nhà khoa học luôn cần có các cộng sự để tạo lập nên nhóm nghiên cứu cùng phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng các trường phái học thuật hoặc giải quyết các vấn đề khoa học liên ngành. Bản thân các nhóm nghiên cứu lại trở thành môi trường khoa học thuận lợi nhất để các nhà khoa học tập hợp lực lượng, trao đổi học thuật và cùng giúp nhau tiếp cận và giải quyết các vấn đề mới của khoa học. Không dừng lại ở đó, mô hình nhóm nghiên cứu ngày càng được công nhận là một phương thức và mục tiêu phát triển của các trường đại học tiên tiến 시알리스 가격. Bởi lẽ, các nhóm nghiên cứu không chỉ có vai trò thu hút các nhà khoa học tài năng, giàu chuyên môn mà còn góp phần phát triển đội ngũ nhân lực, nhất là qua hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh. Xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh thì mới triển khai được các hoạt động nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học đỉnh cao. Sự phát triển của các nhóm nghiên cứu sẽ giúp tăng các công bố quốc tế, từ đó sẽ nâng được thứ bậc và xếp hạng của các trường đại học.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày tham luận tại Hội thảo

Nhóm nghiên cứu tại Việt Nam: đã có chính sách nhưng chưa tương xứng

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở khảo sát từ 142/271 trường đại học, hiện nay trong hệ thống các trường đại học đã hình thành gần 950 cơ sở nghiên cứu, trung bình một trường đại học có 7 NNC. Đây là một kết quả đáng mừng, cho thấy việc tạo lập các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam đang được đẩy mạnh, nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, gia tăng công bố quốc tế rất mạnh trong 5 năm gần đây…

Mặc dù vậy, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cùng các cộng sự đã tiến hành khảo sát để thấy được những tồn tại, hạn chế của các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay như là số lượng các công bố quốc tế của các NNC còn khá khiêm tốn. Trong đó, có 37,5% số giảng viên của 40 trường đại học được hỏi chưa có công bố quốc tế ISI/Scopus, và 34,7% chưa có công bố quốc tế nào khác. Số các giảng viên có công bố quốc tế ISI/Scopus trên 5 bài chỉ có 34,2% và hơn 60% chưa có sách chuyên khảo nào. Thêm vào đó, chỉ có 75% các nhóm nghiên cứu được khảo sát được dẫn dắt bởi các GS hoặc PGS. Đặc biệt, hạn chế lớn nhất của các NCC tại Việt Nam hiện nay là về nguồn lực khi kinh phí cho các đề tài rất khiêm tốn và thường bị cấp chậm, mặt khác, cơ sở vật chất, thiết bị đầu tư cho nghiên cứu không có, hoặc rất thiếu, hoặc không đồng bộ.

Nhóm nghiên cứu hoạt động tại phòng thí nghiệm

Từ kết quả trên, GS Đức đề xuất “Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển các NNC trong các trường đại học. Thực tế cho thấy các NNC thuộc các lĩnh vực khác nhau cần có những chính sách khác nhau. Bên cạnh đó, có thể áp dụng cơ chế khoán theo sản phẩm đầu ra cho từng NNC để thúc đẩy tính năng động và sáng tạo của NNC”

Ông Phạm Hùng Hiệp (Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, Trường ĐH Phú Xuân) chia sẻ, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu tức là đầu tư cho các trưởng nhóm, đó là các nhà khoa học có trình độ, thể hiện qua sản lượng và chất lượng công bố quốc tế của họ, chính vì vậy cần thực hiện chính sách xoay quanh các nhà khoa học trình độ cao. Thực tiễn cho thấy vai trò của các nhóm nghiên cứu rất quan trọng nhưng chưa có nhiều chương trình nghiên cứu đưa ra được những tổng kết, lý luận, kinh nghiệm quốc tế cũng như kết quả của các nhóm nghiên cứu trong cả nước. Hội thảo lần này là lần đầu tiên trong cả nước, với quy mô quốc gia liên quan đến chủ đề này. Ông hy vọng trong thời gian tới, những hội thảo có ý nghĩa như vậy sẽ tiếp tục được tổ chức.

