GS Nguyễn Đình Đức: Nhật Bản xậy dựng xã hội 5.0

 Nhật Bản xây dựng xã hội 5.0

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội

            Cả thế giới đang ở trong bôi cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng hiện nay, Nhật Bản đã nói tới và đề ra nhiệm vụ xây dựng Xã hội 5.0.

Vậy xã hội 5.0 của người Nhật là gì?

Khái niệm “Xã hội 5.0” được đề xuất trong Kế hoạch Khoa học Công nghệ lần thứ 5 của Chính phủ Nhật Bản (the 5th Science and Techonology Basic Plan) 2016-2020. Các Kế hoạch Khoa học Công nghệ của Nhật Bản được xây dựng 5 năm một lần, kể từ lần đầu tiên vào năm 1996, căn cứ theo Luật Cơ sở về Khoa học và Công nghệ ban hành năm 1995. Luật này ra đời trong bối cảnh nước Nhật có mong muốn mạnh mẽ đột phá khỏi con đường khoa học công nghệ từ trước đến nay do phương Tây dẫn đầu, tiến lên khám phá những lĩnh vực khoa học công nghệ chưa từng có ai đặt chân đến, để góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu, những vấn đề thách thức nhân loại. Căn cứ trên các Kế hoạch Khoa học Công nghệ, suốt 20 năm qua, chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, cải tổ cơ chế tổ chức thực hiện nghiên cứu và phát triển, xây dựng và trang bị các cơ sở nghiên cứu hiện đại, mở rộng hoạt động trao đổi và hợp tác quốc tế …

Trong Kế hoạch Khoa học và Công nghệ lần thứ năm, ngay từ 2016, khái niệm Xã hội 5.0 được Nhật Bản định nghĩa là “một xã hội lấy con người là trung tâm; là xã hội cân bằng giữa phát triển về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực”.

           Tại sao Nhật Bản lại đề ra xã hội 5.0

Xuất phát từ những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhu cầu cao về sản xuất lương thực và các sản phẩm tiêu dùng phục vụ cho sự gia tăng dân số trên toàn cầu, cùng với những vấn đề kinh tế và xã hội mà nước Nhật đang phải đối mặt như: sự cạnh tranh kinh tế trên toàn cầu, xã hội “siêu” già hóa với hơn 100,000 người trên 100 tuổi (trong tổng dân số 120 triệu người) với gánh nặng chăm sóc y tế ngày càng tăng, dân số trẻ sụt giảm khiến thiếu lao động đặc biệt là lao động trong những lĩnh vực có mức độ sáng tạo thấp …, Kế hoạch Khoa học Công nghệ lần thứ 5 của Nhật Bản đã đề xuất khái niệm Xã hội 5.0 và các định hướng, các chính sách về khoa học và công nghệ để tiến đến Xã hội 5.0, một mặt khẳng định vị thế của Nhật Bản trong quá trình cạnh tranh toàn cầu, mặt khác đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung của nhân loại và giải quyết những vấn đề riêng của nước Nhật, hướng đến một sự phát triển bền vững.

Xã hội 5.0 của Nhật bản gồm những nội dung gì?

Theo quan niệm của Nhật Bản, từ trước đến nay xã hội loài  ngườ đã trải qua:

“Xã hội 1.0” là Thời kỳ nguyên thủy săn bắn,

“Xã hội 2.0” là Xã hội nông nghiệp

“Xã hội 3.0”  là Xã hội công nghiệp, là thời kỳ cơ khí hóa với đầu máy hơi nước và việc sử dụng điện

“Xã hội 4.0” là Xã hội thông tin, trong đó giá trị gia tăng được tạo ra nhờ việc kết nối các tài sản phi vật chất qua mạng internet.

Với Xã hội 5.0, có bốn yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nhất trí tuệ nhân tạo (AI), big data, tự động hóa (robot) và IoT (internet vạn vật). Trong Xã hội 5.0, một lượng dữ liệu vô cùng lớn được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau, thông qua IoT, từ các cảm biến, camera v.v. trong không gian thực được tích lũy vào “không gian đám mây” (có thể gọi là không gian ảo). Tại không gian ảo đó, trí tuệ nhân tạo với khả năng phân tích, dự đoán vượt cả trí tuệ của con người sẽ phân tích khối dữ liệu khổng lồ nói trên, và truyền kết quả phân tích trở lại cho không gian thực dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Trước đây, trong xã hội thông tin (Xã hội 4.0), dữ liệu được thu thập về sẽ do con người phân tích, còn trong Xã hội 5.0, con người, vạn vật và các hệ thống được kết nối với nhau tại không gian ảo, siêu thông minh. Có thể ví von một cách hình tượng cho dễ hiểu là không gian ảo có trí tuệ nhân tạo là bộ não, robot-tự động hóa là cơ bắp và IoT và các dữ liệu lớn được phân tích làm nên hệ thần kinh, và kết quả phân tích được kỳ vọng là những kết quả tối ưu, vượt quá cả khả năng phân tích của con người. Nếu trong Xã hội 4.0, người máy thực hiện, thao tác theo sự điều khiển của con người, thì trong Xã hội 5.0, sẽ có người máy siêu thông minh, biết cảm thụ và nhận thức, có thể đưa ra các quyết định thay cho con người.

Tác động và ảnh hưởng của Xã hội 5.0 sẽ như thế nào?

Trên đà định hướng phát triển đó, người Nhật đang chạy đua nước rút, chuẩn bị để Thế giới chứng kiến thế vận hội 2020 tại Nhật Bản ngỡ ngàng với những thành phố thông minh, giao thông thông minh và những sản phẩm mới, siêu thông minh.

Người ta cho rằng trong Xã hội 5.0, cuộc sống của con người sẽ tốt đẹp hơn. Xã hội con người sẽ giải quyết được các vấn đề như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu lương thực, xóa khoảng cách giàu nghèo. Con người sẽ được hưởng những sản phẩm, dịch vụ, tiện ích tốt hơn, với số lượng vừa đủ, tại thời điểm phù hợp nhất.

Cụ thể, trong lĩnh vực chăm sóc y tế, có thể hình dung người cao tuổi sẽ không cần vất vả đi khám tại các bệnh viện khác nhau do nhiều bệnh khác nhau, mà có thể được chẩn đoán từ “bác sĩ ảo” qua màn hình máy tính từ nhà, được phát thuốc đến tận nhà bằng các phương tiện bay, hoặc được chăm sóc y tế bằng các robot.

Trong lĩnh vực giao thông, các xe tự lái sẽ giúp người tham gia giao thông thư giãn và an toàn, việc giao nhận bằng các phương tiện bay tự hành cũng sẽ giúp giảm thiểu lượng giao thông trên đường espanolcialis.net.

Trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng, toàn bộ hệ thống sẽ được các cảm biến, camera giám sát và đo, xây lắp sử dụng nhiều robot, qua đó thực hiện xây dựng với độ chính xác cao, có kế hoạch duy tu bảo dưỡng tối ưu và ít sử dụng nhân công.

Tuy nhiên, để đạt được những thành quả đáng mong đợi đó trong Xã hội 5.0, sẽ cần phải vượt qua những rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ ngành (và xa hơn, thâm chí sẽ là giữa các quốc gia) với nhau; vượt qua rào cản về hệ thống pháp lý để tạo ra hành lang pháp lý mới phù hợp hơn với những dịch vụ mới, công nghệ mới; vượt qua rào cản về công nghệ; rào cản về sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội; và cả rào cản về nhận thức, về sự chấp nhận của con người đối với những hình thái sản phẩm và  dịch vụ mới.

Kết luận. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ và với việc xây dựng Xã hội 5.0, người Nhật đã có tầm nhìn vượt lên hiện tại, nhằm xây dựng một xã hội  thích ứng tốt nhất với những thành tựu của cuộc cách mạng này. Xã hội 5.0 chính là xã hội mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, siêu thông minh, nhưng phát triển một cách bền vững vì con người, cho con người. Cách tiếp cận Xã hội 5.0 đảo ngược cách tiếp cận truyền thống. Theo truyền thống, sự đổi mới được thúc đẩy bởi công nghệ, làm cho xã hội phát triển. Xã hội 4.0, số hóa là trung tâm. Với xã hội 5.0, số hóa là phương tiện, con người mới là đạo diễn chính, làm cho con người hạnh phúc và được hưởng nhiều tiện ích mới trong xã hội siêu thông minh. Xã hội 5.0 điều tiết và làm cân bằng sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế số hóa và sự phát triển xã hội.Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ và Xã hội 5.0 chính là quan hệ sản xuất mới, phù hợp với những đổi thay phi thường đó. Đến lượt mình, với những định hướng như trên, chắc chắn Xã hội 5.0 sẽ lại thúc đẩy mạnh mẽ sự ra đời và phát triển của một kỷ nguyên mới, được định dạng bởi không gian ảo và người máy sẽ làm thay cho con người và sống cùng với con người. Phải chăng, đó sẽ chính là khởi đầu cho một cuộc cách mạng mới: các mạng công nghiệp 5.0 đang đến?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN

GS Nguyễn Đình Đức: Những điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy 2019 của ĐHQGHN

Một số điểm mới trong tuyển sinh đại học chính quy năm 2019 của Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Về chính sách tuyển sinh: Năm 2019, ĐHQGHN tuyển sinh gần 10.000 chỉ tiêu, với 120 ngành/CTĐT đại học (chuẩn, chất lượng cao, tài năng, tiên tiến) thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên & Công nghệ, Kỹ thuật, Khoa học Xã hội, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, Giáo dục, Luật học, Y-Dược với các hình thức xét tuyển:

   (1) Thí sinh sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia;

   (2) Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng. Mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60);

(3)Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1100/1600 hoặc 1450/2400 trở lên;

(4) Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). Các chứng chỉ phải còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 02 năm kể từ ngày dự thi.

2. Các ngành đào tạo mới và thí điểm: Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cách mạng công nghiệp 4.0, ĐHQGHN đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo mới đặc sắc. Năm 2019, ĐHQGHN tiếp tục phát triển các ngành/CTĐT theo hướng liên ngành, xuyên ngành nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian tới, với 12 ngành mới được tuyển sinh trong năm 2019 gồm: ngành Quản trị chất lượng, Quản trị công nghệ giáo dục, Tham vấn học đường, Khoa học giáo dục và ngành Sư phạm KHTN thuộc Trường ĐH Giáo dục; ngành Nhật Bản học thuộc Trường ĐHKHXHNV; ngành Công nghệ nông nghiệp, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thuộc Trường ĐH Công nghệ; Luật Thương mại quốc tế thuộc Khoa Luật; Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học thuộc Khoa Y dược; ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ thuộc Khoa Quản trị và Kinh doanh; ngành Tài nguyên và Môi trường nước thuộc Trường ĐHKHTN. Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo truyền thống được chuyển đổi theo hướng mô hình đào tạo chất lượng cao đáp ứng Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Hầu hết các CTĐT CLC đều sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ hoặc ngoại ngữ là môn điều kiện để đăng ký vào học các CTĐT CLC (thí sinh phải đạt điểm tiếng Anh tối thiểu từ 4.0 trở lên hoặc tương đương) nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết để thí sinh có thể theo học các CTĐT này, đáp ứng vị trí việc làm trình độ quốc tế sau khi tốt nghiệp.

Các thí sinh cũng cần biết là đến nay, năm 2019, ĐHQGHN tuyển sinh với 15 ngành đào tạo thí điểm (chưa có trong danh mục mã ngành của Bộ) gồm: Khoa học giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Quản trị trường học, Quản trị công nghệ giáo dục, Tham vấn học đường, Luật thương mại quốc tế, Luật kinh doanh, Khoa học thông tin địa không gian, Tài nguyên và Môi trường nước, Máy tính và Khoa học thông tin, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Công nghệ nông nghiệp, Kỹ thuật robot, Kỹ thuật năng lượng, Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ. Những chương trình này là đặc sản trong đào tạo của ĐHQGHN. Riêng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông những năm trước còn là thí điểm, từ năm 2018 đã chính thức có trong danh mục đào tạo của Bộ, tách ra thành 2, có mã ngành đào tạo riêng là Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Công nghệ Kỹ thuật Giao thông và năm nay tuyển sinh ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng.

3. Những đổi mới trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo của ĐHQGHN từ năm 2019:

Từ năm 2017, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong cả nước và tiếp tục triển khai hình thức tổ chức cho thí sinh Xác nhận nhập học trực tuyến, việc này hỗ trợ tốt cho thí sinh, giúp cho thí sinh hạn chế việc đi lại và tránh được tình trạng thất lạc hồ sơ, giấy chứng nhận kết quả thi gốc khi gửi qua bưu điện.