Ông Phạm Hùng Hiệp (Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Giáo dục, Trường ĐH Phú Xuân)

ĐHQGHN tiên phong xây dựng giải pháp cụ thể, đầu tư thiết thực cho các nhóm nghiên cứu

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng và giải pháp phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tại ĐHQGHN.

Các đại biểu trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Với định hướng và tầm nhìn dài hạn hướng đến việc trở thành một đại học nghiên cứu, nên sứ mệnh NCKH được ĐHQGHN đặc biệt chú trọng. Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của NNC với việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, ĐHQGHN đã tập trung xây dựng và phát triển các NNCM, các trung tâm xuất sắc (Center of Excellence – CEO) và các mạng lưới liên hoàn, điều này được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Trong nhiều năm qua ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường năng lực KH&CN cho các đơn vị thành viên, trong đó ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển các NNCM như Chính sách kiện toàn hệ thống mạng lưới phòng thí nghiệm; Chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo; Chính sách đổi mới quản lý nhiệm vụ KH&CN.v.v. như tính đến tháng 10 năm 2018, ĐHQGHN có tổng cộng 28 nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có trên 100 nhóm nghiên cứu khác nhau được chia theo 4 loại hình nghiên cứu gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu liên ngành.

Khoa học ứng dụng và khoa học liên ngành phát triển, đòi hỏi các nhóm nghiên cứu phải phát triển theo nhóm đa ngành và liên ngành, thay vì đơn ngành như trước đây. Nhận thức được xu thế đó, ĐHQGHN đã quy hoạch, sắp xếp các nhóm nghiên cứu gắn với các mục đích khác nhau như nhóm nghiên cứu chỉ phục vụ công tác đào tạo, thực hành, thực nghiệm của sinh viên; nhóm nghiên cứu để phát triển các công bố quốc tế; nhóm nghiên cứu để triển khai nhiệm vụ ứng dụng hoặc nhóm nghiên cứu mạnh để tạo ra những sản phẩm tiêu biểu đặc sắc. Sự phân cấp trong quản lý, tổ chức và đầu tư các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN đã giúp mô hình này ngày càng phát triển và đạt được các chỉ tiêu đặt ra, góp phần quan trọng thúc đẩy xếp hạng ĐHQGHN trong nước và trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN cho biết “trong thời gian đầu, ĐHQGHN hướng tới tổ chức các nhóm nghiên cứu để tạo ra một đại học định hướng nghiên cứu, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nhưng bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đang chuyển theo hướng đổi mới, sáng tạo và đưa ra các sản phẩm khoa học để kết nối với các doanh nghiệp, để từ đó các doanh nghiệp có thể bỏ kinh phí, nguồn lực, phương pháp và công nghệ để sát cánh cùng các nhà khoa học trong việc tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ tiến hành đầu tư, phát triển các phòng thí nghiệm mang tính nghiên cứu triển khai và thương mại hóa nhiều hơn để tích hợp với các doanh nghiệp nhằm đưa các nhóm nghiên cứu gắn với doanh nghiệp để cùng giải quyết vấn đề của từng địa phương”

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định việc nâng cao chất lượng, kết quả của hoạt động NCKH và xây dựng các NNC trong các trường đại học là hai hoạt động quan trọng. Trong những năm qua, mô hình NNC được triển khai ở ĐHQGHN và một số trường đại học khác ban đầu đã có những kết quả và thành tích tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều đó cho thấy khi một đơn vị có cơ chế khoa học công nghệ tốt có khả năng khuyến khích, tạo động lực giải phóng sức sáng tạo khoa học và sức làm việc của các thầy/cô, nhà khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển của NCKH, Bộ GD&ĐT và Bộ KHCN sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách để hình thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mạnh thực sự và sống được bằng khoa học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu kết luận tại Hội thảo

Posted in Tin Tức and tagged , , , .

Trả lời