Bên cạnh thực hiện tốt công tác tuyển sinh trong nước, ĐHQGHN đẩy mạnh các hoạt động thu hút các thí sinh là người nước ngoài theo học các CTĐT chất lượng cao, chuẩn quốc tế trong những năm gần đây. Từ năm 2018, ĐHQGHN đã xây dựng Cổng tuyển sinh sinh viên quốc tế để thí sinh ở nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên, hiện nay, ĐHQGHN đang triển khai mạnh mẽ đổi mới hoạt động giảng dạy, theo hướng áp dụng các công nghệ và phương pháp giảng – dạy học tập tiên tiến, tăng cường tương tác giữa người học với giảng viên, đổi mới giảng dạy các môn chung, phát huy cao nhất lợi thế liên ngành, liên lĩnh vực trong ĐHQGHN.

Điểm đặc biệt nhấn mạnh lợi thế của ĐHQGHN là các em có thể đăng ký học lấy 2 bằng đại học chính quy (còn gọi là đào tạo bằng kép, hay song bằng) trong thời gian đào tạo. Sinh viên nếu trúng tuyển vào ĐHQGHN, sau năm thứ nhất nếu đạt học lực từ khá trở lên có thể đăng ký học để lấy bằng đại học chính quy thứ 2 ở trong trường mình hoặc ở trường khác trong ĐHQGHN. Ví dụ sinh viên ngành kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật xây dựng có thể học lấy bằng cử nhân CNTT (trong trường Đại học Công nghệ) hoặc có thể học thêm để lấy bằng đại học chính quy về Luật (ở Khoa Luật), hoặc Kinh tế (ở ĐH Kinh tế) và ngược lại). Từ 2015 đến nay, toàn ĐHQGHN  đã có khoảng hơn 3000 sinh viên tốt nghiệp nhận 2 bằng đại học và 2500 em đang theo học theo bằng kép.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng đặc biệt chú trọng thực hành, thực tập cho sinh viên. Trong quá trình học tập, nhiều chương trình đào tạo đã gửi sinh viên đi trao đổi ở nước ngoài hoặc thực tập 1-2 học kỳ tại các doanh nghiệp. Những chương trình đào tạo ví dụ như như Robotic, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng còn được hỗ trợ của một số trường đại học Nhật Bản trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, hỗ trợ học liệu, cơ sở vật chất thí nghiệm và thực tập cho sinh viên, cũng như tạo cơ hội cho sinh viên đi làm việc tại các doanh nghiệp và học tiếp ở bậc sau đại học.

Từ năm 2019, ĐHQGHN bắt đầu triển khai đổi mới đào tạo tài năng và chất lượng cao theo hướng cá thể hóa. Đào tạo tài năng sẽ được khuyến khích mở rộng cho tất cả các ngành (trước kia đào tạo tài năng chỉ có trong lĩnh vực cơ bản trong KHTN). Đồng thời, đào tạo theo hướng cá thể hóa để gắn đào tạo với nghiên cứu và nhằm phát huy cao nhất năng lực, sở trường của mỗi cá nhân.

Thay cho lời kết: Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học & công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, giữ vai trò đầu tàu đổi mới và nòng cột trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. ĐHQGHN tiếp tục giữ vị trí số 1 của Việt Nam và đứng thứ 124 đại học hàng đầu châu Á theo bảng xếp hạng của tổ chức quốc tế QS (Quacquarelli Symonds- Top Universities), là địa chỉ tin cậy đào tạo chất lượng cao, trình độ cao của Việt Nam. Tôi tin tưởng các em thí sinh sẽ có những lựa chọn ngành nghề cũng như cơ sở đào tạo thật sáng suốt và phù hợp. Chúc các em thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học năm 2019.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH & Sau Đại học, ĐHQGHN

 

 

 

Triển khai hợp tác hiệu quả với trường Đại học Kanto Gakuin trong lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật xây dựng

    Ngày 11/03, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN) đã khai mạc khóa tập huấn của các giáo sư Trường Đại học Kanto Gakuin, Nhật Bản dành cho các giảng viên trẻ ngành Xây dựng – Giao thông của nhà trường tại nhà E3.

Tham dự hội thảo về phía trường ĐHCN có PGS. TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng, TS. Phạm Minh Triển – Phó trưởng phòng KHCN&HTPT, PGS.TS Nguyễn Phương Thái – Trưởng Phòng Đào tạo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông trực thuộc trường, PGS.TS. Phạm Mạnh Thắng – Phó Chủ nhiệm khoa CHKT&TĐH. Về phía trường ĐH Kanto Gakuin có GS. TS Hiroyoshi Kiku – Hiệu trưởng và các giáo sư Nhật khác trong đoàn.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ triển khai ký kết hợp tác giữa hai bên và do các giáo sư trường ĐH Kanto Gakuin trình bày về những phương pháp và công nghệ xây dựng mới của Nhật Bản, giúp truyền đạt cho các giảng viên trẻ của Trường ĐHCN những kiến thức, kỹ thuật, công nghệ và những thông tin mới nhất trong lĩnh vực xây dựng. Khóa tập huấn sẽ kết thúc vào ngày 16/3/2019 gồm các bài giảng với nội dung kỹ thuật kết cấu, địa kỹ thuật, kỹ thuật giao thông, kỹ thuật bê tông, quản lý dự án…

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại chương trình

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà (bên phải ảnh) tặng quà lưu niệm đến giáo sư trường ĐH Kanto Gakuin

Phát biểu tại chương trình, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà đã đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả của trường ĐH Kanto Gakuin đối với Trường ĐHCN trong việc chuyển giao chương trình đào tạo kỹ thuật xây dựng. Đồng thời, Hiệu trưởng đã nhấn mạnh những nội dung và lĩnh vực hợp tác được triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, hai bên sẽ hỗ trợ cập nhật, hoàn thiện chương trình đào tạo, xây dựng các đề cương chi tiết từng học phần, tham gia phối hợp nghiên cứu khoa học theo thế mạnh của hai bên. Phó giáo sư hi vọng giảng viên và sinh viên Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông sẽ nắm bắt cơ hội sau bài giảng của các giáo sư Trường ĐH Kanto Gakuin để nâng cao kiến thức và phát triển chuyên môn trong tương lai.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm Bộ môn thuộc trường đã trao đổi trực tiếp về những hợp tác cụ thể của hai bên, ngoài khóa học này, năm nay Bộ môn sẽ cử 2 cán bộ tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng giảng viên trong thời gian 2-3 tháng tại ĐH Kanto Gakuin; đề xuất những hướng nghiên cứu thế mạnh và các khóa học ngắn hạn khác trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật xây dựng; xây dựng chương trình đào tạo mới bậc đại học và sau đại học để tương lai có thể hướng đến việc liên kết đào tạo quốc tế với trường ĐH Kanto Gakuin. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức tin tưởng trường ĐH Kanto Gakuin sẽ là đơn vị góp phần tích cực giúp Trường ĐHCN kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản để tăng khả năng thực hành và thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên của Nhà trường nói riêng và sinh viên ĐHQGHN nói chung.

GS.TS. Hiroyoshi Kiku rất kỳ vọng vào hợp tác của hai trường trong thời gian tới

Chia sẻ về những hợp tác sắp tới của hai trường, GS. TS Hiroyoshi Kiku, Hiệu trưởng cho biết, trường ĐH Kanto Gakuin rất kỳ vọng vào sự hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa hai đơn vị. Trường ĐH Kanto Gakuin sẽ hỗ trợ Trường ĐHCN trong lĩnh vực đào tạo giảng viên, cán bộ để góp phần đào tạo những sinh viên trở thành các kỹ sư, các nhà kỹ thuật nắm vững các kỹ năng, trở thành các kỹ sư giỏi, nhà quản lý chuyên nghiệp mang tính toàn cầu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án xây dựng trong tương lai, góp phần vào sự phát triển xã hội và phồn vinh của đất nước Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (bên phải ảnh) tặng hoa đến  GS. TS Hiroyoshi Kiku – Hiệu trưởng trường ĐH Kanto Gakuin

Trường Đại học Kanto Gakuin được thành lập năm 1884 nằm ở tỉnh Yokohama của Nhật Bản, có lịch sử xây dựng và phát triển hơn 130 năm, là một trường nổi tiếng tại Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ bề mặt vật liệu và công nghệ xây dựng dân dụng. Đối với bậc đại học, Trường Đại học Kanto Gakuin có 10 khoa với 11.000 sinh viên; bậc sau đại học có 4 khoa.

Tuyết Nga (UET-News)